Tết đã dần khép lại nhường chỗ cho những hoạt động học tập, sinh hoạt đời thường. Nếu như người lớn hoà nhập vào nhịp sống khá nhanh thì môi trường giáo dục lại phải đối mặt với khá nhiều khó khăn mà chủ yếu đến từ phía học sinh khiến cho những nội quy, nề nếp trường lớp được xây dựng trước đó bị xáo trộn khá nhiều.
Giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học sau Tết là trách nhiệm của gia đình và nhà trường. (Ảnh minh hoạ: Baoquangnam.vn) |
Học sinh bỏ học sau Tết
Chuyện học sinh bỏ học sau Tết không còn là hiện tượng cá biệt ở một trường học nào đó mà thường xảy ra ở không ít trường học. Đây là nỗi lo, sự trăn trở của nhiều thầy cô giáo.
Qua thực tế cho thấy, những em bỏ học chủ yếu là những học sinh có thói quen chơi bời lêu lổng trước đó. Đã có không ít lần những học sinh này, đòi bỏ học mà thầy cô phải luôn theo sát vận động, rồi động viên thường xuyên.
Phần lớn các em có ba mẹ đi làm ăn xa, ở nhà với nội hoặc ngoại, thiếu vắng sự quan tâm, sâu sát của phụ huynh nên các em thường tụ tập chơi bời với một số học sinh đã bỏ học trước đó.
Thời gian nghỉ Tết, các em càng được tự do vui chơi vì tâm lý của một số phụ huynh “Tết mà…”; “Tết cho chúng thoải mái một chút rồi nắn lại…” nên khi trở lại trường những học sinh này thường có tâm lý chán nản, ngại học và thường chọn giải pháp nghỉ học luôn. Số khác lại theo anh chị hoặc người quen thân đi làm ăn xa để được tự do thoải mái.
Nhiễm một số thói quen không tốt
Chỉ sau mấy ngày Tết, có em đã kịp nhiễm một số thói xấu như nói tục chửi thề, lập nhóm để cà khịa bạn chứng tỏ bản lĩnh, hút thuốc, uống rượu bia, nghiện game…
Một số đồng nghiệp dạy bậc trung học cho biết, có những học sinh đang trong giờ học xin đi vệ sinh nhưng ra ngoài hút thuốc lá.
Có em lại tập tành hút thuốc điện tử, hút sisa. Khi được hỏi đã cho biết được anh này, chị kia cho dùng thử nên quen.
Có em lại vùi đầu vào chơi game, các trò chơi điện tử vì những ngày nghỉ Tết luôn được ba mẹ "giải phóng" cho chơi thành quen.
Một số học sinh khác, sau giờ học, một số em lại rủ nhau ra quán nhậu nhẹt rượu bia chẳng khác gì người lớn.
Được biết mấy ngày Tết cha mẹ không ngăn cấm, có người còn khuyến khích các con uống tí cho vui, uống tí cho hồng đôi má và thử riết thành quen lúc nào không hay.
Những hình ảnh vẫn thường thấy sau một kỳ nghỉ Tết dài
Học sinh bậc tiểu học ít bỏ học sau Tết hơn học sinh trung học nhưng nhiều hình ảnh giáo viên thường xuyên bắt gặp trong những ngày đầu trở lại trường sau Tết cũng đã làm các thầy cô giáo khá mệt mỏi để uốn nắn vào nền nếp.
Ngày đầu trở lại trường, không khó bắt gặp cảnh nhiều học sinh tới trường khá muộn giờ. Có em ngồi trong lớp mắt còn đỏ hoe vì ngái ngủ, em lại ngáp ngắn ngáp dài, em không mang đủ sách vở, bút thước. Em đã không còn nhớ cả những kiến thức cơ bản mới học, có những em lớp 1, lớp 2 vừa đi vừa khóc, ra sức níu giữ ba mẹ vì không chịu vào lớp, thậm chí một số học sinh còn vắng học suốt cả tuần.
Lý do mà phụ huynh đưa ra là do các con quen thức khuya nên nay dậy sớm khó khăn vì chưa quen. Do nghỉ học khá dài lại chủ yếu vui chơi nên một số học sinh lớp nhỏ chán học mà thích ở nhà hơn.
Nội quy trường lớp luôn phải được đảm bảo, vì thế cứ sau một kỳ nghỉ dài, các thầy cô giáo lại phải xốc lại tinh thần cho học sinh để đưa các em trở lại nền nếp học tập bình thường.
Phụ huynh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp học sinh hoà nhập nhanh chóng vào môi trường học tập sau những ngày nghỉ Tết.
Một số giải pháp giúp học sinh nhanh chóng hoà nhập với môi trường học tập sau Tết
Thứ nhất, cha mẹ cần để ý đến các mối quan hệ của con. Dù là ngày Tết cũng không nên để các em giao du thoải mái với nhiều nhóm bạn không tốt và đi chơi đến khi nào thích về cũng được. Lứa tuổi học sinh trung học còn hay bắt chước, bốc đồng và thích thể hiện. Chỉ cần bạn không tốt kích đểu, có em đã nổi máu “anh hùng’ thể hiện ngay.
Thứ hai, chấn chỉnh, khuyên răn kịp thời khi phát hiện những biểu hiện bất thường từ con. Không cho con giữ một khoản tiền lớn dù đó là tiền lì xì của con.
Thứ ba, dù chưa đi học trở lại nhưng không nên để học sinh thức khuya, đặc biệt những ngày sau Tết, ba mẹ yêu cầu các con đi ngủ đúng giờ và thức dậy như đi học bình thường để vệ sinh cá nhân, ăn sáng và ngồi vào bàn học để ôn bài.
Thứ tư, học sinh lớn chỉ cần nhắc nhở các con soạn bài, soạn sách vở vào buổi tối trước khi đến trường nhưng học sinh tiểu học rất cần sự kiểm tra của bố mẹ. Trong thực tế, khá nhiều em quên bút, thước, sách, vở ảnh hưởng không tốt đến chất lượng ngày học của các em.
Thứ năm, với học sinh lớp 1, lớp 2 gần đến ngày đi học, ba mẹ cần nói chuyện với con để các bé chuẩn bị tinh thần. Tránh tình trạng sáng hôm đó, ba mẹ cầm roi, la hét còn người con mếu máo, khóc lóc van xin, ghì tay chân ba mẹ để không phải đi đến trường. Cho dù sau đó, các em có ngồi lại học tập thì cũng chẳng thể tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả.
Thứ sáu, đồng hành cùng phụ huynh, các thầy cô giáo sẽ luôn giữ mối liên hệ trên nhóm Zalo của lớp để cùng nhắc nhở về kế hoạch tựu trường, về nội quy trường lớp và nội dung học tập sau kỳ nghỉ Tết.
Thứ bảy, sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường, thầy cô cần có những hoạt động vui tươi đầu xuân để học sinh được tham gia, xốc lại tinh thần cho các em, tạo ra tâm thế tốt nhất giúp các em ổn định nhanh việc học tập và sinh hoạt sau Tết.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.