Điện Biên: Còn gặp nhiều thách thức trong chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục

10/10/2022 11:08
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyển đổi số vừa là khó khăn thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội cho ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên chuyển mình.

Chuyển đổi số đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực. Một trong những lĩnh vực đang chịu tác động, cần chuyển đổi mạnh mẽ là lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Là một tỉnh miền núi còn khó khăn nhưng ngành giáo dục Điện Biên xác định, chuyển đổi số là cơ hội đối với sự phát triển giáo dục. Năm 2022 là năm đầu tiên ngày chuyển đổi số quốc gia được tổ chức, nhân dịp này phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên về quá trình chuyển đổi số trong giáo dục ở tỉnh này.

Phóng viên: Là một tỉnh còn khó khăn, trong những năm qua, việc chuyển đổi số ở ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên những năm qua đã diễn ra như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đoạt: Chuyển đổi số trong giáo dục thực chất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá một cách tổng thể, đồng bộ từ các cấp quản lý đến các nhà trường, giáo viên, học sinh, sinh viên. Trên thực tế, không phải đến bây giờ ngành Giáo dục Điện Biên mới đẩy mạnh thực hiện việc này mà đã triển khai từ nhiều năm trước đó.

Ngay từ những năm 2008, ngành Giáo dục đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học trong phạm vi toàn ngành như triển khai phần mềm quản lý văn bản, phổ cập giáo dục xoá mù chữ, quản lý học sinh, xây dựng website ngành Giáo dục, đẩy mạnh hệ thống email công vụ tên miền @dienbien.edu.vn…

Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên. Ảnh: LC

Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên. Ảnh: LC

Ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và sau đó là Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, ngành Giáo dục đã xác định Chuyển đổi số là nhiệm vụ cấp thiết cần phải được ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá trong toàn ngành.

Ngành Giáo dục đã sớm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2025 với những mục tiêu cụ thể và đề ra các nhiệm vụ cụ thể từng bước thực hiện mục tiêu đó.

Chúng tôi xác định, để thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số, trước tiên cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; học sinh, sinh viên, học viên trong toàn ngành về chuyển đổi số và chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo như Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Giáo dục; Thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số và Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số ngành Giáo dục.

Căn cứ theo chỉ đạo, định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh để Ban hành Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Giáo dục để hướng dẫn, định hướng các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường trong toàn tỉnh triển khai thực hiện đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, ngành cũng tích cực đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp dạy học trong toàn ngành, tăng cường các hình thức dạy học hiện đại như steam, stream, elearning, dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên và cả học sinh toàn ngành có điều kiện tiếp cận tri thức mới, công nghệ hiện đại, phương pháp dạy học tiên tiến để áp dụng trong toàn ngành.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục ở Điện Biên được triển khai. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục ở Điện Biên được triển khai. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên

Đâu là những thách thức trong chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục đào tạo ở một tỉnh còn khó khăn như Điện Biên?

Ông Nguyễn Văn Đoạt: Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, ngay từ khi bắt đầu chúng tôi đã xác định đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng do đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin của người dân, học sinh, sinh viên và ngay cả cán bộ giáo viên trong ngành còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin còn thiếu, nhiều địa bàn chưa có điện, tốc độ mạng internet nói chung còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở các điểm trường, điểm bản vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Không ít cán bộ giáo viên, bao gồm cả một số cán bộ quản lý các đơn vị chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số, ngại thay đổi, ngại tiếp cận, làm quen cái mới, trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế, điều kiện tiếp cận, làm quen với các phương pháp dạy học mới còn nhiều khó khăn.

Hơn nữa, chỉ số ít học sinh ở các vùng thuận lợi được tiếp cận thường xuyên với máy tính, còn lại hầu hết ít được thường xuyên tiếp cận, tìm hiểu về công nghệ thông tin do hoàn cảnh khó khăn, không có điện, không có mạng internet, không có tivi cũng như điện thoại thông minh.

Việc tập huấn kỹ năng khai thác internet cho các giáo viên sử dụng internet, kỹ năng xử lý sự cố máy tính, kỹ năng phòng chống nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin…đã được diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Đoạt: Ngay từ những năm 2009, 2010, ngành Giáo dục đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao trình độ về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành như tổ chức các lớp tập huấn về sử dụng internet, thư điện tử, kỹ năng thiết kế trình chiếu, bài giảng điện tử, kỹ năng sử dụng các phần mềm thiết kế bài giảng, kỹ năng xử lý sự cố máy tính…

Thường niên tổ chức các cuộc thi về ứng dụng công nghệ thông tin như thiết kế bài giảng điện tử elearning nhằm môi trường giao lưu học hỏi và động lực cho cán bộ, giáo viên trong toàn ngành và đạt được kết quả ngoài mong đợi; trong nhiều năm liền, tỉnh Điện Biên có cán bộ giáo viên tham gia các cuộc thi cấp quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin và đạt giải cao.

Chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường hàng năm căn cứ tình hình thực tế tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên tại đơn vị, giảng viên là cán bộ cốt cán cấp tỉnh, cấp huyện và các chuyên gia chuyên ngành được mời tham gia.

Ngành cũng đã triển khai thành công hệ thống phần mềm bồi dưỡng cán bộ, giáo viên trực tuyến LMS trong phạm vi toàn tỉnh; luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên tự nghiên cứu, bồi dưỡng, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trình độ ứng dụng công nghệ thông tin để áp dụng trong công việc, công tác.

Đến nay, toàn tỉnh có 86% cán bộ giáo viên có chứng chỉ tin học cơ bản trở lên, thành thạo việc soạn giáo án điện tử bằng các phần mềm hỗ trợ, soạn giảng bài trình chiếu PowerPoit; khai thác tốt internet trong việc tìm kiếm tài liệu, tư liệu phục vụ nhu cầu chuyên môn nghiệp vụ. Hơn 80% cán bộ giáo viên có kỹ năng thiết kế bài giảng điện tử elearning, các phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến, sử dụng thành thạo thư điện tử công vụ trao đổi công việc chuyên môn.

Đối với những khu vực miền núi hay vùng sâu, vùng xa của tỉnh, hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ thông tin chưa được đảm bảo đã ảnh hưởng đến việc chuyển đổi số trong giáo dục ở Điện Biên như thế nào? Giải pháp để khắc phục vấn đề này ở Điện Biên ra sao?

Ông Nguyễn Văn Đoạt: Đây là khó khăn rất lớn không chỉ ở tỉnh Điện Biên mà còn ở nhiều tỉnh có hoàn cảnh kinh tế xã hội còn khó khăn.

Hiện nay, 100% các trường trung học phổ thông và hầu hết các trường trung học cơ sở đã được trang bị máy tính phục vụ công tác quản lý và phòng máy tính, phòng học có máy chiếu phục vụ công tác dạy học. Đối với cấp tiểu học và mầm non, số lượng máy tính được trang bị cho công tác dạy học còn khá hạn chế. Nhiều máy tính cũng đã hết niên hạn sử dụng, cấu hình thấp, hỏng do được trang bị đã lâu.

Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai thực hiện các nội dung chuyển đổi số của ngành. Nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, ngành Giáo dục Điện Biên đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh phải tạm dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến và mốt số hình thức dạy học khác.

Khi đó, nhiều giáo viên chưa có điều kiện tự trang bị máy tính để dạy trực tuyến, phần lớn học sinh không có thiết bị thông minh như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh để học trực tuyến.

Ngành Giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ cho cán bộ giáo viên và học sinh toàn ngành. Chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến, phướng án hỗ trợ giáo viên có thiết bị dạy học, học sinh có cơ hội tham gia học trực tuyến.

Tổ chức phát động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quyên góp, ủng hộ bằng tiền và hiện vật; triển khai thực hiện kịp thời chương trình Sóng và máy tính cho em trong toàn tỉnh.

Thực hiện đẩy mạnh xã hội hoá, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư mua sắm bổ sung cơ sở vật chất; vận động, kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn cùng chung tay góp sức với ngành vượt qua khó khăn.

Tính đến nay, ngành Giáo dục đã nhận được 5000 máy tính bảng kèm sim điện thoại hỗ trợ gói cước Data 3G, 4G do Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện liên việt và tập đoàn Viettel tài trợ; 30 tỷ đồng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tài trợ; gần 3 tỷ đồng do cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành quyên góp, ủng hộ.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức khảo sát nhu cầu và phân bổ kịp thời số lượng máy tính bảng kèm sim điện thoại hỗ trợ gói cước Data 3G, 4G được tài trợ; tổ chức đấu thầu mua sắm máy tính bảng cho các em học sinh học tập bằng nguồn kinh phí được tài trợ đảm bảo đúng quy định.

Những cơ hội mà chuyển đổi số trong giáo dục mang lại cho nền giáo dục Điện Biên như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Đoạt: Chuyển đổi số vừa là khó khăn thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội cho ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên chuyển mình. Thông qua chuyển đổi số, chúng tôi sẽ được tiếp cần gần hơn, sớm hơn và thường xuyên hơn với khoa học kỹ thuật hiện đại, với các phương pháp dạy học tiên tiến không chỉ trong nước mà cả trên thế giới.

Hiện nay, ngành Giáo dục Điện Biên đang phấn đấu xây dựng thành công mô hình Hệ sinh thái giáo dục của tỉnh trong đó cơ sở dữ liệu của giáo viên và học sinh là hạt nhân; thực hiện kết nối liên thông cơ sở dữ liệu về giáo dục của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hệ cơ sở dữ liệu khác.

Thông qua các hình thức như học trực tuyến, đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến… việc tiếp cận, làm quen với tri thức mới sẽ không còn khoảng cách, qua đó khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và trình độ chuyên môn của cán bộ giáo viên trong toàn ngành cũng sẽ được nâng cao và tiệm cận với các tỉnh thuận lợi hơn.

Học sinh, sinh viên của tỉnh Điện Biên cũng sẽ được tiếp cận sớm, thường xuyên hơn với khoa học hiện đại và tri thức mới.

Để việc chuyển đổi số thành công, ngành Giáo dục Điện Biên có những kiến nghị nào để khắc phục khó khăn và phát huy những cơ hội mà chuyển đổi số mạng lại?

Ông Nguyễn Văn Đoạt: Trong thời gian tới, ngành Giáo dục rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp, chung sức, đồng lòng của các cơ quan, đoàn thể tỉnh, sự quan tâm hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông, Công nghệ thông tin, sự ủng hộ, đồng lòng, thấu hiểu của người dân đối với ngành trong công cuộc chuyển đổi số.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện, quan tâm cho tỉnh Điện Biên tham gia các chương trình, dự án, đề án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho tỉnh Điện Biên nhằm tạo điện kiện thuận lợi và tốt nhất cho nhu cầu học tập của các em học sinh.

Trân trọng cảm ơn Giám đốc!

Lại Cường