Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị, Đại học Bách Khoa Hà Nội một trong hai cơ sở giáo dục đại học được đầu tư tập trung trọng điểm, chú trọng nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước.
Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 08/02/2023 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW, phần phát triển Giáo dục và Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã chỉ rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn 2023-2025 xây dựng Đề án phát triển Đại học Bách Khoa Hà Nội thuộc nhóm các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á trình Chính phủ phê duyệt.
Quang cảnh hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng (Ảnh: Lã Tiến) |
Từ thực tế trên, tại hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng diễn ra ngày 14/6/2023 tại tỉnh Nam Định, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội đã có bài tham luận đề xuất một số giải pháp góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực đồng bằng sông Hồng.
Đại học Bách khoa Hà Nội và mạng lưới G26
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng thông tin, Đại học Bách Khoa Hà Nội có 1.687 cán bộ, trong đó số cán bộ giảng dạy là 1.065 người với 22 Giáo sư, 244 Phó giáo sư, 814 tiến sĩ và 253 thạc sĩ.
Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ và tiến sĩ khoa học chiếm 76,4%, tỉ lệ cao nhất trong các đại học và vượt xa tỷ lệ của toàn ngành.
Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 5 trường: Cơ khí, Điện-Điện tử, Công nghệ thông tin và truyền thông, Hóa và Khoa học sự sống, Vật liệu.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có 5 Viện đào tạo chuyên ngành: Kinh tế và quản lý, Sư phạm kỹ thuật, Vật lý kỹ thuật, Toán và Tin học ứng dụng, Ngoại ngữ.
Cùng với đó, Đại học Bách khoa Hà Nội có 6 Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Đại học đã ban hành 4 định hướng khoa học công nghệ ưu tiên phát triển giai đoạn 2021-2030: Công nghệ dữ liệu và hệ thống thông minh, Năng lượng và môi trường bền vững, Vật liệu mới, và Khoa học và Công nghệ sức khỏe.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, mạng lưới các trường công nghệ kỹ thuật gồm 26 trường đại học (G26), tập trung hầu hết các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, có nhiều tiềm năng hợp tác để giải quyết các bài toán mà doanh nghiệp đối mặt trong quá trình sản xuất.
Thành viên mạng lưới chỉ chiếm 11% trong tổng số các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam (236 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam) nhưng có đội ngũ trên 15.500 cán bộ khoa học chiếm 21,22% số lượng cán bộ khoa học trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Lực lượng cán bộ giảng dạy của mạng lưới G26 là một lực lượng mạnh và có chất lượng cao trong đó có 129 Giáo sư (chiếm 0,85%), 1.364 Phó giáo sư (chiếm 8,90%) và 5.124 Tiến sỹ (chiếm 33,4%).
Mạng lưới các trường đại học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam là các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học mạnh ở Việt Nam (đào tạo mới hàng năm gần 100.000 sinh viên trong đó ngành công nghệ kỹ thuật chiếm trung bình 70 %) với tỷ lệ chỉ tiêu và chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm tăng khoảng 15%.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục thành viên mạng lưới cũng là các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học mạnh ở Việt Nam, là cầu nối giữa các trường đại học thành viên với các doanh nghiệp, địa phương trong cả nước hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng đồng bằng sông Hồng
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, vùng đồng bằng sông Hồng có lực lượng lao động khá dồi dào với khoảng 11,44 triệu người, chiếm gần 23% tổng lực lượng lao động cả nước.
Vùng đã thu hút hơn 33,6% số dự án và 30,2% số vốn đầu tư nước ngoài hình thành hơn 360 cụm công nghiệp.
Vì thế, đào tạo và tái đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của hội nhập, cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đưa nhân lực thực sự trở thành nền tảng và yếu tố quan trọng nhất để phát triển bền vững vùng, là một vấn đề hết sức cấp thiết.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng đề xuất một số giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (Ảnh: Lã Tiến) |
Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, cần liên kết mạng lưới các trường đại học công nghệ kỹ thuật và hợp tác doanh nghiệp chặt chẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời đáp ứng nhu cầu các tỉnh trong vùng.
Bao gồm: Hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo ngắn hạn theo đặt hàng; Đào tạo liên kết nhà trường – doanh nghiệp; Triển khai mạnh mẽ mô hình học kỳ doanh nghiệp (thuộc chương trình đào tạo cử nhân hoặc kỹ sư) người học thực hiện thực tập trực tiếp tại các công ty, nhà máy.
Tiếp đó, cần tập trung đào tạo những ngành công nghệ cao theo định hướng phát triển các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng theo mô hình trung tâm đào tạo xuất sắc.
Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất tập trung đổi mới chương trình đào tạo và thu hút các sinh viên giỏi cho những ngành mũi nhọn, chuyên sâu.
Đồng thời xây dựng trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 theo mô hình Đại học số chia sẻ, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu nhân lực vùng đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên, thông qua việc thúc đẩy các hoạt động để phát triển Hệ sinh thái nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho mạng lưới các trường đại học công nghệ kỹ thuật, trong đó đặc biệt quan trọng là sự kết hợp với các chuyên gia công nghệ ở các doanh nghiệp.
Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sinh viên để thúc đẩy và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sinh viên, gắn với các nhu cầu công nghệ, khoa học kỹ thuật và phát triển các sản phẩm ở các tỉnh/địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng.