Hiện nay, dù chưa có quy định cụ thể, rõ ràng nhưng gần như mặc định hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không được nghỉ hè, làm việc giờ hành chính, dù thời gian hè, toàn bộ giáo viên, học sinh nghỉ.
Quy định chưa cụ thể, hiện hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không có nghỉ hè, nghỉ hàng năm
Căn cứ điểm a Khoản 3 Điều 5 Văn bản hợp nhất 03/2017/VBHN-BGDĐT quy định thời gian làm việc, thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên phổ thông như sau:
“Điều 5. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm
…3. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)…”
Đối với giáo viên mầm non, căn cứ điểm a Khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT:
“Điều 3. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non như sau:
…2. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non gồm: nghỉ hè và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên là 08 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có);…”
Do đó, giáo viên mầm non, phổ thông được quy định cụ thể nghỉ 2 tháng hè hoặc 8 tuần theo quy định trên.
Còn đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là viên chức quản lý, do không có quy định cụ thể nên gần như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không được nghỉ hè nghỉ hàng năm như giáo viên khác.
Đây là một thiệt thòi không nhỏ đối với người được bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Nhiều giáo viên giỏi, chuyên môn tốt, có đạo đức nhưng khi đề bạt giữ chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thường không đồng ý vì áp lực lớn, công việc vất vả và quan trọng là không được nghỉ hè như giáo viên.
Dự thảo Luật Nhà giáo, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ được nghỉ hàng năm 8 tuần như giáo viên
Tại Điều 2 dự thảo Luật nhà giáo quy định đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với:
1. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục theo quy định tại Luật Giáo dục.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; cơ quan quản lý giáo dục; cơ sở giáo dục.
3. Tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tại Điều 5 dự thảo Luật Nhà giáo giải thích từ ngữ như sau:
1. Cán bộ quản lý giáo dục là người làm việc trong các cơ quan quản lý giáo dục, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục theo phạm vi thẩm quyền được giao.
2. Người đứng đầu cơ sở giáo dục là nhà giáo và là người đại diện trước pháp luật của cơ sở giáo dục, chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục theo chức năng nhiệm vụ, quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
3. Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là người được bổ nhiệm hoặc công nhận giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong cơ sở giáo dục và được hưởng lương theo chức vụ quản lý.
Như vậy, sắp tới hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là nhà giáo sẽ được hưởng quyền lợi của nhà giáo theo quy định tại khoản 10 Điều 9 dự thảo Luật Nhà giáo quy định về Quyền của nhà giáo.
“…10. Được nghỉ hè và các ngày nghỉ khác theo quy định…”
Còn tại Điều 27 dự thảo Luật nhà giáo quy định cụ thể về chế độ làm việc của nhà giáo như sau:
“1. Chế độ làm việc là hệ thống các quy định để nhà giáo hoàn thành các hoạt động giảng dạy, giáo dục phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học, hướng dẫn thực hành, tham gia học bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn, công tác kiêm nhiệm và các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao. Chế độ làm việc của nhà giáo được xây dựng bảo đảm đúng quy định của Bộ Luật Lao động và phù hợp với hoạt động nghề nghiệp và quy đổi thành thời gian làm việc theo tuần, năm học và thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo.
2. Thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) bao gồm: 08 tuần nghỉ ngơi hàng năm và các ngày nghỉ lễ, nghỉ tết theo quy định của Bộ Luật Lao động nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của Bộ Luật Lao động và các ngày nghỉ khác theo Luật Bảo hiểm xã hội. Việc bố trí 08 tuần nghỉ hàng năm do cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh (đối với giáo dục mầm non, phổ thông), cơ sở giáo dục (đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm và giáo dục nghề nghiệp) quy định trong kế hoạch giáo dục hàng năm cho phù hợp điều kiện địa phương và cơ sở giáo dục.
3. Người đứng đầu cơ sở giáo dục theo thẩm quyền có thể bố trí nhà giáo thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nhưng phải đảm bảo quy định về chế độ làm việc, phù hợp với năng lực của nhà giáo, đảm bảo công bằng giữa các nhà giáo trong cơ sở giáo dục và có sự đồng thuận của nhà giáo đó.
4. Chế độ làm việc của nhà giáo (bao gồm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) xác định cụ thể như sau:
a) Đối với giáo viên mầm non: Hoạt động giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em được tính theo số giờ làm việc/ngày được quy đổi để bảo đảm giờ làm việc/ngày theo quy định;
b) Đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học, giáo dục thường xuyên: Hoạt động giảng dạy, giáo tính theo số tiết dạy/tuần hoặc số tiết dạy/năm học được quy đổi để bảo đảm giờ làm việc/ngày theo quy định;
c) Đối với giảng viên: Hoạt động giảng dạy tính theo giờ chuẩn/năm, hoạt động nghiên cứu khoa học tính theo giờ hành chính, các hoạt động khác tính thời gian thực tế tham gia theo giờ hành chính, được quy đổi để bảo đảm giờ làm việc/ngày theo quy định;
d) Đối với giáo viên giáo dục nghề nghiệp: Hoạt động giảng dạy, hướng dẫn thực hành tính theo giờ chuẩn/năm, các hoạt động khác tính thời gian thực tế tham gia theo giờ hành chính, được quy đổi để bảo đảm giờ làm việc/ngày theo quy định;
đ) Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thực hiện các nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý và giảng dạy, nghiên cứu khoa học, kiêm nhiệm (nếu có) theo chế độ tuần làm việc 40 giờ; thời gian tham gia trực tiếp giảng dạy theo quy định của cấp học, trình độ đào tạo được quy đổi như nhà giáo có cùng chuyên môn nhưng không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
5. Nhà giáo (bao gồm cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) được chi trả chế độ làm thêm giờ khi thời gian làm việc thực tế vượt định mức thời giờ làm việc bình thường theo quy định.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết chế độ làm việc đối với nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý.”
Như vậy tại khoản 2 quy định thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) bao gồm: 08 tuần nghỉ ngơi hàng năm, thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên mầm non, phổ thông sẽ do cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh quy định.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nghỉ 8 tuần hàng năm vào thời điểm nào?
Như vậy, dự thảo Luật Nhà giáo đã quy định rõ, nhà giáo (trong đó có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) được nghỉ 8 tuần hàng năm.
Giáo viên thì có thể bố trí nghỉ 8 tuần trong thời điểm từ tháng 6 đến tháng 8.
Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì công việc trong dịp hè cũng có nhiều, phải thường xuyên làm việc, báo cáo,…nên khó có thể nghỉ suốt 2 tháng hè hay 8 tuần liên tục giống như giáo viên.
Việc nghỉ 8 tuần do hiệu trưởng, phó hiệu trưởng linh động sắp xếp trong dịp năm học và thời điểm nghỉ hè ít công việc không nhất thiết phải nghỉ liên tục 8 tuần dịp hè nhưng phải đảm bảo được nghỉ đủ 8 tuần hàng năm.
Luật hóa hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng được nghỉ hè là một điểm mới tạo được công bằng về thời gian làm việc, nghỉ ngơi giữa giáo viên và các đối tượng được bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ sở giáo dục và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Tài liệu tham khảo: Dự thảo Luật Nhà giáo
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.