Sách giáo khoa Ngữ văn 12 đánh dấu kết thúc việc biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoàn thành chặng đường khởi đầu đầy khó khăn của công cuộc đổi mới dạy học Ngữ văn trong nhà trường. Sách vừa tiếp nối quan điểm biên soạn, cấu trúc sách và cấu trúc bài học của sách giáo khoa các lớp trước, vừa có những nét mới đáp ứng yêu cầu của Chương trình môn Ngữ văn 12 và những điểm nhấn thể hiện cách tiếp cận riêng của nhóm tác giả dành cho sách giáo khoa lớp cuối cấp trung học phổ thông.
Một số định hướng cơ bản xuyên suốt cấp trung học phổ thông
Ngữ văn 12 được biên soạn nhằm phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, đặc biệt là năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học. Các bài học được tổ chức theo mạch các hoạt động đọc, viết, nói và nghe; nội dung của các hoạt động này luôn kết nối chặt chẽ với nhau. Sách có sự cân nhắc cẩn thận khi lựa chọn những khái niệm công cụ để đưa vào phần Tri thức ngữ văn và cách giải thích các khái niệm ấy nhằm giúp học sinh có tri thức nền đủ để đọc hiểu văn bản một cách có cơ sở nhưng không gây quá tải đối với người học.
Các bài học được tổ chức theo hệ thống loại, thể loại văn bản được quy định trong chương trình, trong đó mỗi bài học chú trọng làm nổi rõ một vấn đề hay yếu tố nổi bật của loại, thể loại văn bản. Cách tổ chức đó được triển khai theo một lộ trình nhất quán từ lớp 10 đến lớp 12, giúp học sinh nắm được điểm nhấn của mỗi bài học.
Hệ thống ngữ liệu có tính thẩm mĩ cao, giàu tính nhân văn, gần gũi với thực tiễn cuộc sống và đặc điểm tâm lý của học sinh.
Có những văn bản kế thừa từ chương trình và sách giáo khoa cũ như: Tuyên ngôn Độc lập, Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng), Cảnh khuya (Hồ Chí Minh); Vội vàng (Xuân Diệu); Tây Tiến (Quang Dũng); Xuân Tóc Đỏ cứu quốc (Trích Số đỏ – Vũ Trọng Phụng); Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ)…
Có những văn bản tươi mới, chưa từng được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường như: Nỗi buồn chiến tranh (Trích – Bảo Ninh), Muối của rừng (Trích – Nguyễn Huy Thiệp), Bến trần gian (Trích – Lưu Sơn Minh), Nhân vật quan trọng (Trích Quan thanh tra – Nikolai Gogol), Cẩn thận hão (Trích Thợ cạo thành Xê-vin – Beaumarchais), Bước vào đời (Trích Nhớ nghĩ chiều hôm – Đào Duy Anh)…
Ngay cả những văn bản từng quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh khi được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 12 lần này phần nào cũng mang diện mạo khác do cách giới thiệu, tiếp cận, khám phá văn bản, bám sát yêu cầu cần đạt của mỗi bài học theo tinh thần của sách giáo khoa mới.
Về cấu trúc sách và cấu trúc bài học
Sách giáo khoa Ngữ văn 12 gồm 2 tập. Cuối mỗi tập sách đều có phần ôn tập, vừa giúp học sinh hệ thống hóa những điều đã học, vừa tạo cơ hội cho các em vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào việc giải quyết một bài tập mang tính tổng hợp, trong đó có bài “vận dụng được kiến thức về lịch sử văn học và kĩ năng tra cứu để sắp xếp một số tác phẩm, tác giả lớn theo tiến trình lịch sử văn học; biết đặt tác phẩm trong bối cảnh sáng tác và bối cảnh hiện tại để có đánh giá phù hợp”.
Các bài học trong Ngữ văn 12 có cấu trúc thống nhất: Mạch nội dung chính của mỗi bài được thiết kế dựa vào các hoạt động giao tiếp đọc, viết, nói và nghe; bám sát yêu cầu cần đạt của môn học.
Về đọc, mỗi bài học thường có 3 văn bản đọc hiểu, một số bài có 2 văn bản, đáp ứng định hướng đọc hiểu theo loại, thể loại văn bản. Mỗi bài học còn có một văn bản ở phần Thực hành đọc (đặt ở cuối bài) thuộc cùng loại, thể loại với các văn bản đọc chính để học sinh tự đọc ngoài giờ lên lớp. Bên cạnh những loại, thể loại văn bản đã học như nghị luận, thông tin, văn học (gồm truyện truyền kì, truyện ngắn, thơ trữ tình, hài kịch), Ngữ văn 12 có các văn bản thuộc thể loại văn học mới như: tiểu thuyết, phóng sự, hồi kí. Thực hành tiếng Việt được đặt sau văn bản cuối cùng của phần đọc, sau khi học sinh đã kết thúc hoạt động đọc văn bản.
Về viết, học sinh được tìm hiểu yêu cầu đối với mỗi kiểu bài, phân tích bài viết tham khảo và thực hành viết theo các bước. Bên cạnh những kiểu bài quen thuộc như viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội, viết báo cáo nghiên cứu, Ngữ văn 12 có một số kiểu bài hoàn toàn mới như: viết văn bản nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học; viết báo cáo kết quả của bài tập dự án; viết thư trao đổi về công việc hoặc một vấn đề đáng quan tâm; viết bài phát biểu trong lễ phát động một phong trào hoặc một hoạt động xã hội.
Về nói và nghe, ngoài những nội dung hoạt động đã từng xuất hiện trong các lớp trước như: trình bày/ thuyết trình/ tranh biện về một vấn đề, trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu, Ngữ văn 12 đưa vào một số nội dung mới như: trình bày kết quả so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện; trình bày kết quả so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ; trình bày về việc vay mượn – cải biến – sáng tạo trong một tác phẩm văn học; trình bày kết quả của bài tập dự án.
Cuối mỗi bài đều có phần Củng cố, mở rộng giúp học sinh củng cố một số kiến thức, kĩ năng vừa được học, thực hành và luyện tập với một số bài tập mới.
Các nội dung trong Ngữ văn 12 có tính tích hợp và mở. Nhờ đó, giáo viên có thể linh hoạt trong tổ chức hoạt động dạy học, giúp học sinh phát huy tính tích cực, chủ động trong thực hành rèn luyện phương pháp đọc, viết, nói và nghe. Cấu trúc bài học cũng tạo điều kiện cho giáo viên dạy học phân hóa, phù hợp với nhiều đối tượng học sinh khác nhau. Hệ thống câu hỏi và bài tập đáp ứng tốt yêu cầu đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá của chương trình môn Ngữ văn 2018 và thống nhất với mục tiêu, nội dung, cách thức, phương pháp đánh giá được triển khai từ sách giáo khoa Ngữ văn 10 và Ngữ văn 11.
Ngoài sách giáo khoa chính thuộc nội dung giáo dục bắt buộc, Ngữ văn 12 còn có tài liệu dạy học chuyên đề dành cho những học sinh chọn học chuyên đề Ngữ văn. Theo quy định của chương trình, môn Ngữ văn 12 có 3 chuyên đề: 1. Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học hiện đại; 2. Tìm hiểu về một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ văn học; 3. Tìm hiểu phong cách sáng tác của một trường phái văn học: cổ điển, hiện thực hoặc lãng mạn.
Do tính đặc thù về nội dung, mỗi chuyên đề được tổ chức theo một logic riêng nhưng luôn đảm bảo sự kết hợp hài hoà giữa việc nắm kiến thức lý thuyết và thực hành. Các kiến thức lý thuyết được trình bày tinh gọn, có ví dụ minh hoạ sát hợp, tạo thuận lợi cho việc thực hành của học sinh. Ngoài ra, chuyên đề luôn có những hướng dẫn tỉ mỉ về quy trình thực hiện và các thao tác cần vận dụng để các em có thể tạo ra những sản phẩm phù hợp, theo đúng yêu cầu của chương trình và biết cách báo cáo về kết quả đã làm được.