Doanh nghiệp đề xuất Sở GD Hải Phòng tăng thời hạn cấp phép hoạt động

18/02/2023 07:06
TIẾN LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều doanh nghiệp đã đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng xem xét tăng thời hạn cấp phép hoạt động đối với các trung tâm đã hoạt động lâu năm trên địa bàn.

Tại hội nghị đối thoại giữa Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng với hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố diễn ra vào ngày 16/2/2023, nhiều doanh nghiệp đã trao đổi thẳng thắn những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình hoạt động của đơn vị.

Đề xuất tăng thời hạn cấp phép cho các trung tâm

Ông Trần Viết Khương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Nhật ngữ Hanami đánh giá: “Các quy trình tổ chức cấp giấy phép thời gian vừa qua được Phòng Giáo dục thường xuyên làm rất bài bản, khoa học, kịp thời hướng dẫn cho các trung tâm hoạt động nề nếp, đúng luật và chất lượng.

Tuy nhiên, nhiều trung tâm có một số điều thắc mắc về thời hạn cấp phép. Hiện nay, các trung tâm được gia hạn giấy phép 1 năm thì hết hạn.

Tôi đề xuất nếu có thể được đối với các trung tâm mới thành lập thì cấp phép 1 năm để các đồng chí có phấn đấu, thời gian thử thách nhất định.

Còn đối với các trung tâm đã 2, 3 lần gia hạn rồi, thậm chí có những trung tâm đã hoạt động trên 10 năm rồi thì rất bất cập.

Nếu có thể những trung tâm sau khi trải qua đã gia hạn nhiều lần có thể được tăng lên cấp phép 3 năm, 5 năm một lần.

Như trung tâm của tôi đã hoạt động 16 năm nhưng cứ năm nào cũng làm thủ tục cấp phép rất bất cập trong khi vẫn báo cáo thường kỳ rồi”.

Ông Trần Viết Khương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Nhật ngữ Hanami trao đổi tại hội nghị đối thoại (Ảnh: MH)

Ông Trần Viết Khương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Nhật ngữ Hanami trao đổi tại hội nghị đối thoại (Ảnh: MH)

Cũng theo ông Trần Viết Khương, đối với bộ hồ sơ cấp phép, nếu không có sự thay đổi, các trung tâm đề nghị chỉ nộp những tờ trình, danh sách giáo viên. Còn những phần nội dung chương trình không có gì thay đổi thì miễn nộp, hoặc scan nộp online.

Trước những thắc mắc của Trung tâm Nhật ngữ Hami, ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết: “Hiện nay, thành phố Hải Phòng đang thực hiện dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ công bưu chính công ích thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng phương thức online để thực hiện thủ tục của mình. Bộ phận một cửa cũng sẵn sàng hỗ trợ trung tâm việc này.

Vấn đề danh mục hồ sơ thì cần nói cụ thể bỏ cái gì đi, không cần cái gì và cái gì có thể dùng lại?

Vừa rồi chúng tôi rất gắt gao trong việc cấp tài khoản Office cho các trung tâm nhưng theo báo cáo thì các trung tâm sử dụng tài khoản này rất ít, gần như không sử dụng trong khi hệ thống Office này khá ổn, hoàn toàn có thể nộp tờ trình, hồ sơ trực tuyến”.

Ông Trần Viết Khương (Trung tâm Nhật ngữ Hanami bổ sung thêm đề xuất: “Việc hồ sơ cấp phép 1 năm, thực tế 1 năm học rất nhanh đặc biệt là các đơn vị liên kết như chúng tôi.

Một năm chúng tôi chỉ có 9 tháng hoạt động trong các nhà trường, quay đi quay lại, chúng tôi lại phải làm thủ tục cấp phép.

Nếu được cho phép, chúng tôi gia hạn dài hơn chút vì những đơn vị đã tồn tại lâu năm rồi thì chắc chắn phải có uy tín nhất định đối với phụ huynh trên địa bàn thành phố Hải Phòng”.

Ông Khương cho rằng, trở ngại lớn nhất là việc nộp hồ sơ vì nó quá nhiều các chương trình, kế hoạch mà doanh nghiệp phải làm lại.

Nếu được Sở cho phép, doanh nghiệp chỉ nộp tờ trình và danh sách giáo viên, cán bộ, công nhân viên của mình, giấy phép photo của các điều kiện cần. Thực tế chương trình không có sự thay đổi và doanh nghiệp vẫn thực hiện báo cáo thường kỳ.

Trung tâm Nhật ngữ Hanami của ông Khương đã hoạt động được 16 năm, ông Khương đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo nên có những đợt thanh tra nghiêm túc đối với những đơn vị hoạt động nhỏ chưa có giấy phép, quy mô nhỏ trên địa bàn.

“Nếu là trung tâm chưa có giấy phép thì chắc chắn không nằm trong nhóm hướng dẫn của Phòng Giáo dục thường xuyên – Sở Giáo dục và Đào tạo để được cập nhập những văn bản quy định của ngành, những Thông tư, thông báo của ngành nên khá chủ quan trong việc nhận thức về hoạt động của pháp luật.

Từ đó, dẫn đến việc quảng cáo chưa chuẩn mực hoặc có những hoạt động sai pháp luật nên mong Sở có những thanh, kiểm tra thật sự nghiêm túc bởi kiểm tra chủ yếu mang tính chất hướng dẫn để những trung tâm đó hoàn thiện hồ sơ, đi vào hoạt động nề nếp, chuẩn.

Qua đó, tạo môi trường hoạt động cho các trung tâm của thành phố trong sạch và chất lượng, không ảnh hưởng tới những trung tâm đang làm tốt.

Nhiều ý kiến về mức học phí còn thấp

Đại diện một Trung tâm ngoại ngữ trao đổi, hiện nay, môn Ngoại ngữ trong các cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông chỉ có 2 tiết/tuần.

Việc dạy 2 tiết/tuần rất khó đảm bảo chất lượng của những chương trình cơ bản mà các trung tâm mong muốn được đưa vào các nhà trường.

Lý do, trước đây được thực hiện 3 tiết/tuần mà nay giảm xuống 2 tiết rất khó để chạy đủ kịp với chương trình của nhà trường.

Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp (Ảnh: MH)

Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp (Ảnh: MH)

Một điều nữa về mức học phí, các trung tâm mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo ghi nhận những ý kiến đóng góp và tham mưu cho các cấp quản lý để làm sao phù hợp, bởi hiện nay cơ bản những hoạt động liên kết là sự đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh.

Chính vì vậy, ngành giáo dục không thể đánh giá việc thu, chi của các hoạt động này như hoạt động thu, chi trong nhà trường.

Ông Bùi Văn Kiệm giải đáp: “Về vấn đề dạy 2 tiết/tuần, đầu tiên Nghị định 81 khống chế các khoản thu về dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục và đào tạo không được vượt quá mức trần học phí.

Nếu tăng lên 3 tiết/tuần, nhân lên 4 tuần sẽ vượt trần quy định nên mong các doanh nghiệp hết sức chia sẻ do sự thiếu thống nhất giữa thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Nghị định của Chính phủ.

Trong đó, đương nhiên Nghị định của Chính phủ có hiệu lực pháp lý lớn hơn nên chúng ta phải thực hiện theo dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn.

Trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến này và sẽ tổng hợp trong một chu kỳ tổng hợp đánh giá tác động của văn bản pháp luật cụ thể là Nghị quyết 02 để trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét sửa đổi.

Ví dụ, hiện nay một số địa phương định đưa dịch vụ hoạt động hỗ trợ giáo dục như giáo dục STEM vào trong nhà trường thì quay trở lại Nghị quyết 02 không có danh mục này nên các địa phương, các nhà trường muốn tiến hành hoạt động giáo dục STEM buộc phải tìm phương thức khác.

Còn về việc quy định mức thu của các hoạt động liên kết thì quy định pháp luật rất rõ các khoản thu ở trong các cơ sở giáo dục và đào tạo thì những khoản thu như thế này được quy là khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục và đào tạo còn có các khoản chính thức, khoản thu hộ,…theo chúng tôi đánh ra là được quy định khá rõ ràng rồi.

Còn một điểm nữa, Nghị quyết 02 của Hội đồng nhân dân thành phố được ban hành còn hướng tới một mục tiêu là chấn chỉnh và quản lý tình trạng thu – chi trong các cơ sở giáo dục và nó phải có một cái trần, cái khuôn chứ không thể nào tuỳ tiện ở chỗ này”.

TIẾN LINH