ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN không lập hội đồng trường: Chế tài xử lý ra sao?

19/04/2024 09:00
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN nhiều năm không thành lập Hội đồng trường, 1 người làm hiệu trưởng gần 30 năm không ai thay thế là điều "bất bình thường".

Liên quan đến việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đến nay vẫn chưa thành lập Hội đồng trường theo văn bản yêu cầu số 6167/BGDĐT-TCCB của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vào tháng 1/2024, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với lãnh đạo của một số trường đại học tư thục để có thêm góc nhìn về việc này.

Có hội đồng trường nhiều thuận lợi, sao Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ không làm?

Trao đổi với phóng viên, theo một chuyên gia giáo dục cho biết, việc thành lập Hội đồng trường là một trong những yếu tố để cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện tự chủ khi chuyển đổi sang loại hình tư thục.

Khi tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học tư thục sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động, nhất là đối với công tác tuyển sinh, mở ngành và thúc đẩy sự phát triển của nhà trường. Vì thế theo vị này, việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chậm trễ trong việc thành lập Hội đồng trường là một điều khá khó hiểu.

Hiện vẫn chưa có quy định nào về việc xử phạt các trường đại học tư thục không thành lập hoặc chậm trễ thành lập Hội đồng trường nên có thể một số trường đang xem nhẹ việc này.

"Theo quy định để được quyền tự chủ, một trường đại học tư thục cần đảm bảo 3 điều kiện: Thứ nhất, trường phải đạt kiểm định. Thứ hai, phải thành lập Hội đồng trường. Thứ ba, trường phải ban hành đầy đủ các văn bản như: quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ...

Trên thực tế, bất cứ trường đại học tư thục nào cũng muốn được quyền tự chủ. Trong đó, có việc tự chủ trong tuyển sinh và mở ngành đào tạo nếu đáp ứng các yêu cầu", chuyên gia chia sẻ.

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có quy định và chế tài nào để xử phạt đối với trường đại học tư thục chưa thành lập Hội đồng trường.

Tuy nhiên, theo vị này, về cơ bản thì hầu hết các trường đại học tư thục đều chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu về việc thành lập Hội đồng trường. Vì thế, nếu trường đại học đó chưa thành lập Hội đồng trường thì có thể do trong thành phần Hội đồng trường đang thiếu đi những vị trí cần có mà trường đó tạm thời chưa đáp ứng được.

"Việc thành lập Hội đồng trường đối với trường đại học tư thục hiện vẫn đang thực hiện theo quy định tại Nghị định 99. Theo đó, Hội đồng trường sẽ do cơ quan chủ quản công nhận chứ không phải do cơ quan quản lý nhà nước công nhận giống như các trường đại học công lập. Quá trình thành lập và hoạt động của Hội đồng trường này ra sao cũng sẽ do nhà đầu tư, đại diện là Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm.

Tôi được biết, từ trước đến nay, nếu có trường đại học tư thục nào vi phạm quy định này thì các cơ quan quản lý họ cũng chỉ nhắc nhở và yêu cầu chấn chỉnh chứ chưa có chế tài nào để xử phạt. Vì vậy cũng chưa thấy trường đại học tư thục nào bị xử lý về vấn đề này.

Đó cũng có thể là nguyên nhân để xảy ra việc, vẫn còn tồn tại một số cơ sở giáo dục đại học tư thục không thực hiện nghiêm túc theo các quy định đã đề ra", Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung cho biết thêm.

img-7395-6640.jpg
Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh: website nhà trường

Một người làm hiệu trưởng gần 30 năm không có ai thay thế là một điều "bất bình thường"

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đông Phương (nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, dù rằng chưa có các chế tài xử phạt cụ thể đối với trường đại học tư thục trong việc không thành lập Hội đồng trường theo yêu cầu nhưng các trường cũng nên tuân thủ các quy định đề ra để thể hiện sự tôn trọng pháp luật.

"Với quy định này, hầu hết các trường đại học tư thục khác trong nước đều làm được, tại sao Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ lại không tuân thủ?. Liệu có phải trường đại học này đang xem nhẹ các yêu cầu đã được đề ra? Việc này nên sớm được các cơ quan có liên quan vào cuộc và làm rõ", Tiến sĩ Lê Đông Phương nêu băn khoăn.

Ngoài ra, theo nhận định của vị này, câu chuyện về một cơ sở giáo dục đại học tư thục như Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhiều năm không thành lập Hội đồng trường và một người làm hiệu trưởng suốt gần 30 năm không có ai thay thế là một điều "bất bình thường".

Tiến sĩ Lê Đông Phương nhấn mạnh: "Về nguyên tắc ở trường đại học tư thục khi muốn bổ nhiệm hiệu trưởng thì bắt buộc phải có Hội đồng trường. Chính vì mối quan hệ mật thiết giữa hiệu trưởng và Hội đồng trường trong trường đại học tư thục như vậy nên vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi trường đại học này nhằm chấn chỉnh và hoàn thiện Hội đồng trường.

Tuy nhiên, yêu cầu của các cơ quan quản lý vẫn chưa được trường đại học này thực hiện, nghĩa là nhà trường đã cố tình "bỏ quên" các quy định đó.

Điều này khiến dư luận không khỏi thắc mắc về việc, vì sao đến thời điểm này các cơ quan quản lý nhà nước chưa can thiệp xử lý? ".

ts-le-dong-phuong-9219.jpg
Tiến sĩ Lê Đông Phương. Ảnh: giaoduc.net.vn

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Đông Phương cũng kiến nghị các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề báo chí phản ánh về việc, nhiều năm nay nhà trường sử dụng con dấu khắc của Giáo sư Trần Phương để đóng dấu vào các văn bản của nhà trường.

Vị này cho rằng cần làm rõ, việc sử dụng con dấu đó thực chất đã được Giáo sư Trần Phương cho phép và giáo sư này có biết và đồng ý cho đóng dấu vào các văn bản đó hay chưa?

Theo góc độ khác vị này cũng cho rằng, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ là một trường tư thục, mô hình giống như một doanh nghiệp nên các cơ quan quản lý doanh nghiệp trên địa bàn cũng nên vào cuộc để làm rõ.

"Giáo sư Trần Phương hiện là hiệu trưởng nhà trường kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Vì thế, trong trường hợp nếu xác định được hiệu trưởng nhà trường hiện tại không còn đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu doanh nghiệp thì có nên thu hồi giấy phép hoạt động doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp hay không?.

Như vậy, trong sự việc xảy ra tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng có liên quan để làm sáng tỏ. Điều này sẽ làm ổn định được dư luận và người học được yên tâm", Tiến sĩ Lê Đông Phương cho biết.

Trung Dũng