Dạy môn tích hợp có nhiều khó khăn là thật nhưng biết cách vẫn làm tốt

29/08/2023 08:58
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Coi mình là học sinh, sẽ làm gì, làm như thế nào để đạt được kiến thức, kĩ năng của bài học, giáo viên sẽ tìm ra giải pháp tốt nhất cho tiết học.

Chương trình 2018 đã triển khai ở lớp 1,2,3,6,7,10 năm học 2023-2024 sẽ triển khai ở lớp 4, 8, 11. Như vậy đến năm học 2024-2025 chương trình 2018 sẽ triển khai từ lớp 1 đến lớp 12.

Thời gian qua, trên nhiều diễn đàn đang đăng tải ý kiến của giáo viên đề nghị “trả lại tên cho em” ở các môn học được cho là “tích hợp” trong chương trình 2018 như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên … ở trung học cơ sở.

Nếu gõ vào google cụm từ “đề nghị bỏ môn tích hợp” sẽ có ngay khoảng 20 700 000 kết quả trong vòng 0,36 giây. Kết quả tìm kiếm cũng đủ nói lên “sức nóng” của bộ môn tích hợp trên các diễn đàn.

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm trên google

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm trên google

Giáo viên nói gì về đề xuất bỏ môn tích hợp?

Thầy Văn Tuân ở Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Việc tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên giúp cho học sinh có thể giải quyết các vấn đề trong thực tiễn "khi giải quyết một vấn đề của thực tiễn (tự nhiên hay xã hội) thì không chỉ cần tới hiểu biết ở một phương diện mà cần kiến thức tổng hợp thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau", về khía cạnh này thì hoàn toàn đúng và rất cần thiết.

Tuy nhiên khi thực hiện lại gặp phải nhiều khó khăn, bất cập .... trong đó phần lớn đội ngũ giáo viên được phân công dạy môn Khoa học tự nhiên chưa đáp ứng yêu cầu về kiến thức của bộ môn (thầy cô chưa được đào tạo dạy cùng lúc 3 môn Lý, Hoá, Sinh).

Đúng ra phải chuẩn bị về mặt con người trước, phải đào tạo người làm được việc rồi mới giao việc cho họ làm, nhưng chúng ta lại làm ngược lại.

Bất cập là có và đó là thực tế, nhưng nói bỏ để trở lại như trước thì gần như không thể, vì tất cả ở trên bệ phóng, đoàn tàu tàu đã và đang chạy rồi”.

Cô giáo Lê Hồ An chia sẻ: “Tích hợp hay liên môn là cần thiết trong giáo dục, trong giảng dạy, thế giới người ta làm lâu rồi, nay chúng ta mới làm là muộn.

Giáo viên không phản đối tích hợp mà thấy cách làm, cách triển khai chưa phù hợp, đặc biệt là sự rạch ròi trong kiến thức của sách giáo khoa.

Bất cứ ai cũng thấy ngay sự rạch ròi kiến thức khi cầm cuốn sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý, một cuốn sách, hai phân môn Lịch sử, Địa lý rõ ràng.

Còn sách Khoa học tự nhiên cũng tương tự, các chủ đề riêng là kiến thức chủ đạo, kiến thức chung rất ít, rất nhỏ, nên cũng khó có thể nói là môn tích hợp được, vì thế hình thành tư duy “phản biện” chính trong người dạy.

Sách gíáo khoa viết như vậy cũng là giải pháp để có thể khắc phục khi nguồn nhân lực giáo viên dạy môn tích hợp chưa có.

Thế nhưng, theo tôi, yêu cầu Bộ bỏ môn tích hợp trong chương trình mới là hơi cực đoan, vì vẫn có thể khắc phục được”.

Rất nhiều giáo viên tâm huyết với giáo dục khi có chung sự đồng cảm với cô giáo Lê Hồ An.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giáo viên hiến kế để khắc phục bất cập khi triển khai môn tích hợp

Thầy giáo Nguyễn Văn Thanh, một giáo viên trực tiếp dạy môn tích hợp chia sẻ: “Phụ huynh đọc sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, nhận ra kiến thức từng môn là điều đáng mừng cho giáo dục, chứng tỏ chất lượng giáo dục đại trà của chúng ta tương đối tốt, không nhận ra mới là lo ngại.

Nay giáo viên không tự tin dạy môn tích hợp cũng là điều đúng, bình thường, giáo viên không tự tin chắc chắn sẽ tự học bổ sung, cái sợ là giáo viên dù chưa vững kiến thức nhưng “cả vú lấp miệng em”, tự tin thái quá mới lo.

Trước đây, thầy cô là bầu trời kiến thức, giờ học sinh học đâu chỉ cần thầy cô, chỉ cần vài lần kích chuột là có câu trả lời dù hỏi “xoáy” cỡ nào.

Vì vậy tôi xin có một vài góp ý như sau, thứ nhất, lãnh đạo nhà trường phải thấu hiểu và động viên thầy cô tự học, tự nghiên cứu, kịp thời nêu gương, khen thưởng giáo viên vượt khó khăn dạy môn tích hợp tốt.

Thứ hai, mỗi giáo viên phải hiểu rằng: giáo viên giờ đây là bạn đồng hành, giúp học sinh phát hiện, vận dụng, liên hệ kiến thức chứ không phải truyền đạt kiến thức.

Mỗi tiết dạy, giáo viên vừa là học sinh, là người hướng dẫn, chứ không phải làm thay, học thay, có như thế thầy cô mới thấy nhẹ nhàng, mới thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, đúng là giáo dục.

Thứ ba, Bộ nên yêu cầu các địa phương không tổ chức thi học sinh giỏi ở trung học cơ sở. Một số địa phương đã tổ chức thi học sinh giỏi ở trung học cơ sở với các đơn môn Hóa, Sinh, Lý, vậy thì làm sao phụ huynh, xã hội không lo lắng?

Thứ tư, đổi mới sinh hoạt chuyên môn ở nhà trường theo hướng bám sát thực tế. Nhà trường đừng cứng nhắc việc họp hành, sổ sách ghi chép, hãy chủ động phân công giáo viên thành lập “đôi bạn cùng tiến”, giáo viên đơn môn giúp nhau trong dạy học và tự học.

Thứ năm, dù giáo viên được đào tạo đơn môn, đi dạy đơn môn, đào tạo bước đầu cũng khó, cũng chưa hoàn hảo, môn tích hợp cũng vậy thôi.

Thầy cô đừng vội cầu toàn, hãy cố gắng qua từng tiết dạy, tiết sau tiến bộ hơn tiết trước là thành công rồi.

Thứ sáu, cấp đủ đồ dùng dạy học ngay và luôn từ đầu năm để giáo viên và học sinh sử dụng.

Theo tôi, dạy môn tích hợp có nhiều khó khăn nhưng biết cách vẫn làm tốt, thầy cô hãy thay đổi tâm thế, đặt mình vào vị trí học sinh, sẽ làm gì, làm như thế nào để đạt được kiến thức, kĩ năng của bài học yêu cầu, từ đó sẽ tìm ra giải pháp tốt nhất để dạy học”.

Trong lúc chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án điều chỉnh việc giảng dạy môn tích hợp, mỗi thầy cô hãy cố gắng vượt qua chính mình để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh