Đôi điều góp ý xung quanh đề tham khảo môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp năm 2024

23/03/2024 06:50
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngày 22/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 15 đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, trong đó có môn Ngữ văn.

Về dạng thức câu hỏi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, đề thi được xây dựng theo hướng khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, hạn chế văn mẫu.

Bài viết này phân tích một số điểm mới của đề thi tham khảo môn Ngữ văn và nêu định hướng giúp học sinh lớp 12 ôn tập hiệu quả.

430294788_1148705549660417_5696996951554763789_n.jpg
Đề thi tham khảo môn Ngữ văn. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo.
v 23.jpg
Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 môn Ngữ văn. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đề thi tham khảo môn Ngữ văn năm 2024 có cấu trúc tương tự đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.

Theo đó, phần Đọc hiểu có 4 câu hỏi: câu 1 nhận biết hỏi về thể thơ; câu 2 thông hiểu hỏi về biện pháp tu từ; câu 3, câu 4 vận dụng thấp hỏi về nội dung trong đoạn thơ và rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả được thể hiện trong ngữ liệu.

Câu 1 yêu cầu thí sinh xác định thể thơ của đoạn trích. Đây là một câu hỏi dễ, rất quen thuộc, hầu hết thí sinh đều trả lời được là thể thơ tự do.

Câu 2 yêu cầu thí sinh chỉ ra biện pháp tu từ trong những dòng thơ: bay như chưa biết mình từ nước/ chưa từng hoá cơn mưa/ chưa từng có phút giây cuồng nộ/ vô ưu bay chẳng để ai ngờ.

Câu hỏi này có 2 điểm mới so với đề thi tốt nghiệp năm 2023: 1) Yêu cầu thí sinh chỉ ra biện pháp tu từ trong những dòng thơ chứ không phải nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được cho sẵn; 2) Không hỏi từ ngữ, hình ảnh trong những dòng thơ.

Thí sinh có học lực trung bình không dễ nhận diện được biện pháp tu từ. Câu hỏi này khó hơn so với cách hỏi của đề thi năm 2023 - chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh trong những dòng thơ.

Người viết (giáo viên dạy Ngữ văn bậc trung học phổ thông) băn khoăn 2 điều: 1) Học sinh chỉ ra một hay nhiều biện pháp tu từ; 2) Rất dễ xảy ra tranh cãi khi chấm bài vì quan điểm của giám khảo có thể khác với đáp án.

Người viết đưa ra đáp án về biện pháp tu từ ở câu hỏi này như sau: 1) So sánh (đám mây bay như chưa biết mình từ nước); 2) Điệp ngữ (chưa từng - chưa từng), điệp cấu trúc (chưa từng hoá cơn mưa - chưa từng có phút giây cuồng nộ); 3) Liệt kê (chưa từng hoá cơn mưa, chưa từng có phút giây cuồng nộ); 4) Nhân hoá (mây chưa từng có phút giây cuồng nộ, mây vô ưu bay chẳng để ai ngờ; 5) Ẩn dụ (mây cũng là người).

Nhiều năm qua, trong quá trình ra đề kiểm tra, giáo viên dạy Ngữ văn thường xuyên tranh cãi không hồi kết về câu hỏi liên quan đến biện pháp tu từ vì mỗi thầy cô có một cách hiểu khác nhau.

Tôi thấy rằng, kiến thức về tu từ không phải giáo viên nào cũng vững vì thầy cô không được đào tạo chuyên sâu ở bậc đại học.

Vậy nên tôi đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thay câu hỏi số 2 đề thi tham khảo giống như câu hỏi số 3 đề thi tốt nghiệp năm 2023:

Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong những dòng thơ sau: Mưa ròng ròng như triệu ngón tay/ Lùa vào trong cổ/ Ngỡ như hành quân trở về tuổi nhỏ/ Những giọt mưa nhảy múa trước hiên nhà. (Đi qua cơn giông, Anh Ngọc).

Phần Làm văn có 2 câu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học, mức vận dụng cao. Riêng câu nghị luận xã hội, điểm mới của đề thi tham khảo năm 2024 là câu lệnh không có từ khoá tích hợp "từ ngữ liệu ở phần đọc hiểu".

Cụ thể, câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết một văn bản khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của thái độ sống tích cực trước thử thách.

Còn câu nghị luận xã hội năm 2023 là: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống.

Người viết cho rằng, câu nghị luận xã hội bước đầu đã đi theo hướng mở của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - vấn đề nghị luận không nhất thiết liên quan đến ngữ liệu đọc hiểu trong đề thi.

Câu nghị luận văn học (5 điểm) yêu cầu thí sinh phân tích một đoạn trích cho sẵn trong tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Câu hỏi có thêm một ý phụ, mang tính phân hoá, đó là từ đoạn trích, nhận xét tình cảm của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đối với sông Hương.

Câu hỏi dạng này đã quen thuộc từ nhiều năm qua, thí sinh sẽ không gặp khó khăn khi làm bài vì các em đã được thầy cô dạy kĩ và luyện tập nhiều ở trên lớp.

Từ đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên và học sinh cần lưu ý một số phạm vi kiến thức như sau:

Thứ nhất, phần đọc hiểu, giáo viên cần giúp học sinh hệ thống lại các thể thơ đã được học trong chương trình Ngữ văn lớp 12 hiện hành.

Cùng với đó, thầy cô giáo cần giúp các em luyện tập nhận diện một số biện pháp tu từ quen thuộc như: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, liệt kê, nhân hoá,...

Bên cạnh đó, học sinh cần luyện tập viết đoạn văn ngắn khoảng 3-4 câu tương đương khoảng 5 dòng để luyện tập làm dạng câu hỏi 3, 4 phần Đọc hiểu.

Thứ hai, giáo viên cần cho học sinh luyện tập viết đoạn văn 200 chữ. Học sinh thường mắc một số lỗi như viết đoạn văn thành bài văn thu nhỏ, viết dài dòng lan man.

Hiểu một cách đơn giản là đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản, biểu đạt một nội dung tương đối trọn vẹn, do nhiều câu tạo thành, được bắt đầu bằng chữ viết hoa lùi vào đầu dòng và kết thúc bằng dấu câu dùng để ngắt đoạn.

Thứ ba, giáo viên rèn kĩ năng viết bài văn phân tích một đoạn trích thơ, văn xuôi kết hợp với một lệnh phụ như đề thi tham khảo.

Chương trình Ngữ văn 12 không nhiều tác phẩm, học sinh tránh học tủ, học vẹt, học thuộc lòng và nhất là không nên đoán đề trước mỗi kì thi để chủ động hơn trong việc ôn tập.

Tôi rất mong ban ra đề thi tham khảo môn Ngữ văn công bố cả đáp án (gồm thang điểm) để giáo viên làm cơ sở ôn tập cho học sinh được tốt hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên