Đề xuất tăng đầu tư và có cơ chế hỗ trợ để trường ĐH địa phương phát triển

05/02/2024 06:25
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khó khăn trong công tác tuyển sinh, nguồn thu từ học phí bị giảm, nhiều trường đại học địa phương không đủ trang trải cho nhu cầu chi thường xuyên.

Trường đại học địa phương có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng ở các bậc học, ngành học thuộc các lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu của mỗi địa phương và các tỉnh lân cận.

Thế nhưng hiện nay, nhiều trường đại học địa phương đang rơi vào tình thế khó khăn, đặc biệt là phải đối diện với áp lực về tài chính.

Mới đây, vào đầu tháng 1/2024, báo chí thông tin Trường Đại học Quảng Bình nợ lương giảng viên và nhân viên trong nhiều tháng liền. Nguyên nhân chậm trả lương là do khó khăn về công tác tuyển sinh, nguồn thu của đơn vị giảm, nên việc chi trả lương, các chế độ liên quan đến người lao động chưa thực hiện theo quy định.

Lãnh đạo trường cũng cho biết, từ tháng 1 đến tháng 3/2024, trường không có nguồn để chi trả tiền lương cho 136 viên chức và lao động hợp đồng. [1]

Câu chuyện của Trường Đại học Quảng Bình cũng đang là nỗi lo của nhiều trường đại học địa phương hiện nay, khi nguồn ngân sách eo hẹp, tình trạng tuyển sinh khó khăn cùng với áp lực tự đảm bảo chi thường xuyên khiến nhiều trường rơi vào thế khó.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng đầu tư để các trường đại học địa phương phát triển, thực hiện tốt sứ mệnh của mình.

Khó khăn về nguồn thu để đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho biết: “Kinh phí hoạt động của các trường đại học địa phương theo quy định của Luật Ngân sách do ngân sách địa phương đảm nhiệm (cụ thể là ngân sách cấp tỉnh).

Các trường đại học địa phương khi thành lập đều được tỉnh đầu tư về cơ sở vật chất và cấp phát kinh phí hoạt động theo đề án thành lập trường.

Như vậy, có thể nói, trong những năm đầu khi đi vào hoạt động, các trường đại học địa phương cơ bản được ngân sách tỉnh bảo đảm trong hoạt động, nhất là việc đầu tư cơ sở vật chất.

Các năm về sau theo lộ trình, tùy theo quy mô tuyển sinh và các hoạt động dịch vụ, nhà trường sẽ bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí chi thường xuyên.”

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long. Ảnh: Phạm Linh

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long. Ảnh: Phạm Linh

Chia sẻ về thực trạng của vấn đề này, thầy Đức Tiệp cho hay, trên thực tế, sau thời gian hoạt động, có những trường đại học gặp khó khăn về nguồn thu nhằm đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên, bao gồm chi trả lương cho người lao động, nghiên cứu khoa học và các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ khác.

Hiện nay, thực hiện tinh thần Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, các trường phải xây dựng đề án tự chủ.

Trong đó xác định cụ thể lộ trình tự chủ về tài chính theo hướng tiến tới tự chủ 100% chi thường xuyên, vì vậy, các trường đại học địa phương phải rất nỗ lực trong công tác phát triển ngành đào tạo, mở rộng quy mô tuyển sinh để có đủ nguồn thu đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên của trường”.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang cũng bày tỏ quan ngại: “Thực trạng hiện nay, nhiều trường đại học ở địa phương đang được tỉnh nhà duy trì ở mức đầu tư trung bình.

Về lâu dài, nếu vẫn giữ mức đầu tư như vậy thì khoảng 5 đến 7 năm nữa, nhiều trường sẽ gặp khó khăn về tài chính, có khả năng không đủ kinh phí để chi trả lương cho người lao động”.

Lý giải về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cho hay, nguyên nhân chủ yếu là do các trường không bảo đảm được quy mô đào tạo, gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh nên nguồn thu từ học phí bị giảm, không đủ trang trải cho nhu cầu chi thường xuyên của trường.

Nguồn thu chính của nhiều trường đại học nói chung và trường đại học địa phương nói riêng ở nước ta cho đến nay còn phụ thuộc lớn vào học phí. Công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và dịch vụ còn hạn chế nên học phí vẫn đang giữ vai trò là nguồn thu chính.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: Doãn Nhàn

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: Doãn Nhàn

“Nhất là với thực trạng hiện nay, nguồn tuyển sinh tại các trường đại học ở địa phương đang có xu hướng giảm dần qua các năm học. Các cơ sở đào tạo đại học thuộc địa phương không thu hút mạnh mẽ được người học bằng những trường đại học thuộc đại học quốc gia, đại học vùng và những trường đại học có thương hiệu khác.

Bên cạnh đó, hiện nay, đa số các trường đại học ở địa phương có định mức học phí còn thấp (học phí do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương) nên nguồn thu từ học phí càng thấp hơn. Từ đó, nhiều trường đại học địa phương thiếu nguồn tài chính để đầu tư cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và nhiều hoạt động khác.

Mặt khác, trường đại học địa phương được Uỷ ban nhân dân tỉnh đầu tư, phân bổ diện tích đất tương đối lớn, có tiềm năng để phát triển cơ sở vật chất khang trang và không thua kém các trường đại học khác.

Do vậy, các trường đại học địa phương hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng đào tạo, môi trường giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho giảng viên và thực hành, trải nghiệm nghề nghiệp cho sinh viên.

Song, nguồn đầu tư để nhà trường tạo điều kiện, mời gọi chuyên gia, giảng viên trình độ cao tới công tác, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học còn hạn chế; và sự đầu tư cho các phòng thí nghiệm phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học chuyên sâu cũng chưa được như kỳ vọng”, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang thông tin.

Tháo gỡ “nút thắt” nguồn đầu tư cho trường đại học địa phương

Đề xuất phương án giải quyết bài toán tài chính hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp đề cập: “Đầu tư cho các trường được hiểu bao gồm đầu tư về cơ sở vật chất và bảo đảm chi thường xuyên một phần cho cơ sở đào tạo.

Về chi đầu tư cơ sở vật chất sẽ do ngân sách tỉnh bảo đảm và từ các nguồn huy động hợp pháp khác, tuy nhiên, ngân sách tỉnh vẫn phải đóng vai trò trọng yếu.

Về chi thường xuyên thì theo xu thế hiện nay các trường đại học phải tăng dần và tiến tới tự chủ 100% chi thường xuyên (thậm chí cả chi đầu tư). Do vậy cơ sở giáo dục không thể dựa hết vào nguồn thu từ ngân sách tỉnh.

Giải pháp căn bản hiện nay là các trường phải đề xuất, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh để ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ trường liên quan đến nguồn lực giảng viên, người học theo hướng phát triển bền vững.

Ngoài ra cần tranh thủ tối đa các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho tỉnh, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ theo cơ chế giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng để tăng nguồn thu, đồng thời nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Trường cần chú trọng công tác liên kết đào tạo với các đại học và trường đại học có uy tín ở trong và ngoài nước, để thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho địa phương, nhất là các nhân lực làm việc ở các ngành nghề mũi nhọn, then chốt của tỉnh. Đây cũng là giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn thu cho các trường”.

Trên cơ sở đó, các trường đại học cần phải phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông của tỉnh, liên kết đào tạo và nghiên cứu các đề tài khoa học để tạo nguồn thu bảo đảm cho hoạt động.

Điều quan trọng là mỗi cơ sở cần khẩn trương rà soát, xây dựng và hoàn thiện đề án sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, giảng viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả, từng bước thực hiện bảo đảm lộ trình tự chủ tài chính theo quy định.

“Cuối cùng, vấn đề mấu chốt của các trường ở đây vẫn là bài toán tuyển sinh, nếu không làm tốt công tác tuyển sinh, tăng quy mô đào tạo thì rất khó có thể bàn đến các nội dung khác để phát triển nhà trường”, Tiến sĩ Tiệp nhấn mạnh.

Được biết, điển hình như Trường Đại học Hạ Long - đơn vị sự nghiệp công lập đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh được phê duyệt Đề án tự chủ. Theo đó giai đoạn 2023-2025, mức tự chủ kinh phí thường xuyên của trường là 40%.

Theo chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2030, dự kiến trường sẽ tự chủ 100% kinh phí thường xuyên trước năm 2030 với quy mô sinh viên các hệ đào tạo trên 10.000 sinh viên. Như vậy việc xác định mức tự chủ luôn phải căn cứ vào quy mô sinh viên vì đối với các đại học địa phương thì học phí vẫn là nguồn thu chủ yếu.

Trường Đại học Hạ Long - đơn vị sự nghiệp công lập đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: website nhà trường

Trường Đại học Hạ Long - đơn vị sự nghiệp công lập đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: website nhà trường

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tiền Giang nêu bật: “Thực chất, nội lực của từng trường vẫn là yếu tố quan trọng nhất, cốt yếu nhất. Bởi lẽ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh cũng phải thực hiện đầu tư và định mức học phí theo cơ chế chung của Nhà nước.

Trong số 26 trường đại học ở địa phương trên nước ta cũng có những cơ sở giáo dục đào tạo hoạt động mạnh mẽ, tự chủ chi thường xuyên 100% như Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội,... hay gần đây có Trường Đại học Hạ Long cũng củng cố sức mạnh nội lực để ổn định và vươn lên.

Đặt trong cơ chế chung của các trường đại học địa phương, nhưng mỗi cơ sở đào tạo lại có sức mạnh nội lực cũng như nỗ lực khác nhau. Chính vì vậy, mức sàn học phí theo quy định chung đưa ra muốn cao lên để đảm bảo chi phí đào tạo, thì các trường phải đạt quy định theo mức tự chủ chi thường xuyên 100%”.

Ngoài ra, theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh, môi trường nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm chuyên sâu, không gian hoạt động trải nghiệm của mỗi trường là các hạng mục nên được tỉnh và các đối tác của trường đầu tư sâu rộng nhằm nâng tầm thương hiệu cho cơ sở giáo dục, từ đó giải quyết được vấn đề liên quan đến tuyển sinh.

Đó là nơi lâu dài để các trường tập trung nhân lực nghiên cứu, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, từ đó mới có thể thu hút, “giữ chân" được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hoạt động học tập, nghiên cứu của thầy trò Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: website nhà trường

Hoạt động học tập, nghiên cứu của thầy trò Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: website nhà trường

Nhà trường muốn nguồn tuyển sinh tăng thì phải có thương hiệu mạnh, thu hút đội ngũ có trình độ cao hay các chuyên gia tới giảng dạy. Nguồn lực tài chính của trường phải đủ mạnh để đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao tại chỗ, khi đó, giảng viên không lo về kinh phí học lên tiến sĩ.

Hoặc có thể đầu tư cho hạng mục xây nhà công vụ, giúp những người có trình độ cao, chuyên gia về trường công tác được ưu tiên về nơi ở. Đó là yếu tố đột phá nhằm thu hút nhân lực mạnh lên, thể hiện chiều sâu đầu tư mang tính đồng bộ.

Giải “bài toán” tài chính cần “đúng và trúng”

Bàn giải về định hướng phát triển bền vững cho các trường đại học địa phương, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cho biết, xét về tầm nhìn dài hạn, đối với nguồn nhân lực, cơ sở đào tạo cần thu hút được đội ngũ nhân lực giỏi, trình độ chuyên môn cao, có năng lực tự nghiên cứu, tự trau dồi nhằm xây dựng đội ngũ chất lượng cao với nền tảng tri thức, kỹ năng tốt và hệ thống quản trị đại học hiệu quả, từ đó mới có thể thực hiện tốt công tác giáo dục và chuyển giao công nghệ.

Uỷ ban nhân dân tỉnh cần tăng đầu tư kinh phí cho trường đại học địa phương; ngược lại, các trường cũng phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tốt, phục vụ mục tiêu chiến lược của tỉnh, nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học.

Đối với nguồn lực đất đai, Trường Đại học Tiền Giang đang đề xuất, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ra chủ trương cho phép trường khai thác quỹ đất công còn nhàn rỗi nhằm mời gọi các đối tác bên ngoài liên danh liên kết, phát triển không gian sáng tạo và hoạt động trải nghiệm tích hợp cho sinh viên và giảng viên.

Việc này có thể giải quyết nhiều mục tiêu cùng lúc như phục vụ công tác nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, gia tăng chất lượng dạy – học, nâng cao điều kiện trải nghiệm nghề nghiệp, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng và các dịch vụ liên quan. Từ đó, thương hiệu nhà trường sẽ được phát triển, không chỉ tạo dựng uy tín với đối tác bên ngoài mà còn thu hút người học đăng ký tuyển sinh.

“Bước đầu đề xuất đang được đồng tình; song, tình trạng đất công còn cần cân nhắc và giải quyết một số vướng mắc về mặt pháp lý.

Nhà trường kỳ vọng Luật Đất đai mới sửa đổi đã được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được vấn đề diện tích đất bố trí cho các trường đại học địa phương được sử dụng đa mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Từ đó, các trường có thể hợp tác nghiên cứu, đẩy mạnh đầu tư hoạt động học thuật, ký kết hợp đồng dịch vụ cũng như khai thác nguồn lực tốt hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh bày tỏ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tienphong.vn/truong-dai-hoc-quang-binh-no-luong-8-thang-hang-chuc-giang-vien-nhan-vien-truoc-nguy-co-mat-viec-post1603070.tpo

Lưu Diễm