Đề phòng gian lận khi thi KHKT: Phú Yên thiết kế phiếu chấm với đầy đủ tiêu chí

18/02/2023 06:48
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Chấm thi KHKT cần lưu ý: Đảm bảo sự công bằng, thực chất của cuộc thi; nghiên cứu kỹ các quy định, thể lệ và tuyệt đối tuân thủ, bám sát theo các quy định, thể lệ.

Những năm gần đây, các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật luôn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của phụ huynh, học sinh và các thầy cô giáo. Đặc biệt, các cuộc thi dành cho học sinh khối trung học cơ sở, trung học phổ thông ngày càng thu hút nhiều học sinh tham gia.

Tuy nhiên, vấn đề triển khai, chấm thi như thế nào để đảm bảo thực chất, công bằng cũng là vấn đề dư luận băn khoăn.

Phú Yên dùng phiếu chấm quy định từng tiêu chí để chấm thi khoa học kỹ thuật

Năm học 2022-2023 là năm thứ 10 tỉnh Phú Yên tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh.

Được tổ chức từ năm học 2013-2014 đến nay, cuộc thi đã khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học; sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Ngoài ra, cuộc thi góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Tăng cường giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học trong giáo dục phổ thông; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học.

Đây cũng là cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học – Thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên) cho biết, cuộc thi khoa học kỹ thuật những năm qua luôn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình từ học sinh, các đơn vị. Từ đó, số lượng các sản phẩm, dự án có xu hướng tăng qua từng năm.

Đầu năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên ban hành kế hoạch, đưa nội dung này vào chương trình năm học 2022-2023. Trên cơ sở đó, các trường trung học tổ chức tuyên truyền cuộc thi đến học sinh, phân công giáo viên hướng dẫn, tổ chức cuộc thi cấp trường. Số lượng sản phẩm dự thi lần này phân bố trên nhiều lĩnh vực, đa dạng và tăng về số lượng so với các năm trước.

Cụ thể, với khối trung học cơ sở, có 10 đơn vị dự thi, gồm 9/9 Phòng Giáo dục và Đào tạo và Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt với 33 dự án (tăng 3) ở 8/22 lĩnh vực; 64 học sinh tham gia.

Khối trung học phổ thông có 23/33 đơn vị tham gia với 54 dự án (tăng 3) ở 10/22 lĩnh vực, 98 học sinh dự thi.

Tổng số dự án dự thi cấp tỉnh là 87, tăng 6 dự án so với năm 2022.

Đối với khối trung học phổ thông đa số các dự án bám sát với quy định chung, đa dạng lĩnh vực; tập trung nhiều ở lĩnh vực hệ thống nhúng, kỹ thuật cơ khí, robot và máy thông minh, khoa học xã hội hành vi…

Một số dự án ấn tượng về sự sáng tạo ở các lĩnh vực hệ thống nhúng, phần mềm hệ thống, kỹ thuật cơ khí... có khả năng ứng dụng rộng rãi trong đời sống thực tiễn…

Đối với khối trung học cơ sở, các phần dự thi có chất lượng đồng đều, nhiều dự án có ý tưởng sáng tạo phù hợp với trình độ, đơn giản, dễ làm, gắn với kiến thức phổ thông. Một số dự án gắn liền với việc học tập, lao động, sản xuất; cách mạng 4.0, dịch Covid - 19,...

Để tăng tính trung thực trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đảm bảo sự công bằng, thực chất, ông Ngô Quốc Hưng cho hay, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên đã thành lập hội đồng ban giám khảo với 20 thành viên, chấm theo đúng công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo được quy định bởi Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT, Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cho học sinh trung học,..

“Căn cứ các thông tư, quy định về quy chế thi và chấm thi nghiên cứu khoa học cho học sinh trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên thiết kế phiếu chấm thi nêu rõ các tiêu chí để ban giám khảo thực hiện công tác chấm được sát sao, đồng đều”, Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học – Thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên) nói.

Gian hàng trình bày của học sinh thi khoa học kỹ thuật. Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên

Gian hàng trình bày của học sinh thi khoa học kỹ thuật. Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên

Về hình thức chấm, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng thí sinh, khối trung học cơ sở và khối trung học phổ thông được tổ chức chấm riêng qua hai bước.

Bước 1: Chấm hồ sơ báo cáo dự án trong khoảng thời gian 4 ngày. Hội đồng chấm các sản phẩm của học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông mỗi hội đồng có 10 người.

Bước 2: Ban giám khảo sẽ chấm vòng hai bằng cách đến từng gian hàng trình bày của học sinh để phỏng vấn trực tiếp học sinh thực hiện dự án; chấm trong vòng 2 ngày.

“Để đảm bảo đánh giá được đúng thực chất sản phẩm, dự án, tỉnh đã lựa chọn hội đồng ban giám khảo kỹ càng. Họ là những giáo viên có chuyên môn về khoa học kỹ thuật của tỉnh hoặc những giáo viên có kinh nghiệm hướng dẫn học sinh thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.

Nhờ việc đánh giá các dự án dự thi của học sinh đúng thực chất, khách quan nên trong những năm qua tỉnh Phú Yên tham dự cuộc thi cấp quốc gia luôn đạt nhiều thành tích cao. Trong 9 năm tham dự, tỉnh đã có 3 giải nhất, 7 giải nhì, nhiều giải ba và giải tư”, ông Ngô Quốc Hưng cho hay.

Tìm kiếm thông tin trên các nền tảng số nhằm phát hiện những đề tài nghi đạo văn, sao chép

Mới đây, nhằm hạn chế tối đa các tiêu cực trong cuộc thi nghiên cứu khoa học ở học sinh phổ thông, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa phần mềm chống đạo văn vào để chấm thi khoa học kỹ thuật.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì (Hà Nội) đánh giá, việc đưa phần mềm chống đạo văn vào để chấm thi khoa học kỹ thuật là một việc làm quan trọng để chống sao chép các sản phẩm có sẵn trên mạng, sản phẩm của người khác. Người đạo văn không những không sáng tạo mà còn vi phạm quy định của cuộc thi cũng như bản quyền tác giả.

Mặc dù Hà Nội chưa đưa phần mềm tương tự để chống đạo văn vào chấm thi, tuy nhiên hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có những văn bản hướng dẫn, các quy định về cuộc thi chi tiết, rõ ràng, công khai.

“Trong khâu chấm thi, Phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Vì cũng đã áp dụng một số phương pháp tìm kiếm thông tin trên các nền tảng số nhằm phát hiện những đề tài nghi đạo văn, sao chép. Tuy nhiên, qua mấy năm tổ chức gần đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Vì chưa phát hiện trường hợp học sinh hay dự án nào đạo văn khi tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật”, ông Phùng Ngọc Oanh cho hay.

Theo ông Phùng Ngọc Oanh, khi chấm thi khoa học kỹ thuật cần lưu ý nhất là đảm bảo sự công bằng, thực chất của cuộc thi; nghiên cứu kỹ các quy định, thể lệ và tuyệt đối tuân thủ, bám sát theo các quy định, thể lệ của cuộc thi.

Tìm ra sản phẩm chất lượng dựa trên 3 tiêu chí rõ ràng, đó là “mục tiêu, thiết kế phương án giải quyết vấn đề và thực thi phương án” thông qua các báo cáo và minh chứng cụ thể.

Ông Phùng Ngọc Oanh. Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì

Ông Phùng Ngọc Oanh. Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì

Để cuộc thi diễn ra hiệu quả, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì (Hà Nội) đưa ra một số kiến nghị giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, tổ chức hội thảo, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên; khai thác hiệu quả tiềm lực của đội ngũ giáo viên hiện có, đặc biệt là giáo viên có năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học kỹ thuật, giáo viên đã hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật;

Thứ hai, đưa nội dung hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào sinh hoạt của tổ/nhóm chuyên môn; giao nhiệm vụ cho giáo viên trao đổi, thảo luận về những vấn đề thời sự, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, ngoại khóa để định hướng, hình thành ý tưởng về dự án nghiên cứu của học sinh;

Thứ ba, thành lập và phát triển “Câu lạc bộ sáng tạo khoa học kỹ thuật” nhằm tạo môi trường cho học sinh nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm nghiên cứu khoa học; giúp đỡ học sinh trong việc tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học cũng như sản phẩm khoa học vào thực tiễn; rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho hoạt động nghiên cứu khoa học, học tập và trong cuộc sống;

Thứ tư, phối hợp với cha mẹ học sinh, các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong việc hướng dẫn các đề tài khoa học của học sinh; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị cho học sinh nghiên cứu và tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật.

Anh Trang