Để phát huy lợi thế của ĐB sông Hồng, Hiệu trưởng ĐH Hàng hải có một số đề xuất

15/06/2023 09:54
LÃ TIẾN
GDVN- PGS.TS Phạm Xuân Dương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hướng cho học sinh phổ thông lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp với nguồn lực mà địa phương đang cần.

Tại Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Triển khai thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra ngày 14/6, một số trường đại học thuộc vùng đồng bằng sông Hồng đã đóng góp những đề xuất nhấn mạnh sự kết nối chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu nguồn nhân lực cũng như tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh phổ thông.

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Lã Tiến)

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Lã Tiến)

Trình bày tham luận tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương – Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (thành phố Hải Phòng) cho biết, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng là một trong những trường được đưa vào trong Nghị quyết 30 là xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trở thành trường trọng điểm quốc gia và nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực bền vững kinh tế biển của đất nước. Đây cũng là một trong những lĩnh vực mà nhà trường đã có truyền thống 67 năm xây dựng và trưởng thành. Nhà trường cũng được Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm đến chiến lược phát triển khoa học công nghệ cũng như nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương chia sẻ tại hội nghị (Ảnh: Lã Tiến)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương chia sẻ tại hội nghị (Ảnh: Lã Tiến)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương nhấn mạnh về thế mạnh của vùng đồng bằng sông Hồng: “Vùng này có vị trí địa lý quan trọng giúp phát triển tất cả các phương thức vận tải.

Ở đây không chỉ có hệ thống đường bộ, đường cao tốc lớn nhất cả nước mà còn có hệ thống vận tải biển, hàng không, đường thuỷ nội địa giúp kết nối với các vùng ở Việt Nam, trên thế giới.

Có thể nói về mặt giao thông vận tải, vùng đồng bằng sông Hồng là vùng có hệ thống kết nối tốt nhất.

Đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy rõ vai trò kết nối của Việt Nam với thế giới mà chúng ta lại đang có thế mạnh rất lớn là hệ thống cảng biển, hệ thống vận tải biển, dịch vụ logistics cũng như là các phương thức vận tải khác.

Với thế mạnh lớn như vậy, chúng ta có thể phát triển mạnh ở các lĩnh vực: công nghệ, công nghệ cao; dịch vụ cảng biển, logistics; thương mại dịch vụ cũng như du lịch. Lợi thế cũng được chia đều cho 11 tỉnh, thành phố của vùng đồng bằng sông Hồng”.

Để phát huy lợi thế vị trí chiến lược trong phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương đề xuất với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng cùng các trường đại học rằng: “Sự kết nối mà chúng ta có thể chia sẻ nguồn lực giữa các trường đại học, các cơ sở giáo dục đào tạo cùng với sự phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh phổ thông rất quan trọng.

Làm sao để các em thấy được nên lựa chọn những cơ sở nào phù hợp với nguồn lực mà địa phương chúng ta đang cần.

Ví dụ như tại thành phố Hải Phòng, bất kỳ nhà đầu tư lớn nào khi đến với thành phố đều có mời các doanh nghiệp cùng với cơ sở giáo dục để cùng bàn bạc xem cần phải tập trung nghiên cứu đưa ra quá trình đào tạo như thế nào.

Ngày 11/5/2023, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam vinh dự được đón tiếp tổ chức Hàng hải Quốc tế, Tư lệnh ngành Hàng hải toàn thế giới và họ đánh giá việc đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước mà chúng ta đang có đáp ứng hoàn toàn với tiêu chuẩn quốc tế.

Có nghĩa là người Việt Nam chúng ta hoàn toàn không hề thua kém quốc gia hàng hải lớn nào trên thế giới. Hàng hải ở đây không chỉ là đào tạo lái tàu mà chính là hệ thống cảng biển của chúng ta rất hiện đại, có thế kết nối với tất cả các vùng. Hệ thống logistics rất uy tín và hoạt động có hiệu quả.

Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này của nước ta đang đứng thứ 15, 16 trên thế giới với chất lượng nguồn nhân lực như vậy.

Chính vì vậy, cùng với lợi thế, khả năng và nguồn nhân lực có chất lượng như thế, điều chúng ta cần là có định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học sinh từ cấp phổ thông.

Phải cho các em học sinh biết được vùng đồng bằng sông Hồng có những lợi thế như thế nào? Chọn ngành, chọn nghề thế nào để phù hợp? Có định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông từ sớm.

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng sẵn sàng tham gia vào các hội nghị xúc tiến đầu tư để khẳng định với các nhà đầu tư rằng khi chúng ta có sự chuẩn bị tốt như vậy thì sẽ có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của họ.

LÃ TIẾN