Đề xuất hiệu trưởng, hiệu phó được nghỉ 8 tuần/năm: "Người trong cuộc" chia sẻ

11/06/2024 06:42
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Nhà giáo từ ngày 5/6/2024 đến 13/7/2024.

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật nhà giáo là cán bộ quản lý cơ sở giáo dục sẽ có 8 tuần nghỉ ngơi hàng năm.

Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 27, dự thảo Luật nhà giáo về chế độ làm việc của nhà giáo nêu: "Thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) bao gồm: 08 tuần nghỉ ngơi hàng năm và các ngày nghỉ lễ, nghỉ tết theo quy định của Bộ Luật Lao động nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của Bộ Luật Lao động và các ngày nghỉ khác theo Luật Bảo hiểm xã hội. Việc bố trí 08 tuần nghỉ hàng năm do cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh (đối với giáo dục mầm non, phổ thông), cơ sở giáo dục (đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm và giáo dục nghề nghiệp) quy định trong kế hoạch giáo dục hàng năm cho phù hợp điều kiện địa phương và cơ sở giáo dục.[1]

Thời gian 08 tuần nghỉ ngơi hàng năm của dự thảo Luật Nhà giáo tương đương với thời gian nghỉ hè của giáo viên quy định tại Nghị định Số: 84/2020/NĐ-CP.

Điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị định Số: 84/2020/NĐ-CP ghi rõ: Thời gian nghỉ hè của nhà giáo

1. Thời gian nghỉ hè của nhà giáo:

a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.[2]

Như vậy, có thể hiểu, theo dự thảo Luật nhà giáo, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ được nghỉ 08 tuần/năm tương đương thời gian nghỉ hè của giáo viên trong một năm học.

Hiện nay, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục làm việc theo giờ hành chính và không được nghỉ hè như giáo viên. Với đề xuất này, nhiều thầy cô đang là hiệu trưởng, hiệu phó các cơ sở giáo dục đều có chung sự phấn khởi, đồng tình với chế độ nghỉ ngơi này.

liên.jpg
Cô giáo Trần Thị Liên (thứ 7 từ phải sang). Ảnh NVCC

Cô giáo Trần Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ: “Phấn khởi, mừng rỡ là tâm trạng của tôi và rất nhiều cán bộ quản lý khác khi đọc được thông tin cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được nghỉ ngơi 08 tuần/năm như giáo viên nghỉ hè trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Đã có quy định vào luật cụ thể, danh chính ngôn thuận chúng tôi được "nghỉ hè" 08 tuần/năm, còn gì vui hơn.

Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những băn khoăn, lãnh đạo cơ sở giáo dục nghỉ 08 tuần/năm vào thời gian nào dự thảo Luật Nhà giáo chưa nói rõ.

Thực tế hiện nay, có những cơ sở giáo dục khuyết chức danh hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng, nên chỉ có một người phụ trách đơn vị, việc bố trí thời gian cho cán bộ quản lý nghỉ ngơi là bất khả kháng, với những trường hợp này phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng như chi trả làm thêm giờ mới tạo sự công bằng.

Vì vậy, chúng tôi muốn dự thảo Luật Nhà giáo, hướng dẫn thi hành luật sẽ bổ sung chi tiết các vấn đề cụ thể để cơ sở giáo dục dễ áp dụng vào thực tế”.

Thầy Đỗ Công Bình, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hòa Hưng (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: “Tôi thấy đề xuất cụ thể cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được nghỉ ngơi 08 tuần/năm như thời gian nghỉ hè của giáo viên là hợp tình, hợp lý.

Thực tế, trường học không thể đóng cửa trong thời gian học sinh nghỉ hè vì còn có nhiều việc hành chính cần giải quyết.

Ví dụ như tuyển sinh đầu cấp, bồi dưỡng học sinh yếu chưa đạt trong năm học, tổ chức sinh hoạt hè với địa phương, tổ chức cho học sinh tham gia thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9 thi tuyển sinh lớp 10, làm báo cáo tháng, ký duyệt học sinh chuyển đến, chuyển đi ...

Vì vậy, dự thảo ghi "Thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) bao gồm: 08 tuần nghỉ ngơi hàng năm" mà không ghi rõ đây là thời gian nghỉ hè, các cơ sở giáo dục sẽ phải chủ động phân bổ thời gian nghỉ cho cán bộ quản lý phù hợp với thực tế của cơ sở mình.

Tuy nhiên, nếu Luật Nhà giáo ghi rõ hơn nội dung này, bổ sung "các cơ sở giáo dục căn cứ vào thực tế, bố trí thời gian nghỉ ngơi cho cán bộ quản lý phù hợp, đảm bảo hoạt động của đơn vị" sẽ hợp lý, hợp tình hơn nữa”.

Chia sẻ về việc giải quyết công việc của nhà trường trong thời gian nghỉ hè, cô giáo Vũ Thị Loan, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Minh Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: “Không khó để sắp xếp giải quyết công việc của nhà trường trong hè, giúp cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có thể được nghỉ hè như giáo viên, học sinh.

Điều trước tiên, các cơ sở giáo dục phải triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường; có kế hoạch cụ thể cho thời gian nghỉ hè, ban giám hiệu phân bổ thời gian trực phù hợp nhiệm vụ của từng người.

Thời gian nghỉ hè của mỗi người dựa trên các công việc mang tính cố định mà nhiều năm đã trải qua, những công việc mới, phát sinh ngoài chức trách nhiệm vụ của cá nhân thì trao đổi với nhau để giải quyết hợp lý.

Cán bộ quản lý có thể không nghỉ đủ 08 tuần trong hè, nhưng sắp xếp hợp lý sẽ có nhiều thời gian nghỉ trong hè hơn, tăng thời gian làm việc khi vào năm học, tăng hiệu quả quản lý hơn.

Phân công thời gian nghỉ hợp lý, sử dụng công nghệ trong quản lý sẽ tạo điều kiện cho lãnh đạo cơ sở có thời gian nghỉ ngơi như giáo viên nghỉ hè. Việc này sẽ giúp không phải tốn ngân sách chi trả làm thêm giờ cho lãnh đạo do không phân bố được thời gian nghỉ ngơi cho cán bộ quản lý”.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-luat-nha-giao-119240513164257133.htm

[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx

Sơn Quang Huyến