Mới đây, trên một trang báo điện tử [*] có đăng bài “Siêu phẩm sáng tạo khi học sinh cấp 1 điền thành ngữ khiến cô giáo 'đứng hình'”, đưa ra nhận xét hài hước, hóm hỉnh về một số bài làm của học sinh tiểu học điền từ còn thiếu để “hoàn chỉnh thành ngữ”.
Bằng một giọng văn dí dỏm, tác giả hào hứng giới thiệu một số bài làm sai, gọi là “"tuyệt tác" thành ngữ được học sinh tiểu học sáng tạo ra”, rồi nhận xét “"trình" văn học hài hước của học sinh đã được một lớp tiểu học nâng lên tầm cao mới với bài tập "điền hoàn chỉnh thành ngữ".
Với sự thật thà, ngây ngô và vốn hiểu biết không quá nhiều về các câu thành ngữ, tục ngữ và đôi khi là cả sự... liếc nhẹ bài nhau, các học sinh này đã cho ra đời những câu thành ngữ để đời như "Ruột để ngoài tai", "Môi hở mồm nói", "giấy rách phải giữ lấy để viết"... khiến cộng đồng mạng không thể nhịn cười.”; “"cây ngay không sợ bóng", "chân yếu đi chậm",...có lẽ là những câu thành ngữ cực phẩm mà chỉ những học sinh tiểu học ngây thơ nhưng cũng "nhất quỷ nhì ma" mới nghĩ ra được.”
Các "tuyệt tác" thành ngữ được học sinh tiểu học sáng tạo ra (Ảnh: Infonet) |
Tra cứu chương trình Tiếng Việt tiểu học, chúng ta biết bài tập này thuộc chương trình Tiếng Việt 4, bài “Ôn tập giữa học kỳ 1”, với nội dung “Ôn tập về thành ngữ – tục ngữ – Bồi dưỡng Tiếng Việt lớp 4”.
Một trong những mục tiêu của bài ôn tập là nhằm củng cố lại kiến thức về thành ngữ, tục ngữ, kiểm tra trí nhớ của học sinh về các câu tục ngữ, thành ngữ đã học từ đầu năm học đến nay, phân loại các câu theo từng chủ điểm và nắm chắc lại nội dung, ý nghĩa các tục ngữ, thành ngữ đó.
Cụ thể, ví dụ như câu “Môi hở răng lạnh” thuộc chủ điểm “nhân hậu” Thương người như thể thương thân, câu “Ước của trái mùa” thuộc chủ điểm “ước mơ” Trên đôi cánh ước mơ, còn chủ điểm “trung thực” măng mọc thẳng có các câu về tính trung thực “Thẳng như ruột ngựa”, “Cây ngay không sợ chết đứng”, giáo dục lòng tự trọng qua câu “Giấy rách phải giữ lấy lề”, v.v.
Các câu thành ngữ trên gồm nhiều loại như thành ngữ đối xứng 4 âm tiết: môi hở - răng lạnh, chân yếu tay mềm; thành ngữ từ 3 âm tiết trở lên không đối xứng: thật như đếm, ruột để ngoài da, ước của trái mùa, thẳng như ruột ngựa, cây ngay không sợ chết đứng, giấy rách phải giữ lấy lề,... là những đơn vị từ vựng các em đã được học qua các bài mở rộng vốn từ tiếng Việt từ đầu năm học đến thời điểm đó.
Yêu cầu của bài ôn tập đặt ra khá cao: “học sinh nhắc lại các câu thành ngữ và tục ngữ, đồng thời giải nghĩa các câu đó”, “học sinh nhớ lại và nêu được các câu tục ngữ - thành ngữ đã học - yêu cầu học sinh nêu được các câu đó khuyên chúng ta điều gì? chê chúng ta điều gì?”.
Suy ngẫm về bài luật thơ trong chương trình Ngữ văn lớp 12 |
Trong lúc đó, yêu cầu của bài tập (được dẫn ra trong bài báo) đã được hạ thấp bớt đi khá nhiều, chỉ yêu cầu các em điền từ còn thiếu vào chỗ trống để “hoàn chỉnh các thành ngữ và đặt câu với một thành ngữ đã hoàn chỉnh”.
Thế nhưng các bài làm “khiến cộng đồng mạng không thể nhịn cười” ấy đã không đạt được yêu cầu bài làm đặt ra – dù đã được hạ thấp như trên.
Qua các bài làm trên, có thể thấy nhiều em không nhớ chút gì về các thành ngữ đã học trước đó khi tái hiện lại kiến thức để điền từ vào chỗ trống, hoàn chỉnh các thành ngữ, mà tùy tiện điền vào chỗ khuyết những từ ngữ mà các em suy luận nhận thấy hợp logic mà thôi, như “thẳng như thước”, “ruột để tiêu hóa”, “môi hở hàm ếch”, “chân yếu sẽ không đi được”, “cây ngay không sợ gió to”, “giấy rách phải giữ lấy sách”, v.v.
Các câu trả lời trên tuy có phù hợp với logic thực tiễn, nhưng lại sai vì chưa đáp ứng được yêu cầu của bài tập “hoàn chỉnh thành ngữ”.
Qua kết quả các bài làm trên của học sinh lớp 4, từ góc nhìn của người dạy học, có lẽ không mấy thầy cô thấy vui vẻ, hài hước, “không nhịn được cười”.
Điều làm cho chúng ta phải suy ngẫm, day dứt trước kết quả này là nguyên nhân nào khiến các em lại làm bài chưa đúng với yêu cầu như vậy?
Chúng tôi không đồng tình với nhận xét của bài báo đã nêu trên: các câu trả lời của các em “là những câu thành ngữ cực phẩm mà chỉ những học sinh tiểu học ngây thơ nhưng cũng “nhất quỷ nhì ma” mới nghĩ ra được”, nghĩa là do học sinh ngây thơ và nghịch ngợm nên đã cố tình có chủ ý trả lời trong bài làm như vậy (!?).
Theo chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu là do học sinh chưa được khắc sâu kiến thức lúc học bài mới trước đó, nên học trước quên sau, đến khi làm bài thì không thể nhớ lại các câu thành ngữ đã học để điền từ còn thiếu.
Cô và trò cùng ra đồng trong tiết học văn tả cảnh! |
Cạnh đó, những kiến thức chung cơ bản về đặc trưng của đơn vị từ vựng thành ngữ, tục ngữ chưa được cung cấp cặn kẽ cho học sinh, mà chỉ ở dạng sơ lược, nên các em chỉ có thể học thuộc lòng từng câu thành ngữ một cách máy móc, thậm chí chưa kịp hiểu nội dung ý nghĩa của thành ngữ, nên hầu như đa phần các em không thể vận dụng kiến thức để “đặt câu với thành ngữ” như yêu cầu đặt ra trong đề bài, tạo nên những câu ngô nghê, vô nghĩa: “Một bạn học sinh lớp em để cô giáo nhắc nhở ruột để ngoài tai.”, “Em rất thật thà”...
Cuối cùng, thành ngữ, tục ngữ thuộc bộ phận “ngữ cố định”, cũng là những đơn vị từ vựng tương đương như từ, cùng với “từ” góp phần tạo nên vốn “từ ngữ” của dân tộc.
Tuy nhiên, hình thức cấu tạo (số lượng âm tiết, cấu trúc nội tại) và nội dung ngữ nghĩa của “ngữ cố định” có phần phức tạp hơn từ đơn, từ phức, nên việc cung cấp kiến thức về “ngữ cố định” cho học sinh tiểu học trong kiểu loại bài “Mở rộng vốn từ theo chủ đề” cần nghiên cứu, xem xét thấu đáo, sao cho không quá sức, phù hợp đặc điểm tâm lý tiếp nhận của lứa tuổi các em.
Tất cả những suy ngẫm trên, xin được gửi đến các nhà soạn sách giáo khoa và chương trình mới - sắp được thực hiện từ năm học 2020-2021 - với mong muốn chương trình và sách giáo khoa mới sẽ phù hợp với đối tượng học sinh, đảm bảo tính vừa sức và ngày càng được hoàn thiện hơn.
Chú thích:
[*] https://infonet.vn/sieu-pham-sang-tao-khi-hoc-sinh-cap-1-dien-thanh-ngu-khien-co-giao-dung-hinh-post316454.info,(12/10/2019)