Luật cho phép nhưng trường đại học vẫn gặp khó khi cho thuê tài sản công

29/01/2024 06:24
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo lãnh đạo một số cơ sở giáo dục, dù trong luật cho phép nhưng thực tế việc tiến hành mất rất nhiều thời gian. Thậm chí nhiều trường không dám triển khai.

Điểm c, Khoản 2, Điều 11, Nghị định 60/2021/NĐ-CP cho phép cơ sở giáo dục được gia tăng nguồn thu từ cho thuê tài sản công: "Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công"

Điều 7, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật 15/2017/QH14) quy định về những hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các trường đại học tự chủ trong đó có loại hình "cho thuê tài sản công".

Khoản 1, Điều 67 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) về quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở giáo dục đại học cũng quy định:

"Cơ sở giáo dục đại học được sử dụng tài sản công vào việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển giáo dục đại học, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển, phù hợp với môi trường giáo dục".

Tuy nhiên, thực tế, nhiều trường vẫn gặp khó khăn khi thực hiện, nhất là trong quy trình, thủ tục làm đề án xin phép cơ quan chủ quản. Thời gian chờ đợi phê duyệt quá lâu khiến hoạt động liên doanh, liên kết, cho thuê không hiệu quả.

Thời gian làm đề án và xin cấp phép quá lâu

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là 1 trong 23 cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện tự chủ toàn bộ. Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Quân - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho hay:

“Đối với các trường đã tự chủ hoàn toàn thì việc cho thuê tài sản công để tăng thêm nguồn thu được phép thực hiện. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện điều này hết sức khó khăn vì còn liên quan đến nhiều quy định khác. Muốn cho thuê tài sản công, nhà trường phải làm đề án từ những dịch vụ nhỏ nhất.

Ví dụ như việc đặt một chiếc máy ATM trong trường để làm công tác dịch vụ phục vụ cho sinh viên. Vì việc đặt máy trên đất thuộc tài sản công nên dù là những việc nhỏ nhất như vậy nhà trường cũng phải làm đề án xin phép. Thông qua các đề án, được sự cho phép của cơ quan chủ quản thì cơ sở giáo dục mới được triển khai”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Quân - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Quân - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Cũng theo thầy Quân, thời gian làm đề án và chờ phê duyệt đề án rất lâu. Tùy từng hạng mục mà thời gian làm đề án và chờ phê duyệt khác nhau.

“Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng có một vài hạng mục đang làm đề án và đã chờ khoảng vài tháng. Điều đó, có thể khiến các đơn vị liên doanh, liên kết với trường chờ lâu họ sẽ không muốn hợp tác nữa.

Bởi vì khi liên doanh, liên kết các đơn vị cũng muốn được tạo điều kiện thuận lợi nhưng lại có phát sinh thủ tục khá lâu nên đôi khi cũng khiến các trường mất cơ hội hợp tác”, thầy Quân thông tin.

Trong khi đó, lãnh đạo một trường đại học công lập đã tự chủ hoàn toàn ở Hà Nội cho biết: Mặc dù luật cho phép nhưng nhà trường không dám thực hiện. Các cơ sở giáo dục khác cùng thuộc một cơ quan chủ quản với trường cũng chưa có đơn vị nào thực hiện được.

“Việc này phải xây dựng đề án để bộ chủ quản phê duyệt, giai đoạn này thì không trường nào dám làm cả. Một số trường làm được nhưng vẫn chưa đúng quy trình. Vì còn phụ thuộc bởi Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Quy trình làm đề án thẩm định rất lâu phải qua nhiều bước rồi chỉ ra được việc cho thuê tài sản công mang lại hiệu quả như thế nào, cam kết tránh thất thoát,... nên mất rất nhiều thời gian. Với các trường nếu muốn thực hiện cũng phải thuê nhân sự đến làm nên lại tốn thêm một khoản chi phí. Mặc dù nhà trường cũng rất muốn tăng hiệu quả sử dụng tài sản công lên nhưng không làm được”, vị này cho hay.

Đề xuất cần có Nghị định riêng cho các trường tự chủ khai thác hiệu quả tài sản công

Theo Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cần có những chính sách nới lỏng hơn trong các quy định về việc gia tăng nguồn thu khi sử dụng tài sản công vào hoạt động cho thuê, liên doanh, liên kết.

“Những dự án lớn trong liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản công thì không nói nhưng ngay cả những hoạt động rất nhỏ để phục vụ cho sinh viên thôi cũng cần phải thông qua định giá, đấu thầu thì cũng gây nhiều khó khăn cho các trường trong quá trình thực hiện.

Chính vì thế, tôi cho rằng nếu luật đã cho phép thì cũng nên có những chính sách cởi mở hơn, tạo thuận lợi cho các trường thực hiện”, thầy Quân bày tỏ.

Việc khai thác tài sản công mới chỉ dừng ở việc các trường cho thuê tài sản công dưới hình thức tận dụng cơ sở vật chất đặt máy ATM, máy bán hàng tự động... (Ảnh: Nhật Lệ)

Việc khai thác tài sản công mới chỉ dừng ở việc các trường cho thuê tài sản công dưới hình thức tận dụng cơ sở vật chất đặt máy ATM, máy bán hàng tự động... (Ảnh: Nhật Lệ)

Cũng theo thầy Quân để việc thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê trong cơ sở giáo dục công lập được hiệu quả phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề. Mặc dù là trường tự chủ nhưng vẫn phải chịu ảnh hưởng, chi phối bởi các luật khác. Chỉ khi nào giải quyết được hết các mối quan hệ chi phối đó thì mới có thể thực hiện được hiệu quả.

“Nhất là trong giai đoạn vừa qua cũng có nhiều đơn vị làm không đúng quy trình nên cũng khiến việc này khó khăn hơn.

Nhà trường đang triển khai làm đề án một số hoạt động như: cho thuê tài sản công dưới hình thức tận dụng cơ sở vật chất phòng học, hội trường, sân bãi tập thể thao, đặt máy ATM, máy bán hàng tự động

Tôi cho rằng nên rút ngắn thời gian cho các thủ tục làm đề án vì phải qua vài ba thủ tục mà mỗi thủ tục lại chờ 1-2 tháng thì quá lâu”, thầy Quân nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng: Đây cũng là một hoạt động thiết thực trong việc tiến tới tự chủ đại học.

Đối với các trường thuộc nhóm 2 trong Nghị định 60 hướng dẫn về tự chủ là có thể thực hiện được hoạt động này. Còn Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội ở nhóm 3 thì chưa thể thực hiện việc liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản công.

“Những việc cho thuê, liên doanh, liên kết để tăng thêm nguồn thu không nằm trong nhiệm vụ mà cơ quản chủ quản giao cho nhà trường trong công tác đào tạo. Còn nếu có thì vẫn phải xin phép cơ quản chủ quản và được cơ quản chủ quản chấp thuận mới có thể làm việc đó. Với các trường đã tự chủ nhóm 2 thì có thể thực hiện được thoải mái hơn.

Tuy nhiên, theo tôi được biết thì vẫn có một số vướng mắc ở Luật 34 và Nghị định 99 cho phép quyết định việc cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản công để tăng nguồn thu thuộc thẩm quyền của hội đồng trường nhưng với Luật đầu tư công, Luật quản lý, sử dụng tài sản công thì vẫn là cơ quản chủ quản quyết định. Hai quy định của các luật này đang bị mâu thuẫn với nhau cũng là một khó khăn cho các trường thực hiện”, thầy Thuật nêu quan điểm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Lãnh đạo một trường đại học đã tự chủ hoàn toàn khác tại Hà Nội đề xuất cần có Nghị định riêng cho các trường tự chủ khai thác hiệu quả tài sản công. Trước hết, phải có hành lang pháp lý hóa. Mặc dù đã có Luật quản lý, sử dụng tài sản công nhưng cần phải có Nghị định cụ thể hóa từng đối tượng được phép thực hiện. Ví dụ như trường học, viện nghiên cứu, đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước thì áp dụng như thế nào. Khi đã cụ thể hóa từng đối tượng sẽ khiến các đơn vị dễ dàng thực hiện thay vì chỉ có quy định chung như hiện nay.

Khoản 3, Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật 15/2017/QH14) quy định đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết có trách nhiệm:

a) Lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định;

b) Tổ chức thực hiện đề án đã được phê duyệt;

c) Cập nhật thông tin về việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;

d) Thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều này.

Nhật Lệ