LTS: Cho rằng, việc lấy lý do ở tiết chính khóa không có đủ thời gian để hướng dẫn giải đề là “bí kíp” kéo học trò tới lớp học thêm, cô Thảo Ly đã đưa ra quan điểm thông qua bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bao giờ cũng thế, cứ gần đến thời điểm thi thì các lớp học thêm của thầy cô bậc học phổ thông lại tăng số lượng học sinh đăng kí học thêm đông bất thường.
Các em học sinh tại một lớp học thêm (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Có giáo viên nói rằng “đó là những học sinh học thêm theo thời vụ”. Bởi chỉ qua giai đoạn thi những học sinh này lại nghỉ học thêm. Và cứ thế, cái mô típ học - nghỉ, học lại nghỉ…cứ diễn ra liên tục.
Soạn đề cương để hút học sinh
Từ thực tế cho thấy, những giáo viên không thể dạy thêm hay không bao giờ dạy thêm khi tổ chức ôn tập cho học sinh, chỉ giới hạn kiến thức ôn tập gọi là đề cương. Việc soạn những đề cương này, học sinh sẽ tự làm.
Riêng những thầy cô dạy thêm vừa trực tiếp soạn đề vừa tự giải đề cho các em. Những môn như Toán, Lý, Hóa, Anh văn…ngoài lý thuyết còn khá nhiều bài tập.
Có em không biết làm, em lại lười suy nghĩ. Và cách tốt nhất chúng thường áp dụng là đăng kí đi học thêm.
Giáo viên dạy thêm cũng hiểu những học sinh này, điều quan trọng nhất với chúng chỉ là điểm số. Đi học thêm để được giải đề, hết mùa thi lại nghỉ.
Còn với những giáo viên này chỉ quan tâm một chữ tiền nên thầy cô sẵn sàng “nấu nướng, bày mâm và dọn chén” cho các em chỉ việc ngồi xơi.
Tập đề cương dày cộp với vài chục bài tập được thầy cô giải quyết hết trong những buổi dạy thêm. Trò tới học chỉ việc nghe và ghi chép.
Lấy lý do ở tiết chính khóa không có đủ thời gian để hướng dẫn giải đề. Đây chính là “bí kíp” để buộc học sinh phải đăng kí đi học thêm thời vụ khá đông.
Thầy cô giải đề, học sinh ghi chép, về nhà chỉ bỏ công học thuộc. Đề thi gần y chang, phần bài tập đôi khi chỉ khác vài số liệu.
Vào thi, trò chỉ việc cắm đầu cắm cổ chép một mạch những gì mình đã nhớ. Có phòng gặp giám thị dễ chỉ việc mở ra chép vào là có điểm khá cao.
Thế nên điểm số của học trò đi học thêm với những em không đi học có sự khác nhau một trời một vực là thế.
Triệt tiêu sự sáng tạo của học sinh
Về nguyên tắc, trước mỗi kì thi, kì kiểm tra, học sinh phải tự hệ thống những kiến thức trọng tâm đã học để ôn tập.
Khi các em đã tự soạn đề cương, tự giải đề chính là các em đang học, đang tìm hiểu và khắc sâu kiến thức.
Thế nhưng, bây giờ có thầy cô làm dùm, phần đông học sinh sẽ có tính ỉ lại. Học chỉ mang tính đối phó.
Em siêng hơn một chút sẽ về học thuộc. Em lại phó thác cho việc may rủi (gặp giám thị dễ sẽ quay bài).
Ngành giáo dục bao năm nay cứ liên tục đổi mới cách giảng dạy, đổi mới thi cử. Nhưng chính thầy cô vì nhu cầu dạy thêm vẫn cứ miệt mài soạn đề cương, giải bài tập giúp học sinh đã đi ngược với quan điểm đổi mới của Bộ.
Chúng tôi nghĩ rằng những việc làm này sẽ nhanh được chấm dứt.