Hiện nay, chế độ làm việc của giáo viên phổ thông và giáo viên dự bị đại học hiện đang thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT (hợp nhất bởi Thông tư 03/VBHN năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường) được đánh giá là lực lượng khá vất vả khi thực hiện công việc, nhiều áp lực, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, trong tình hình thiếu giáo viên, nhân viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nhưng lại không được giảm định mức tiết dạy cũng là thiệt thòi lớn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường học.
Ngày 21/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của dư luận.
Dự thảo Thông tư chế độ làm việc có rất nhiều điểm mới về thời gian chế độ làm việc, giảm định mức tiết dạy, thời gian làm việc, nghỉ ngơi,…theo hướng khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quy định hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thiệt thòi nhất định đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục.
Chế độ làm việc, nghỉ ngơi của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong dự thảo chế độ làm việc mới
Tại Chương II thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm và định mức tiết dạy
Ở Điều 7. Định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng
“1. Ngoài các nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông, trường dự bị đại học có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết thuộc nội dung trong chương trình giáo dục để nắm được nội dung, mục tiêu chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý.
2. Định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng
a) Định mức tiết dạy trong 01 năm học đối với hiệu trưởng được xác định như sau:
Định mức tiết dạy trong 01 năm học |
= |
02 tiết/tuần |
x |
số tuần dành cho việc giảng dạy |
Trong đó, số tuần dành cho việc giảng dạy là tổng số tuần dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục (không bao gồm số tuần dự phòng);
b) Định mức tiết dạy trong 01 năm học đối với phó hiệu trưởng được xác định như sau:
Định mức tiết dạy trong 01 năm học |
= |
04 tiết/tuần |
x |
số tuần dành cho việc giảng dạy |
Trong đó, số tuần dành cho việc giảng dạy là tổng số tuần dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục (không bao gồm số tuần dự phòng);
c) Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh hoặc vì các lí do bất khả kháng khác mà phải điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học thì số tuần dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục thực hiện theo quy định điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền.
3. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư này thay thế cho định mức tiết dạy được quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Khi dạy đủ định mức tiết dạy được quy định tại khoản 2 Điều này hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được áp dụng quy định tại Điều 12 Thông tư này để tính tổng số tiết dạy khi tính số giờ dạy thêm (nếu có).”
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 4. Nguyên tắc xác định chế độ làm việc
“1. Thời gian làm việc của giáo viên được thực hiện theo năm học, được quy đổi thành tiết dạy trong 01 năm học hoặc tiết dạy trung bình trong 01 tuần; thời gian làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định về thời giờ làm việc bình thường (bao gồm cả thời gian thực hiện nhiệm vụ giảng dạy theo quy định tại Thông tư này) đảm bảo tuần làm việc 40 giờ theo quy định của Bộ luật Lao động…”
Như vậy, có thể hiểu thời gian làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là 40 giờ/tuần, trong tuần hiệu trưởng dạy 2 tiết, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết.
Đây là dự thảo mới về chế độ làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trước đây trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cụ thể vấn đề này.
Về thời gian nghỉ ngơi của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được dự kiến tại khoản 4 Điều 5 của dự thảo quy định thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên như sau: “4. Thời giờ nghỉ ngơi của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.”
Tại dự thảo quy định thời gian nghỉ hàng năm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo Luật Lao động tức người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau: 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường. Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Theo dự thảo Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng kiêm nhiệm không được giảm tiết định mức?
Tại Khoản 3 Điều 7 của dự thảo quy định định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng:
“3. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư này thay thế cho định mức tiết dạy được quy định tại khoản 2 Điều này.”
Bên cạnh đó, tại chương III của dự thảo quy định chế độ giảm định mức tiết dạy và quy đổi các hoạt động chuyên môn ra tiết dạy tại Điều 8,9,10 chỉ quy định giảm định mức tiết dạy cho giáo viên khi kiêm nhiệm (kiêm nhiệm không quá 2 nhiệm vụ) mà không có quy định nào hiệu trưởng, phó hiệu trưởng kiêm nhiệm được giảm tiết.
Vì vậy, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khi kiêm nhiệm bao nhiêu nhiệm vụ đi nữa cũng không được giảm tiết.
Hiện nay và theo dự thảo chế độ làm việc thì hiệu trưởng thường kiêm bí thư chi bộ (đảng bộ), chủ tịch hội đồng trường. Phó hiệu trưởng thường kiêm chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn,…đều không được giảm định mức tiết dạy.
Ví dụ, ở trường trung học phổ thông, phó hiệu trưởng giảng dạy 4 tiết/tuần (đủ định mức tiết dạy trung bình tuần cho phó hiệu trưởng), nếu kiêm thêm chủ tịch công đoàn thì không được tính giảm định mức tiết dạy nên phó hiệu trưởng này không được tính tăng giờ. Trong khi đó, nếu giáo viên kiêm nhiệm chủ tịch công đoàn thì được giảm 3 tiết/tuần. Đây cũng là thiệt thòi cho phó hiệu trưởng khi kiêm nhiệm.
Không chỉ trường hợp trên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khi kiêm nhiệm bất kỳ nhiệm vụ nào do chỉ định, phân công hay đột xuất đều không được giảm định mức tiết khi kiêm nhiệm.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ bản thiệt thòi về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, khó được tính tiền tăng giờ khi thực hiện nhiệm vụ, kiêm nhiệm.
Đề xuất hiệu trưởng, phó hiệu trường khi kiêm nhiệm cũng được giảm định mức tiết dạy như giáo viên
Xin được cung cấp những quy định về chế độ giảm định mức tiết dạy do kiêm nhiệm trong dự thảo và và có một số góp ý về giảm định mức tiết dạy khi kiêm nhiệm cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo dự thảo chế độ làm việc mới.
Tại Điều 8 dự thảo dự kiến quy định chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn:
1. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường phổ thông được giảm 04 tiết/tuần.
2. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường dự bị đại học được giảm 03 tiết/tuần.
3. Tổ trưởng chuyên môn hoặc tổ trưởng tổ quản lý học sinh (trong trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú) được giảm 03 tiết/tuần.
Người viết góp ý sửa đổi, bổ sung như sau: “3. Giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng kiêm nhiệm Tổ trưởng chuyên môn hoặc tổ trưởng tổ quản lý học sinh (trong trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú) được giảm 03 tiết/tuần.”
4. Tổ phó chuyên môn hoặc tổ phó tổ quản lý học sinh (trong trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú) được giảm 01 tiết/tuần.
Người viết góp ý sửa đổi, bổ sung như sau: “4. Giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng kiêm nhiệm Tổ phó chuyên môn hoặc tổ phó tổ quản lý học sinh (trong trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú) được giảm 01 tiết/tuần.”
5. Giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn (nếu không có viên chức thiết bị, thí nghiệm) được giảm 03 tiết/môn/tuần.
6. Giáo viên kiêm trưởng phòng chức năng trường dự bị đại học được giảm 03 tiết/tuần; giáo viên kiêm phó trưởng phòng chức năng trường dự bị đại học được giảm 01 tiết/tuần.
Tại Điều 9 dự thảo dự kiến quy định chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức khác trong nhà trường:
1. Giáo viên kiêm bí thư đảng bộ, bí thư chi bộ (nơi không thành lập đảng bộ) ở trường có từ 28 lớp trở lên đối với vùng 2 và vùng 3, 19 lớp trở lên đối với vùng 1 được giảm 04 tiết/tuần; ở trường còn lại được giảm 03 tiết/tuần.
Người viết góp ý sửa đổi, bổ sung như sau: “1. Giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng kiêm nhiệm bí thư đảng bộ, bí thư chi bộ (nơi không thành lập đảng bộ) ở trường có từ 28 lớp trở lên đối với vùng 2 và vùng 3, 19 lớp trở lên đối với vùng 1 được giảm 04 tiết/tuần; ở trường còn lại được giảm 03 tiết/tuần.”
2. Giáo viên kiêm nhiệm công tác công đoàn thực hiện giảm định mức tiết dạy theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Người viết góp ý sửa đổi, bổ sung như sau: “Giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng kiêm nhiệm công tác công đoàn thực hiện giảm định mức tiết dạy theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.”
3. Giáo viên kiêm công tác bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường được hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định số 13/2013/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên Việt Nam trong các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề.
4. Giáo viên kiêm chủ tịch hội đồng trường, thư ký hội đồng trường được giảm 2 tiết/tuần.
Người viết góp ý sửa đổi, bổ sung như sau: “Giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng kiêm nhiệm chủ tịch hội đồng trường, thư ký hội đồng trường được giảm 2 tiết/tuần.”
5. Giáo viên kiêm trưởng ban thanh tra nhân dân trường học được giảm 2 tiết/tuần.
Tại Điều 10 dự thảo dự kiến quy định chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm một số vị trí việc làm khác, có một số góp ý như sau:
Đối với những vị trí việc làm không bố trí được người làm việc mà phải phân công giáo viên kiêm nhiệm thì nhà trường được sử dụng tiết dạy để làm công việc đó, cụ thể như sau:
1. Giáo viên kiêm nhiệm công tác giáo vụ:
a) Trường phổ thông có từ 28 lớp trở lên ở vùng 2 và vùng 3, 19 lớp trở lên ở vùng 1 được sử dụng 08 tiết/tuần; các trường phổ thông còn lại được sử dụng 04 tiết/tuần để làm công tác giáo vụ;
b) Hiệu trưởng căn cứ vào phân công nhiệm vụ để quy định số tiết giảm định mức cho từng giáo viên kiêm nhiệm công tác giáo vụ sao cho tổng số tiết giảm của tất cả giáo viên kiêm nhiệm công tác giáo vụ không cao hơn số tiết được sử dụng làm công tác giáo vụ của trường quy định tại điểm a khoản này.
2. Giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn học sinh:
Góp ý sửa đổi khoản 2 này như sau: “Phó hiệu trưởng, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn học sinh:
a) Trường phổ thông có từ 28 lớp trở lên ở vùng 2 và vùng 3, 19 lớp trở lên ở vùng 1 được sử dụng 08 tiết/tuần; các trường phổ thông còn lại được sử dụng 04 tiết/tuần để làm công tác tư vấn học sinh;
b) Hiệu trưởng căn cứ vào phân công nhiệm vụ để quy định số tiết giảm định mức cho từng giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn học sinh sao cho tổng số tiết giảm của tất cả giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn học sinh không cao hơn số tiết được sử dụng làm công tác tư vấn học sinh của trường quy định tại điểm a khoản này.
Giáo viên kiêm nhiệm công tác văn thư hoặc công tác quản trị công sở (phụ trách cả phòng tin học) hoặc công tác thư viện (phụ trách cả phòng thư viện) được giảm 03 tiết/tuần/công việc.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thiệt thòi về thời gian làm việc, nhiều áp lực, khi kiêm nhiệm họ có thể phải dành những thời gian ngoài giờ để thực hiện nhiệm vụ, nên khi thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm do được phân công, do đại hội bầu (Đảng, đoàn thể) hoặc chỉ định, được giảm định mức tiết dạy họ có thể sẽ được tính tăng giờ, tăng buổi khi thực hiện vượt định mức tiết dạy, khiến họ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tạo công bằng hơn.
Tài liệu tham khảo:
https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-thong-tu-quy-dinh-che-do-lam-viec-doi-voi-giao-vien-pho-thong-du-bi-dai-hoc
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.