Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) tiền thân là Phân hiệu Đại học Bách khoa tại Thái Nguyên trực thuộc 4 đơn vị chủ quản gồm: Công ty Gang thép Thái Nguyên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp
Từ Phân hiệu Đại học Bách khoa tại Thái Nguyên (1965-1966), sau nhiều lần đổi tên: Trường Đại học Cơ điện (1966-1975); Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Việt Bắc (1976-1982); Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên (1982-1994), đã chính thức có tên là Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp từ năm 1994 đến nay.
Theo Nghị quyết số 34/NQ-HĐT ngày 28/4/2021 của Hội đồng trường về việc ban hành Chiến lược phát triển Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, xác định sứ mạng: Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học; tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế.
Hiện tại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Trung Hải là Hiệu trưởng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa là Chủ tịch Hội đồng trường.
Giảng viên trình độ cao giảm đa số do... chuyển về các trường đại học ở Hà Nội
Từ dữ liệu công khai năm học 2019-2020, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) có tổng số 371 giảng viên cơ hữu, trong đó không có giáo sư, có 20 phó giáo sư, 70 tiến sĩ, 272 thạc sĩ và 9 giảng viên trình độ đại học.
Đến năm học 2023-2024, trường có tổng số 362 giảng viên cơ hữu. Trong đó, không có giáo sư, có 23 phó giáo sư, 98 tiến sĩ, 224 thạc sĩ, và 17 giảng viên trình độ đại học.
Cụ thể cơ cấu giảng viên cơ hữu:
Như vậy, sau 4 năm, tổng số giảng viên giảm 9 người (hơn 2,4%). Trong đó, tăng 3 phó giáo sư (15%); tăng 28 tiến sĩ (40%). Không có giáo sư trong cơ cấu đội ngũ giảng viên.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) đã chia sẻ về nguyên nhân từ năm 2019 đến năm 2024, tổng số giảng viên cơ hữu giảm 9 người (hơn 2,4%).
Theo đó, thầy Khoa lý giải: “Các giảng viên trước khi chuyển công tác đều được nhà trường cử đi học nghiên cứu sinh tại các trường đại học uy tín ở trong và ngoài nước, được hỗ trợ kinh phí và tạo mọi điều kiện khi tham gia đào tạo bồi dưỡng (hỗ trợ học phí, giảm trừ định mức và hỗ trợ kinh phí các bài báo).
Đội ngũ giảng viên chất lượng cao của nhà trường được nhiều nơi săn đón, có chính sách đãi ngộ, điều kiện cá nhân… đa số giảng viên chuyển công tác về các trường đại học uy tín ở Hà Nội. Việc thay đổi vị trí làm việc, chuyển nơi công tác của nguồn nhân lực chất lượng cao là một xu thế phổ biến hiện nay.
Do đó, vấn đề quản lý vĩ mô của Nhà nước trong đảm bảo nguồn nhân lực của các trường miền núi là rất cần thiết”.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Ngô Như Khoa cũng nhấn mạnh thêm: “Đa số cán bộ giảng viên của trường, với khát khao cống hiến cho sự phát triển của nhà trường. Mặc dù trong điều kiện khó khăn về kinh tế, vẫn nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt được nhiều thành tích cao. Số giảng viên được phong học hàm năm 2023 có 01 giáo sư và 09 phó giáo sư, nâng tổng số phó giáo sư của trường lên 23 người.
Nhà trường đã có kế hoạch chiến lược phát triển đội ngũ đến năm 2025 và hiện tại đang xây dựng đề án cử giảng viên đi học nghiên cứu sinh để đạt tỉ lệ 50% tiến sĩ vào năm 2025 và 60% tỉ lệ tiến sĩ vào năm 2030”.
Theo thông tin mới cập nhật từ Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), hiện tại, nhà trường có 1 giáo sư, 30 phó giáo sư, 97 tiến sĩ. Đại diện nhà trường cũng lý giải, những số liệu trên có sự khác biệt so với tại báo cáo 3 công khai do có trước đó cập nhật lên chưa chính xác.
Nhiều năm nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ra sao?
Theo báo cáo công khai tài chính năm học 2019-2020 (cả 2 học kỳ), tổng nguồn thu hợp pháp là 184,986 tỷ đồng; trong đó, ngân sách là 46,1 tỷ đồng (hơn 24,9%), học phí, lệ phí là 127,45 tỷ đồng (gần 68,9%) và nguồn thu khác với 11,436 tỷ đồng (gần 6,2%). Không có thông tin về nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Tương tự, theo báo cáo công khai tài chính năm học 2020-2021 (cả 2 học kỳ), tổng nguồn thu hợp pháp là 184,986 tỷ đồng; trong đó, ngân sách là 46,1 tỷ đồng (hơn 24,9%), học phí, lệ phí là 127,45 tỷ đồng (gần 68,9%) và nguồn thu khác với 11,436 tỷ đồng (gần 6,2%). Không có thông tin về nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Theo báo cáo công khai tài chính năm học 2022-2023 (học kỳ I), tổng nguồn thu năm 2022 là 105,568 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách là 29,164 tỷ đồng; học phí, lệ phí là 72,034 tỷ đồng. Nguồn thu khác là 4,37 tỷ đồng.
Báo cáo công khai tài chính năm học 2022-2023 (học kỳ II) cho thấy, tổng nguồn thu là 111,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách là 29,1 tỷ đồng; học phí, lệ phí là 76,7 tỷ đồng; nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 0,4 tỷ đồng; nguồn thu khác là 5,2 tỷ đồng.
Theo báo cáo công khai tài chính năm học 2023-2024, tổng nguồn thu năm 2023 của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) là 123,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách là 26,7 tỷ đồng; học phí, lệ phí là 91,3 tỷ đồng; thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 2,4 tỷ đồng; nguồn thu khác là 3,3 tỷ đồng.
Trong đó, theo thống kê tài chính năm 2019 (trong báo cáo công khai học kỳ I năm học 2020-2021), tổng thu là 94,47 tỷ đồng, tuy nhiên, khi cộng 3 nguồn thu thành phần, chỉ có 92,47 tỷ đồng.
Về vấn đề khập khiễng trong số liệu thống kê, đại diện nhà trường xác nhận, số liệu chính xác là 92,47 tỷ đồng.
Chi tiết cơ cấu nguồn thu trong báo cáo công khai tài chính:
Nhìn vào bảng thống kê, tổng nguồn thu tăng lên: Từ 86,586 tỷ đồng (báo cáo công khai kỳ I năm học 2019-2020) lên 123,7 tỷ đồng (báo cáo công khai kỳ I năm học 2023-2024).
Trong đó, nguồn từ ngân sách cũng tăng lên từ 22,2 tỷ đồng lên 26,7 tỷ đồng. Nguồn thu từ học phí, lệ phí tăng từ 58,65 tỷ đồng lên 91,3 tỷ đồng. Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ từ không có dữ liệu (các năm học 2019-2020 đến học kỳ I năm học 2022-2023) tăng lên 0,4 tỷ đồng (học kỳ II năm học 2022-2023), và tăng lên 2,4 tỷ đồng (học kỳ II năm học 2023-2024). Trong khi đó, nguồn thu khác giảm từ 5,736 tỷ đồng xuống còn 3,3 tỷ đồng.
Lý giải về sự biến động của cơ cấu nguồn thu trong giai đoạn này, vị Chủ tịch Hội đồng trường cho biết: “Với vị trí địa lý thuộc khu vực trung du, miền núi phía Bắc, sinh viên của trường chủ yếu là con em đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh lân cận có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, mức độ sẵn sàng chi trả cho dịch vụ đào tạo cũng như dịch vụ thiết yếu của bản thân ở mức thấp nên cơ cấu cũng như quy mô nguồn thu của nhà trường cũng có những đặc thù nhất định.
Về ngân sách nhà nước cấp, ngoài ngân sách hỗ trợ chi thường xuyên theo tiêu chí phân bổ hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngân sách hỗ trợ cho người học theo chế độ chính sách của Nhà nước. Trong những năm qua, trường đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ đặt hàng của Nhà nước (đào tạo ngắn hạn, đào tạo lưu học sinh diện hiệp định, công tác chuyển đổi số…), tuy nhiên, kinh phí tăng thêm không đáng kể do ngân sách dành cho hoạt động này không nhiều.
Về học phí, là đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần nên học phí trong giai đoạn này, trường thực hiện theo các quy định của Nhà nước. Bên cạnh mức tăng học phí rất khiêm tốn do Nhà nước quy định, việc tăng quy mô đào tạo của nhà trường trong năm gần đây đã góp phần tăng nguồn thu cho nhà trường. Tuy nhiên, mức tăng này chưa đáp ứng được nhu cầu chi thường xuyên cũng như nâng cao chất lượng cho đội ngũ giảng viên, bổ sung nguồn học liệu để nâng cao chất lượng đào tạo.
Về thu nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hoạt động này đến từ các đề tài nghiên cứu khoa học do cá nhân hoặc nhóm nghiên cứu thực hiện với các tổ chức nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, chủ yếu từ Quỹ phát triển Khoa học công nghệ các tỉnh và Quỹ phát triển Khoa học công nghệ Quốc gia (Nafosted). Những khó khăn trong hoạt động này đã được đề cập đến trong nội dung về hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường.
Về nguồn thu khác, với đặc thù sinh viên của nhà trường đến từ khu vực kinh tế còn nhiều khó khăn, nên mặc dù trường đã có nhiều nỗ lực trong việc cung cấp các dịch vụ phục vụ người học, nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng do mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ này của người học còn rất thấp, nên hiện nay nguồn thu này chủ yếu đến từ việc khai thác nhà ở ký túc xá. Tuy nhiên, ký túc xá của trường do xây dựng lâu năm nên xuống cấp nhiều, năm 2023, trường phải dừng sử dụng một số nhà để tìm phương án sửa chữa, cải tạo”.
Không thống kê nguồn thu nghiên cứu khoa học vì quan niệm chưa đúng
Với câu hỏi: “Vì sao nhiều năm trước, nhà trường không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ?”, đại diện trường lý giải: “Do quan niệm chưa đúng về nguồn thu 5% nên chúng tôi thống kê thiếu phần đóng góp của Công ty TNHH Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, theo dữ liệu đánh giá ngoài của cơ sở giáo dục đại học đã đưa ra là trong khoảng 7-11% (tỉ lệ doanh thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ so với tổng kinh phí đầu vào của cơ sở giáo dục - trang 22, phụ lục cơ sở giáo dục, báo cáo tự đánh giá). Qua đó, cho thấy năng lực phục vụ cộng đồng của nhà trường trong lĩnh vực nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ”.
Tiêu chí 6.1 Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học nêu: Tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.
Chia sẻ thêm về định hướng để đạt được mục tiêu theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học mới đã đề ra, Phó Giáo sư Ngô Như Khoa cho hay: “Theo chúng tôi được biết, trong bối cảnh giáo dục đại học toàn quốc hiện nay, rất ít trường đạt chỉ tiêu 5% nguồn thu từ khoa học công nghệ.
Mặt khác, do quan niệm chưa đúng về nguồn thu 5%, nên chúng tôi thống kê thiếu phần đóng góp của Công ty TNHH Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp.
Theo đó, tiềm năng từ các kết quả nghiên cứu khoa học tầm nhìn dài hạn như các bằng sáng chế đang triển khai kết hợp với các nguồn đề tài và các đóng góp thông qua đề án hỗ trợ giảng viên công bố báo chí có điểm rơi trong khoảng 3-5 năm tới cải thiện đáng kể nguồn thu 5% này là hướng đi của nhà trường”.