ĐH Mở Hà Nội: SV Công nghệ kỹ thuật điện tử-viễn thông có cơ hội việc làm cao

10/07/2024 06:23
Ngọc Huệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông lấy ý kiến đơn vị sử dụng lao động để cung - cầu gặp nhau, giúp sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm nhưng hiện mới đáp ứng được 40-50%. [1]

Sinh viên mới ra trường có thể nhận 10-12 triệu đồng/tháng

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Như Nhất - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ dịch vụ BCVN cho biết, với những sinh viên mới tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, để có công việc với mức lương từ 10-12 triệu đồng/tháng, cần phải có các kỹ năng tối thiểu như: khả năng đọc và hiểu tiếng Anh kỹ thuật chuyên ngành; thành thạo tin học văn phòng; kỹ năng tổ chức thực hiện và giám sát công việc; kỹ năng báo cáo, phân tích, tổng hợp; kỹ năng làm việc nhóm.

Được biết, anh Phó Anh Đức - cựu sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, Trường Đại học Mở Hà Nội hiện đang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Samsung R&D.

Chia sẻ với phóng viên, anh Đức cho biết, kiến thức của ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông mà anh học được ở Trường Đại học Mở Hà Nội tạo cho anh nền tảng tốt để nghiên cứu sâu hơn vào các chuyên môn cụ thể trong công việc.

"Lĩnh vực công nghệ thay đổi nhanh và liên tục nên đòi hỏi người làm công nghệ phải biết linh hoạt, đổi mới, nhất là phải có khả năng tự học tốt. Theo tôi, nếu ở trường, sinh viên nắm chắc kiến thức của ngành thì việc tiếp thu kiến thức mới khi đi làm sẽ rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, khi làm trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, khả năng sử dụng tiếng Anh là không thể thiếu", anh Đức chia sẻ.

Thầy và trò ĐTVT với các sản phẩm của ĐATN.JPG
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông Trường Đại học Mở Hà Nội cùng giảng viên thảo luận về đồ án tốt nghiệp. (Ảnh: NTCC)

Còn anh Nguyễn Văn Chung - cựu sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông Trường Đại học Mở Hà Nội đang làm việc tại Công ty TNHH Samsung SDI Việt Nam cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Chung đã vận dụng hiệu quả kiến thức được học vào trong quá trình làm việc ở lĩnh vực công nghệ.

Phương pháp học tập mà anh Chung cho rằng sinh viên cần trang bị để học tốt ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông là phải có định hướng và hình thành tư duy công việc liên quan đến kiến thức ngay từ khi học ở trường; nắm vững kiến thức các môn học, liên kết giữa lý thuyết, bài giảng, thực hành với thực tế, mở rộng kiến thức chuyên môn.

Ngoài ra, sinh viên cần áp dụng các bước xử lý trong công việc từ nhận diện vấn đề, đánh giá phân tích vấn đề, đưa ra phương pháp vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề, đánh giá kết quả và nội dung cần cải tiến,...

SV ĐTVT tham quan trải nghiệm tại BVCN.jpg
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông Trường Đại học Mở Hà Nội trong buổi học tập trải nghiệm tại Công ty TNHH Công nghệ dịch vụ BCVN. (Ảnh: NTCC)

Em Huỳnh Thị Phương Thảo - sinh viên năm hai ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Mở Hà Nội nhận xét kiến thức ngành học này khá khó nhưng may mắn Thảo được Khoa và các thầy cô tạo điều kiện hỗ trợ nhiều trong quá trình học tập.

"Sinh viên của ngành được Khoa tạo điều kiện tham gia vào các dự án thực hành, sử dụng các phần mềm, thiết bị phục vụ bài học, làm nghiên cứu khoa học. Không những vậy, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông còn được tham gia các hoạt động của trường, khoa, câu lạc bộ.

Theo em, ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông của trường là ngành rất đáng để các bạn sinh viên tìm hiểu và theo học. Bởi, sinh viên khi học sẽ được tiếp cận với lĩnh vực công nghệ đầy tiềm năng, bí ẩn, tham gia hoạt động để phát triển bản thân", Thảo cho biết.

Cung - cầu gặp nhau giúp sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp

Hiện nay, Trường Đại học Mở Hà Nội có đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông (thuộc Khoa Điện - Điện tử).

Để rõ hơn về chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông của Trường Đại học Mở Hà Nội, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Khánh Hòa - Phó Trưởng khoa Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ, những năm gần đây, tỷ lệ tuyển sinh ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông của nhà trường ổn định, đạt chỉ tiêu đề ra.

Năm 2024, ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông của trường tuyển 235 chỉ tiêu, trong đó, 200 chỉ tiêu áp dụng cho phương thức xét tuyển sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và 35 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sử dụng điểm thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA).

Thầy Hòa.jpg
Tiến sĩ Đặng Khánh Hòa - Phó Trưởng khoa Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh: NTCC)

"Ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông là ngành kỹ thuật, có tính đặc thù cao nên đòi hỏi sinh viên phải có sự hiểu biết và yêu thích nhất định với nghề, thích khoa học, sáng tạo, chăm chỉ, chịu khó. Những sinh viên không thật sự yêu thích việc nghiên cứu, tìm tòi sẽ khó theo học ngành này", thầy Hòa chia sẻ.

Chỉ ra điểm khác biệt trong chương trình đào tạo của ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông Trường Đại học Mở Hà Nội so với những trường cùng đào tạo ngành này, thầy Hòa cho rằng, chương trình dạy học của ngành được thiết kế theo hướng tiếp cận thực tiễn. Trong quá trình học, sinh viên của ngành được đi tham quan, thực tập, kiến tập trải nghiệm tại các doanh nghiệp để các em tiếp cận với môi trường việc làm lao động kỹ thuật; xin ý kiến đánh giá của doanh nghiệp về các mặt còn thiếu và yếu của sinh viên. Từ đó, cải tiến chương trình dạy học, nâng cao nhận thức của sinh viên về các kỹ năng nghề nghiệp trong tương lai.

Bàn về những đổi mới trong chương trình đào tạo của ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông của Trường Đại học Mở Hà Nội, Tiến sĩ Đỗ Đình Hưng - Tổ trưởng Tổ Bộ môn Điện tử, Khoa Điện - Điện tử nhà trường cho biết, chương trình đào tạo của ngành được thiết kế theo hướng cập nhật các công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết hợp lý thuyết và thực hành, nhà trường với doanh nghiệp và không ngừng sửa đổi, cải tiến theo từng chu kỳ để phù hợp với xu thế, bối cảnh chung của ngành cũng như phù hợp với mọi đối tượng người học.

Theo thầy Hưng, trong quá trình chỉnh sửa chương trình đào tạo lần gần nhất vào năm 2022, Khoa đã nghiên cứu và xây dựng chương trình đào tạo không chỉ dựa trên mục tiêu của giáo dục đại học mà còn phải đảm bảo phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng, chiến lược phát triển của nhà trường, quy định mở ngành và xây dựng, đánh giá, cập nhật chương trình đào tạo của nhà trường, quy định về việc ban hành cơ cấu khung chương trình đào tạo và quy trình thực hiện phát triển chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, Khoa lắng nghe những ý kiến đóng góp của các bên liên quan như doanh nghiệp sử dụng lao động, cựu sinh viên, chuyên gia, giảng viên; tham khảo các trường đại học trong nước và quốc tế. Trong đó, ngành đặc biệt coi trọng ý kiến của các doanh nghiệp - đơn vị sử dụng lao động để cải tiến chương trình, cung - cầu gặp nhau, giúp sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

SV ĐTVT đi kiến tập tại Công ty giải pháp công nghệ DZS.jpg
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông Trường Đại học Mở Hà Nội trong buổi kiến tập tại doanh nghiệp. (Ảnh: NTCC)

Chia sẻ thêm với phóng viên, thầy Hòa cho hay, có thể kể đến một số thành tích nổi bật của sinh viên, giảng viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, Trường Đại học Mở Hà Nội như: nhiều cựu sinh viên của ngành hiện đang nắm giữ các chức vụ quan trọng trong các doanh nghiệp và tập đoàn lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) hay các doanh nghiệp như SamSung, Canon,...

Bên cạnh việc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, hàng năm, các giảng viên có số lượng bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus được xuất bản cũng rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo thầy Hòa, cũng như nhiều cơ sở giáo dục đào tạo khác, Khoa Điện - Điện tử của nhà trường cũng gặp khó khăn trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học đối với ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông.

Cụ thể, các khó khăn này đến từ việc trang thiết bị thực hành thực tập của sinh viên chưa thật sự hiện đại, tiên tiến. Sinh viên chưa có nhiều đam mê với nghiên cứu khoa học, sáng tạo; các doanh nghiệp nhận sinh viên thực tập, kiến tập với số lượng theo từng nhóm nhỏ nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ đào tạo chung của Khoa và thời gian biểu của sinh viên khi được sắp xếp tham quan kiến tập, thực tập trải nghiệm tại doanh nghiệp.

Theo đánh giá của thầy Hòa, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông có cơ hội việc làm cao. Dưới đây là một số vị trí việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông:

- Các công ty công nghệ, viễn thông, truyền thông đa phương tiện, công ty sản xuất, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện tử, các nhà cung cấp dịch vụ mạng, các công ty kinh doanh các dịch vụ điện tử, viễn thông như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) ; Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC); Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (trung tâm quản lý, bay, các cảng hàng không, sân bay); bệnh viện (phòng kỹ thuật), ngân hàng (trung tâm thẻ, trung tâm công nghệ thông tin).

- Phòng kỹ thuật các đài phát thanh/truyền hình (VOV, VTV, VTC), các phòng chức năng (bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử) trực thuộc sở thông tin và truyền thông, bưu điện ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

- Các công ty sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin: Nhà máy Samsung, Nokia, Intel...

- Các công ty sản xuất phần mềm: FPT, Vinagame, CMC...

- Các đơn vị, cơ quan hành chính sự nghiệp có yêu cầu chuyên môn về điện tử, máy tính và viễn thông: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ...

- Các tổ chức giáo dục và đào tạo: đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp.

- Các viện, trung tâm nghiên cứu của các bộ, ngành.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://cand.com.vn/Thi-truong/tang-toc-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-nganh-cong-nghiep-ban-dan-i720289/

Ngọc Huệ