Đề xuất Hội đồng trường có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công

08/02/2024 06:38
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học đề xuất nên xem xét tạo cơ chế cho phép Hội đồng trường có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.

Điểm c, Khoản 2, Điều 11, Nghị định 60/2021/NĐ-CP cho phép cơ sở giáo dục được gia tăng nguồn thu từ cho thuê tài sản công: "Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công"

Điều 7, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật 15/2017/QH14) quy định về những hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các trường đại học tự chủ trong đó có loại hình "cho thuê tài sản công".

Khoản 1, Điều, 67 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) về quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở giáo dục đại học cũng quy định:

"Cơ sở giáo dục đại học được sử dụng tài sản công vào việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển giáo dục đại học, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển, phù hợp với môi trường giáo dục".

Tuy nhiên, thực tế, nhiều trường vẫn gặp khó khăn khi thực hiện, nhất là trong quy trình, thủ tục làm đề án xin phép cơ quan chủ quản. Thời gian chờ đợi phê duyệt quá lâu khiến hoạt động liên doanh, liên kết, cho thuê không hiệu quả.

Hoạt động cho thuê tài sản công chưa được triển khai hiệu quả

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Hiện nay, tại nhà trường, về mặt thủ tục Bộ Công thương chưa bàn giao tài sản công nên trường chưa đưa các tài sản đó vào liên doanh, liên kết, cho thuê. Vì nguyên tắc là phải được bàn giao tài sản thì mới có đủ căn cứ pháp lý để thực hiện.

“Vấn đề này hiện nhà trường đã đề xuất với cơ quan chủ quản là Bộ Công thương. Bộ cũng đang triển khai hoạt động này nhưng cũng chưa có quyết định bàn giao chính thức. Chính vì thế, nhà trường cũng đang gặp khó khăn trong việc chưa được giao tài sản để có thể đưa đi hợp tác, liên doanh, liên kết.

Còn vấn đề cho thuê cơ sở vật chất hiện nay đúng là các trường gặp rất nhiều khó khăn. Hầu như việc gì cũng phải làm đề án, đặc biệt là việc các doanh nghiệp muốn sử dụng cơ sở vật chất của trường để hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo. Vấn đề này gặp rất nhiều khó khăn và nhà trường cũng chưa triển khai được”, thầy Thanh cho hay.

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tùng Trưởng phòng Tổ chức hành chính – Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho hay: Nhà trường đã xây dựng quy chế quản lý và sử dụng tài sản công theo quy định đồng thời cũng lập đề án và được Bộ Giáo dục Đào tạo phê duyệt đề án sử dụng tài sản cho thuê kinh doanh đối với một số dịch vụ hỗ trợ và phục vụ sinh viên như canteen, giữ xe.

Tuy nhiên, hiện nay nhà trường mới chỉ đấu giá dịch vụ canteen phục vụ sinh viên tại ký túc xá, còn hoạt động giữ xe giao cho một trung tâm thuộc trường quản lý và thực hiện.

Thực tế, hiện việc khai thác tài sản công mới chỉ dừng ở việc các trường cho thuê tài sản công dưới hình thức tận dụng cơ sở vật chất (phòng học, hội trường, sân bãi tập thể thao, đặt máy ATM, máy bán hàng tự động, trông giữ xe, căng tin)… Về cơ bản, chưa thực sự tiến hành sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết một cách hiệu quả.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết: Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội là một trong 23 trường công lập tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư do vậy trong quá trình đầu tư đều được rà soát, cân nhắc đảm bảo đúng mục đích và hiệu quả.

“Trường chỉ sử dụng chủ yếu các giải pháp để tự khai thác tối ưu các tài sản hiện có nhằm tăng nguồn thu; trường chưa có hoạt động cho thuê, liên doanh liên kết.

Tuy nhiên, theo tôi việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, liên doanh liên kết (nếu dư công suất trong đào tạo) trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật và phù hợp nhiệm vụ chuyên môn của trường là hết sức cần thiết.

Thực hiện tốt việc này sẽ hỗ trợ các trường có thêm nguồn lực tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo. Mặt khác, việc khai thác hợp lý hiệu quả tài sản và gia tăng nguồn thu cũng sẽ giúp cải thiện thu nhập cho cán bộ giảng viên, tạo điều kiện về tài chính để đầu tư thiết bị tốt hơn cho đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục”, thầy Hiệp nhận định.

Hiện nay nhiều cơ sở giáo dục mới chỉ thực hiện cho thuê tài sản công dưới hình thức đặt máy bán hàng tự động, cây ATM tại trường. (Ảnh: Nhật Lệ)

Hiện nay nhiều cơ sở giáo dục mới chỉ thực hiện cho thuê tài sản công dưới hình thức đặt máy bán hàng tự động, cây ATM tại trường. (Ảnh: Nhật Lệ)

Kiến nghị cho phép Hội đồng trường được phê duyệt đề án cho thuê tài sản công

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, để tăng nguồn thu từ việc sử dụng tài sản công, các trường có thể nghiên cứu thực hiện các giải pháp sau:

Tận dụng cơ sở vật chất là các phòng thực hành để sinh viên vừa học tập, vừa sản xuất hàng theo đơn đặt hàng của khách hàng để gia tăng nguồn thu

Tận dụng phòng thực hành, phòng thí nghiệm để đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, xã hội.

Tận dụng các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành để tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ mới mà có thể chuyển giao cho doanh nghiệp để mang lại nguồn thu cho trường.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội. (Ảnh: Ngân Chi)

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội. (Ảnh: Ngân Chi)

Bên cạnh đó, thầy Hiệp kiến nghị, Nhà nước xem xét tạo cơ chế cho phép Hội đồng trường có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công vì theo Luật Giáo dục đại học, Hội đồng trường là đại diện quyền sở hữu của trường.

“Nếu được như vậy thì sẽ tạo thuận lợi giúp các cơ sở giáo dục đại học rút ngắn thời gian thực hiện đề án cho thuê tài sản công khi có dư công suất, tạo điều kiện khai thác sử dụng tối ưu hơn các tài sản công hiện có”, thầy Hiệp bày tỏ.

Cũng đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tùng cho rằng: Đối với vấn đề cơ sở giáo dục đại học được sử dụng tài sản công vào việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết… theo quan điểm cá nhân tôi là một số trường hợp sử dụng tài sản công phục vụ cho việc hỗ trợ sinh viên trên một diện tích hạn chế thì Bộ nên giao quyền tự chủ cho nhà trường, trên cơ sở xin ý kiến và chủ trương đồng ý của Hội đồng trường.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Về mặt quy trình làm đề án xin phép sử dụng tài sản công vào việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết…đối với các trường đại học tự chủ sẽ thuận lợi hơn, bởi Bộ chủ quản đã phân cấp cho Hội đồng trường ra các nghị quyết cho phép phê duyệt các đề án khi thực hiện liên doanh, liên kết.

Điều đó là thuận lợi với các trường đã tự chủ hoàn toàn. Còn ngược lại với những trường chưa tự chủ thì chắc chắn phải xin phép từ cơ quan chủ quản bởi vì cấp độ tự chủ thấp hơn thì bộ chủ quản phải phê duyệt mới được thực hiện. Điều này có thể khiến thời gian, thủ tục làm đề án và chờ phê duyệt kéo dài hơn. Như vậy nhiều hoạt động mà nhà trường mong muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng chưa chắc đã hoàn thành kịp tiến độ dự kiến.

Tuy nhiên, theo thầy Thanh, hiện nay chưa có sự đồng bộ giữa Luật Giáo dục đại học và Luật quản lý, cho thuê tài sản công. Luật 34 và Nghị định 99 cho phép quyết định việc cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản công để tăng nguồn thu thuộc thẩm quyền của hội đồng trường nhưng với Luật quản lý, sử dụng tài sản công thì vẫn là cơ quản chủ quản quyết định.

Vì những vướng mắc này nên các cơ sở giáo dục đại học khó có thể triển khai được hoạt động cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản công để tăng nguồn thu một cách hiệu quả.

Từ đó, thầy Thanh cũng đề xuất cần sửa đổi một số điều còn mâu thuẫn ở các luật có liên quan để thống nhất với Luật Giáo dục đại học, thể hiện rõ vai trò của Hội đồng trường. Có như vậy các trường mới có thể triển khai hoạt động cho thuê tài sản công một cách đồng bộ và hiệu quả.

Nhật Lệ