Theo định mức giáo viên mới, thầy cô muốn về hưu trước tuổi sẽ thuận hơn

17/02/2022 06:36
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, nhiều thầy cô giáo lớn tuổi rất muốn được về hưu trước tuổi để dành cơ hội cho lớp trẻ nhưng gặp khó khăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và quy định về vùng để tính định mức giáo viên.

Cụ thể, có tất cả 3 vùng, định mức giáo viên mỗi vùng sẽ dựa trên sĩ số học sinh được quy định của mỗi vùng đó.

Áp dụng định mức giáo viên/sĩ số học sinh sẽ khắc phục tình trạng học sinh một lớp quá đông (ảnh: P.L)

Áp dụng định mức giáo viên/sĩ số học sinh sẽ khắc phục tình trạng học sinh một lớp quá đông (ảnh: P.L)

Ví dụ: Định mức giáo viên tiểu học

Đối với trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày

Trường tiểu học thuộc vùng 1: được bố trí 1,5 giáo viên/25 học sinh.

Trường tiểu học thuộc vùng 2: được bố trí 1,5 giáo viên/30 học sinh.

Trường tiểu học thuộc vùng 3: được bố trí 1,5 giáo viên/35 học sinh.

Hay, định mức giáo viên trung học cơ sở:

Trường trung học cơ sở thuộc vùng 1: được bố trí 1,9 giáo viên/35 học sinh.

Trường trung học cơ sở thuộc vùng 2: được bố trí 1,9 giáo viên/40 học sinh.

Trường trung học cơ sở thuộc vùng 3: được bố trí 1,9 giáo viên/45 học sinh.

Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở và trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí 2,2 giáo viên/35 học sinh.

Thông tư được áp dụng, nơi sẽ thiếu giáo viên, nơi sẽ dôi dư khá nhiều

Những vùng hiện có sĩ số học sinh một lớp quá cao, giáo viên sẽ rất vui mừng vì không còn phải chịu áp lực về sĩ số khi dạy học. Học sinh cũng được hưởng lợi vì lớp ít học sinh, thầy cô giáo sẽ có nhiều thời gian dành cho mình.

Bên cạnh đó, cũng sẽ là cơ hội để nhiều sinh viên sư phạm ra trường có công ăn việc làm do nhu cầu biên chế tăng.

Ngược lại, những vùng không đủ sĩ số học sinh mỗi lớp theo quy định, nhiều thầy cô sợ cảnh sáp nhập lớp, sáp nhập trường học sẽ dôi dư biên chế và hàng loạt giáo viên có nguy cơ mất việc.

Cụ thể, các quận nội thành và thành phố của thành phố trực thuộc Trung ương, các phường của thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (thuộc vùng 3) sẽ thiếu khá nhiều giáo viên.

Ở vùng 3, hiện nay, không ít lớn học đặc biệt là bậc tiểu học sĩ số học sinh mỗi lớp là 50, 60 thậm chí có nơi chạm mốc 70 học sinh.

Thực hiện định mức giáo viên/sĩ số học sinh thì số lượng giáo viên của trường sẽ được biên chế thêm. Lớp học sẽ được giãn ra và học sinh sẽ là người hưởng lợi. Một lớp học 60 thậm chí 70 em thì thầy cô dù có nhiệt tình cũng khó lòng giảng dạy cho tốt.

Ngược lại, các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (thuộc vùng 3) sẽ gặp quá nhiều khó khăn.

Sĩ số học sinh những vùng này dù quy định 25 học sinh/lớp, tuy nhiên trong thực tế, ở những vùng rẻo cao có lớp chỉ trên dưới 10 em.

Nếu không đủ sĩ số học sinh buộc phải dồn ghép trường. Thế nhưng những vùng rẻo cao, điểm trường này tới điểm trường kia đôi khi cũng cách nhau cả ngày đường. Vì thế, việc dồn ghép các điểm trường là điều không thể.

Kiến nghị giải pháp

Không phải vì sợ hàng loạt giáo viên thất nghiệp để phản đối một chính sách có lợi cho nhiều học sinh, giảm áp lực cho nhiều giáo viên để tăng chất lượng dạy và học, giảm bộ máy cồng kềnh, bất hợp lý trong ngành giáo dục.

Bên cạnh đó, áp dụng tính định mức giáo viên dựa trên sĩ số học sinh sẽ giảm được nhiều ngân sách nhà nước, giúp việc tăng thu nhập cho giáo viên trong ngành.

Vấn đề là, cần có thêm quy định để khi tính định mức giáo viên dựa trên sĩ số học sinh sẽ không gây khó cho các cơ sở giáo dục, không gây bất lợi cho việc đi lại học tập của học sinh ở một số vùng đặc biệt khó khăn.

Thứ nhất, điều chỉnh lại định sĩ số học sinh/lớp đối với vùng 1. Vùng 1 thuộc các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Với học sinh tiểu học, trường tiểu học thuộc vùng 1 quy định bố trí 1,5 giáo viên/25 học sinh. Thế nhưng trong thực tế, có những điểm trường một lớp học chỉ khoảng 10 học sinh. Vì thế, nên quy định định mức giáo viên/sĩ số lớp học trong khoảng từ 10 đến 20 học sinh/lớp.

Nếu tính định mức 1,5 giáo viên/25 học sinh sẽ dẫn đến tình trạng giáo viên phải dạy lớp ghép. Và như thế, chưa nói đến việc thầy cô giáo vất vả trong việc giảng dạy, kèm cặp học sinh mà chính học sinh học ở những lớp học ghép sẽ rất thiệt thòi.

Thứ hai, có quy định mở để khuyến khích giáo viên về hưu trước tuổi. Hiện nay, các cơ sở giáo dục đang áp dụng Nghị định 143/2020/NĐ-CP ban hành ngày 10/12/2020 đã sửa đổi bổ sung một số Điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị Định số 113/2018/NĐ-CP.

Giáo viên được quyền về hưu trước tuổi nhưng phải đảm bảo một trong các điều kiện có một năm không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc có vấn đề về sức khỏe.

Cả 2 điều kiện này đều gây khó cho giáo viên. Bởi vì, nhiều thầy cô giáo vẫn còn sức khỏe, công tác giảng dạy luôn đạt tốt nhưng lại muốn được nghỉ ngơi. Nếu bỏ bê công việc để xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng đến nhà trường, đến học sinh.

Để đạt được mục đích, chỉ còn cách xin lãnh đạo nhà trường xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy thế, không phải hiệu trưởng nào cũng đồng ý.

Hoặc phải nhờ cậy các mối quan hệ để có được cái giấy chứng nhận sức khỏe có vấn đề, nhưng điều này lại chẳng hề đơn giản.

Vì thế, nhiều thầy cô giáo rất muốn được về hưu trước tuổi để dành cơ hội cho lớp trẻ nhưng không được.

Nếu quy định này được mở, ai muốn về hưu trước tuổi chỉ cần làm hồ sơ gửi lên là được xem xét. Và, chắc chắn sẽ giải quyết được không ít giáo viên dôi dư do định mức giáo viên/sĩ số học sinh được áp dụng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên