Cho tới nay ở Việt Nam chưa xây dựng các tiêu chí để phân rõ trường lợi nhuận và không vì lợi nhuận, thậm chí cả khái niệm lợi nhuận - không vì lợi nhuận hay vụ lợi - bất vụ lợi vẫn còn nhiều ý kiến. Thực tế khái niệm bất vụ lợi khác với khái niệm không vì lợi nhuận. Có thể các trường hoạt động vẫn có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận đó lại phục vụ lại cho nhà trường chứ không phục vụ cho nhà đầu tư (bất vụ lợi).
Cho đến nay các tiêu chí của nhà nước (Nghị định 61, 63) chủ yếu cho các trường vì lợi nhuận, chưa có Quy chế nào phù hợp cho các trường không vì lợi nhuận.
Hơn nữa, các chính sách của nhà nước chưa phân biệt cái nào là đối với các trường lợi nhuận hay không vì lợi nhuận. Đo đó, vấn đề này cần được sự thảo luận để làm rõ hệ thống các tiêu chí lợi nhuận hay không lợi nhuận.
Từ những khái niệm, các tiêu chí để xây dựng mô hình, mô hình này đòi hỏi phải rõ ràng và đi tới có một Quy chế riêng (cho trường lợi nhuận và không vì lợi nhuận), tuy nhiên đây còn là một tiến trình đang xây dựng.
Các khái niệm còn mù mờ
PGS. Trần Xuân Nhĩ –nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cho biết, hiện thực tế giáo dục ở Việt Nam đứng ở góc độ tài chính thì có các loại trường như quốc lập, ngoài công lập (không vì lợi nhuận và có lợi nhuận). Thực tế các trường được tự chủ về tài chính cũng là các trường không vì lợi nhuận.
PGS. Trần Xuân Nhĩ. |
Tuy nhiên, PGS. Nhĩ cho biết hiện nay giữa các trường không vì lợi nhuận và lợi nhuận chưa có các quy chế rõ ràng nên nhiều người lẫn lộn. Do đó, sắp tới cần làm rõ điều này.
Mặc dù hành lang pháp lý đã có trong Luật giáo dục, trong Nghị định 61 nhưng quan trọng hiểu như thế nào là trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, mấu chốt của trường không vì lợi nhuận là gì và trường lợi nhuận là như thế nào? Các câu hỏi này cần phải làm rõ hơn.
Cũng theo PGS. Nhĩ ở Việt Nam đã có trường chọn hướng đi không vì lợi nhuận, nhưng việc hiểu khái niệm này thật đầy đủ là chưa có, chính chỗ này phải giải thích rõ.
Lấy một ví dụ, PGS. Nhĩ phân tích, tài sản chung không chia nên hiểu là như thế nào, có người hiểu rằng đó là tài sản tập thể của trường đó. Thực ra, tài sản của trường không lợi nhuận phải thuộc về cộng đồng xã hội chứ không thể thuộc tập thể hay cá nhân nào. Trường hợp xấu nhất, trường giải thể, nếu tài sản thuộc cộng đồng thì xã hội cũng không thể mất số tài sản còn lại được.
Lúc này cộng đồng xã hội có thể xử lý bằng nhiều cách như có thể hiến tặng cho một tổ chức nào khác, hoặc giao về cho nhà nước, lúc này chính cộng đồng xã hội chịu trách nhiệm xử lý tài sản.
Giáo dục Đại học Việt Nam: Lợi nhuận hay phi lợi nhuận?
(GDVN) - Phi lợi nhuận không có nghĩa là không có lợi nhuận, mà là việc mỗi tổ chức ứng xử như thế nào với khoản lợi nhuận thu được.
Cũng có ý kiến cho rằng nếu khối tài sản chung thuộc về tập thể thì trường đó mới có chủ, còn thuộc về cộng đồng xã hội thì không có chủ, không ai quan tâm, điều này theo PGS. Nhĩ hoàn toàn không đúng.
Trao đổi thêm về quy định lợi nhuận, cách tính lãi, hiến tặng…PGS. Trần Xuân Nhĩ bày tỏ, trong các nguồn tài chính (cho các trường ngoài công lập trong đó có lợi nhuận và không lợi nhuận) có tài sản hiến tặng, thêm nữa cũng có loại vốn do nhiều người đóng góp. Như vậy, trường trong quá trình hoạt động sẽ sinh ra tiền lãi, tiền lãi này nếu không vì lợi nhuận thì theo quy định của nhà nước chỉ được hưởng không quá lãi suất trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng vấn đề này cũng sẽ có sự thỏa thuận giữa HĐQT và người cho mượn vốn nên họ phải được hưởng lãi suất như lãi suất ngân hàng tại thời điểm chia lãi suất (có thể dưới hoặc trên trái phiếu Chính phủ), ví dụ lãi suất tại thời điểm đó là 12% mà chia cho người cho mượn vốn 12% đó không phải là lợi nhuận.
Đối với quy định HĐQT để quản lý nhà trường, PGS. Nhĩ cho biết nếu trường vì lợi nhuận thì HĐQT là đại diện cho những người đóng góp tiền, giống như một doanh nghiệp, còn không vì lợi nhuận thì ngoài những người đóng góp tiền còn có những nhà khoa học, quản lý tham gia vào HĐQT này.
“Đồng tiền không phải là mục tiêu chi phối hoạt động nhà trường mà mục tiêu chính của nhà trường là mục tiêu đào tạo, đó là mục tiêu cao cả. Đó là những điều khác nhau giữa trường lợi nhuận và không vì lợi nhuận” GS. Nhĩ cho hay.
Tâm của người làm giáo dục như thế nào?
Tuy rằng ở loại hình trường nào cũng có những mặt mạnh, mặt yếu, lợi nhuận hay không vì lợi nhuận đều có những sứ mạng riêng của các trường. Nhưng chúng ta khuyến khích các trường chuyển sang hoạt động theo mô hình không vì lợi nhuận để trường phát triển lâu dài hơn, an toàn hơn. Việc chuyển đổi này tưởng dễ nhưng hiện nay đang gặp khó bởi “cái tâm” của người làm giáo dục.
PGS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, để phát triển một trường ngoài công lập vơi cái tâm của mình những người làm giáo dục có thể cam kết chuyển sang trường không vì lợi nhuận hoặc vẫn quyết tâm làm theo lợi nhuận. Lúc đó nhà nước sẽ có những chính sách khác đối với hai loại hình này.
Chính phủ chỉ đạo giải quyết hàng loạt vấn đề nóng trong giáo dục
(GDVN) - Các đề án về đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân; chương trình và SGK; phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là những nội dung được bàn luận.
“Trường không vì lợi nhuận nhà nước có thể cho đất, giải phóng mặt bằng, cho vay vốn ngân hàng giá giẻ, cho mượn và hỗ trợ vốn, các nhà hảo tâm hiến tặng, lúc đó phải quy định lại vấn đề lợi nhuận và không vì lợi nhuận như thế nào, HĐQT ra sao, lúc đó sẽ hình thành trường không vì lợi nhuận” PGS. Nhĩ cho hay.
Theo PGS. Nhĩ chúng ta cần phải làm thật rõ những khái niệm này, đặc biệt là khái niệm sở hữu chung không chia là của ai? Hiểu thế nào là sở hữu chung tập thể, của cộng đồng xã hội? Bên cạnh đó làm rõ cấu tạo HĐQT như thế nào, hay như ai là người bầu ra HĐQT, cách bầu như thế nào?
Trước đó, từng trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam về chủ đề này, TS. Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho hay, việc chuyển các trường sang mô hình không vì lợi nhuận trong điều kiện hiện nay là rất khó, bởi có nhiều vướng mắc.
Thứ nhất, theo quy định hiện nay, mỗi trường đại học tối thiểu phải do 3 cổ đông góp vốn (Điều 7, Quyết định 61/2009/QĐ-TTg, Điều 1 Quyết định 63/2011/QĐ-TTg). Để Quỹ có thể thành lập trường ĐH với một cổ đông duy nhất, Chính phủ phải bỏ đi quy định này trong Quy chế đại học tư thục, hoặc sẽ “lách luật” bằng cách thành lập ra 3 tổ chức khác và 3 tổ chức này góp vốn thành lập trường.
Cũng theo quy định hiện nay, mỗi trường đại học để được thành lập cần có vốn 250 tỷ đồng không kể đất đai (Điều 3 Quyết định 64/2013/QĐ-TTg). Để trường không vì lợi nhuận sớm hoạt động, vấn đề này Chính phủ cho phép hoạt động với số vốn 5 năm đầu có thể theo định mức đầu tư 100 triệu đồng/sinh viên và sẽ tăng vốn theo tiến độ tăng sinh viên.
Một trở ngại nữa hiện nay là quy định đến 2015 không thành lập trường đại học mới, từ 2016 đến 2020 chỉ thành lập trường thay thế các trường bị sáp nhật, giải thể (Khoản 5, Điều 3 Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg).
TS. Tùng cũng đề nghị Chính phủ bỏ đi rào cản này. Cuối cùng, để thuận lợi cho trường hoạt động, không tốn nguồn lực cho các hoạt động không mang lại giá trị gia tăng cho trường, đề nghị cho trường được làm những gì mà luật pháp không cấm và được tự chủ tối đa trong hoạt động.
Rút ra bài học từ trường hợp của Trường Đại học Hoa Sen, PGS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng để xảy ra những sự việc như vừa qua là do văn bản, những quy chế chưa rõ ràng về lợi nhuận hay không vì lợi nhuận. Chính vì vậy ngay trong trường cũng đã có một bên nói trường theo lợi nhuận và bên nói không vì lợi nhuận. PGS. Trần Xuân Nhĩ cũng cảnh báo, nếu các văn bản đang được xây dựng còn chưa làm rõ thì tình trạng này sẽ còn kéo dài.