Điểm trường chưa có điện, GVMN vượt gần 23km để soạn giáo án cho cả tuần

25/04/2023 06:42
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đến nay, điểm trường MN Nậm Vản vẫn chưa có điện lưới quốc gia khiến cho việc giảng dạy và sinh hoạt của thầy, trò nơi đây vốn đã thiếu thốn nay lại càng chật vật.

Nhiều điểm trường quá xa nhau, thầy cô khó giúp đỡ nhau về chuyên môn

Ở Trường Mầm non xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), vào mỗi ngày thứ 7 hàng tuần, cô Hà Thị Châm - Hiệu trưởng nhà trường cùng các thầy cô giáo lại tất bật dọn vệ sinh trường lớp để chuẩn bị cho tuần học mới.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cô giáo Hà Thị Châm cho biết: Trường Mầm non xã Nậm Ban được chia tách từ Trường Phổ thông cơ sở xã Nậm Ban, thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8/2008. Trường thuộc xã sát biên giới của tỉnh nên thầy cô nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, vất vả trong công tác duy trì lớp và giảng dạy.

Trường Mầm non xã Nậm Ban hiện có 7 điểm trường, phân bố tại vị trí trung tâm các bản của xã: Điểm trường trung tâm, điểm trường Pa Pảng, điểm trường Nậm Chẻ, điểm trường Hua Pảng, điểm trường Nậm Vản, điểm trường Nậm Vạc 1, điểm trường Nậm Vạc 2.

Cổng Trường Mầm non xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Cổng Trường Mầm non xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Nhớ lại thời gian đầu về nhận công tác, cô Châm cùng các thầy cô trong trường phải đối mặt với nhiều khó khăn như cơ sở vật chất thiếu thốn, sơ sài, đường đi lại không thuận lợi. Để đến được trường, thầy cô phải đi bộ 17km đường đèo, mùa hè thì bụi bẩn, mưa xuống lại lầy lội, trơn trượt.

Ngày đầu thành lập nhà trường có 12 thầy cô bao gồm cả cán bộ quản lý và giáo viên. Những căn phòng học tạm được thầy cô và phụ huynh tự dựng bằng tre, nứa, mái lợp từ lá, cỏ tranh. Lớp học tạm khi ấy vừa để học, vừa để họp và cũng là nơi để các thầy cô làm việc, ngủ nghỉ.

Đến nay nhờ sự quan tâm của nhà nước, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng công tác xã hội hóa, Trường Mầm non xã Nậm Ban đã xây dựng được 15 phòng học, trong đó có 11 phòng kiên cố, 2 phòng bán kiên cố, còn 2 phòng lắp ghép được nhà trường đầu tư bằng nguồn xã hội hóa.

Trường hiện có 251 trẻ (trong đó 61,4% là dân tộc H’Mông, 27,9% là dân tộc Mảng, 5,9% là dân tộc Hà Nhì, còn lại là dân tộc khác). Đến nay, trường đã có 19 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, trong đó có 14 thầy cô trực tiếp giảng dạy cho 13 lớp.

Cô Hà Thị Châm cho biết: “Theo quy định, biên chế số lượng giáo viên hiện tại của trường vẫn còn thiếu, nhà trường đã cố gắng sắp xếp mỗi lớp có 1 thầy cô giảng dạy để đảm bảo chất lượng cho các em học sinh. Ngoài ra, trường cũng thực hiện ghép lớp để đảm bảo 100% trẻ được đến trường đầy đủ.

Cũng theo cô Châm, giáo viên tại trường còn gặp nhiều bất cập ở việc trao đổi thông tin trong quá trình giảng dạy, có điểm trường cách nhau 40km khiến thầy cô rất khó để liên lạc, giúp đỡ nhau.

Khuôn viên Trường Mầm non xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Khuôn viên Trường Mầm non xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Theo chia sẻ từ cô hiệu trưởng, trẻ đến trường được nhận hỗ trợ từ Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ về quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người; Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Đặc biệt Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị Quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 quy định mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em từ 24 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, phần lớn các phụ huynh đều là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình vô cùng thiếu thốn, việc chăm sóc và đảm bảo đồ dùng học tập cho con em vẫn còn nhiều khó khăn, tại một số điểm trường, học sinh vẫn nghỉ học nhiều do đường sá đi lại vất vả, xa xôi.

Để đảm bảo vấn đề chuyên cần, nhà trường đã thực hiện công tác tuyên truyền, động viên gia đình, tham mưu với chính quyền xã cho trẻ đến trường học và ở lại trường từ đầu tuần đến cuối tuần mới về với gia đình (dưới sự quản lý, hỗ trợ chăm sóc từ thầy cô). Được biết, hầu hết thầy cô ở điểm trường bản sẽ ở tại trường, cuối tuần về điểm trường trung tâm để họp và mua thực phẩm.

Nhờ tình yêu nghề và tận tâm với học sinh vùng cao của thầy, cô giáo nên học sinh mầm non tại các điểm trường của xã Nậm Ban luôn đảm bảo học 2 buổi/ngày, 2 bữa ăn/ngày theo đúng chế độ.

Tuy đã có sự thay đổi tích cực về công tác giảng dạy và cơ sở vật chất song vấn đề khiến cô Hà Thị Châm trăn trở nhất là khu vực bếp ăn của các điểm trường vẫn là lán dựng tạm, ọp ẹp, xập xệ, bao quanh là lớp tôn cũ. Vào những ngày mưa gió hay nắng gắt công việc nấu nướng của các thầy, cô giáo càng thêm vất vả, khó khăn.

Đặc biệt, các phòng chức năng (Tin học, Âm nhạc,..), phòng làm việc của lãnh đạo nhà trường và các thầy cô tại điểm trường trung tâm vẫn chưa được xây dựng để phục vụ cho công tác quản lý giáo dục.

Khu vực bếp của Trường mầm non xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Khu vực bếp của Trường mầm non xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Chật vật trong công tác soạn giảng vì chưa có điện

Kết thúc một tuần học trên điểm trường Nậm Vản (xã Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), thầy Mùa A Câu lại vượt gần 23km xuống trung tâm xã, về điểm trường chính để soạn bài cho cả tuần, tranh thủ sạc pin máy tính, điện thoại, ghé qua chợ mua đồ ăn cho học sinh. Thầy cũng vốn quen với công việc này từ lâu.

Năm 2012, thầy Câu được phân công giảng dạy tại điểm trường Nậm Vản, đến nay thầy đã gắn bó với các trẻ mầm non nơi đây hơn 10 năm. Thầy Mùa A Câu vốn tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, tuy nhiên thời điểm thầy ra trường do thiếu hụt nguồn lực giáo viên mầm non nên được cấp trên giao nhiệm vụ đứng lớp bậc học này.

Được biết, điểm trường Nậm Vản là điểm trường khó khăn nhất của Trường Mầm non xã Nậm Ban, không chỉ là điểm trường xa trung tâm, đường đi lại vất vả mà ở đây còn chưa có điện lưới quốc gia khiến cho việc giảng dạy và sinh hoạt của thầy, trò vốn đã thiếu thốn nay lại càng chật vật.

Thầy Mùa A Câu chia sẻ: “Không có điện nên tôi gặp nhiều khó khăn trong công tác soạn giảng, trình chiếu powerpoint, hay tổ chức hoạt động trong giao lưu âm nhạc. Nếu cần in các bảng biểu, tranh ảnh cho học sinh, tối đến tôi lại tranh thủ đi xe xuống trung tâm để in cho kịp”.

Công việc giảng dạy, học tập ngày nay chủ yếu sử dụng máy tính, các thiết bị công nghệ hiện đại nhưng cả thầy và trò ở đây vẫn làm bạn với ngọn nến và đèn dầu. Các trẻ tại điểm trường Nậm Vản tuyệt nhiên không có cơ hội được tiếp xúc với tiếng nhạc phát ra từ đài, hình ảnh sắc nét từ màn hình tivi mà chỉ quanh quẩn với chiếc chòi, xích đu, cây cầu khỉ mà thầy Câu cùng phụ huynh tự làm.

Điểm trường Nậm Vản hiện đang có 38 trẻ từ 2 đến 5 tuổi theo học. 100% phụ huynh là người dân tộc thiểu số, sống phụ thuộc hoàn toàn vào nghề nông, bận làm ăn nên bố mẹ không đưa đón, trẻ đều tự đi theo đường mòn tới lớp. Tuy nhiên có 3 trẻ do nhà cách trường hơn 10km nên thầy Câu nuôi, chăm sóc các em trong cả tuần học đến cuối tuần mới đưa các em về nhà.

Các bữa ăn của học sinh nơi đây được thầy Mùa A Câu chăm chút từ khâu đi chợ đến nấu nướng, đặc biệt là việc bảo quản đồ ăn đồ ăn do không có điện, khiến thầy càng vất vả. Thầy vẫn đùa bản thân như người anh nuôi của tiểu đoàn 38 đồng chí nhí, nên đôi khi nhìn thấy học sinh chịu cảnh thiếu thốn, thầy rất thương các em.

Thầy Câu nói thêm: “Không có điện nên dù cố gắng đến mấy cũng không có nhiều đồ ăn tươi cho các em. Tôi thường dậy sớm mua thịt về rồi tranh thủ nấu chín, cất cẩn thận, rau củ tôi lựa chọn chủ yếu là bí và bắp cải để giữ được đến cuối tuần”.

Hàng ngày thầy Câu nuôi dạy chăm sóc, nấu ăn cho các em học sinh ở lớp học ghép của mình. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Hàng ngày thầy Câu nuôi dạy chăm sóc, nấu ăn cho các em học sinh ở lớp học ghép của mình. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Gắn bó với điểm trường đã lâu, điều khiến thầy Mùa A Câu lấy làm động lực để bám trụ với nghề là nhìn thấy các học sinh của mình trưởng thành. Thầy kể, nhiều trẻ được thầy dạy cách đây hơn 10 năm, nay đã học lên cấp 3. Nhìn các em được đến trường, học tập đầy đủ khiến thầy Câu vô cùng tự hào. Với thầy, điều giá trị nhất của nghề giáo là được đồng hành với các em trong một giai đoạn nhất định để làm tiền đề cho học sinh tiến xa hơn.

Sẽ tiếp tục cống hiến cho giáo dục nơi đây, thầy Câu bày tỏ mong muốn, các cấp lãnh đạo quan tâm và đầu tư nhiều hơn đến cơ sở vật chất của các điểm trường mầm non, đặc biệt là khu vực bếp tạm, có nhiều chế độ chính sách ưu đãi cho giáo viên mầm non công tác ở vùng dân tộc thiểu số và quan tâm hơn đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Phương Nga