Đôi điều nói thẳng về việc giáo viên góp ý bản mẫu và lựa chọn sách giáo khoa

26/02/2024 06:42
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Không ít giáo viên từ chối góp ý bản mẫu sách giáo khoa vì thầy cô không có thời gian đọc hết các bộ sách trong thời gian ngắn.

Vào thời điểm cuối tháng 11/2023, Cụm chuyên môn nơi người viết đang dạy thỉnh giảng (Thành phố Hồ Chí Minh) thông báo góp ý bản mẫu sách giáo khoa Ngữ văn 12 cho 3 bộ Cánh Diều, Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống.

Theo thông báo từ tin nhắn của nhân viên nhà trường, giáo viên bộ môn được gợi ý nội dung góp ý các bộ sách giáo khoa Ngữ văn 12 như sau:

1. Đối chiếu nội dung mỗi bài học trong bản mẫu sách giáo khoa với yêu cầu cần đạt trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT để góp ý chỉnh sửa, bảo đảm nội dung không vượt quá yêu cầu của Chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

2. Xem xét tính chính xác, khoa học và sự phù hợp của các ngữ liệu/hình ảnh trong bản mẫu sách giáo khoa với đối tượng học sinh, đề xuất cách chỉnh sửa cụ thể đối với từng ngữ liệu/ hình ảnh chưa phù hợp (nếu có).

3. Xem xét các câu hỏi, câu lệnh, nhiệm vụ học tập trong các bài học bảo đảm được mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kết quả hoạt động (đọc/ xem/ viết/ nghe/ nói/ làm) của học sinh; bảo đảm cho giáo viên và học sinh khai thác hiệu quả nội dung, hình ảnh, ngữ liệu trong sách giáo khoa để tổ chức hoạt động dạy học.

Thời gian góp ý bản mẫu sách giáo khoa trong vòng 1 tuần, giáo viên ghi ý kiến theo mẫu và gửi vào đường link cho người phụ trách chuyên môn trong Cụm tổng hợp.

Tôi tranh thủ đọc một số bài trọng tâm trong một bộ sách giáo khoa thì thấy phạm vi kiến thức còn bất cập, sai sót.

Với tinh thần trách nhiệm của một giáo viên bộ môn được giao nhiệm vụ, tôi đã góp ý nội dung sách giáo khoa theo quan điểm cá nhân và chuyển ý kiến theo link của Cụm.

Buồn thay, mấy ngày sau tôi vào đường link kiểm tra xem các giáo viên trong Cụm góp ý thế nào thì thấy hàng chục đồng nghiệp sao chép nội dung góp ý của tôi - không sai một dấu chấm, dấu phẩy.

Cùng với đó, không ít giáo viên góp ý vô thưởng vô phạt, chẳng hạn cần phóng to, tăng độ sáng hình ảnh minh hoạ trong bài để học sinh dễ nhìn thấy. Hoặc văn bản này cần tăng thêm 1, 2 câu hỏi để giúp học sinh nâng cao phẩm chất, năng lực.

Đáng nói, không ít giáo viên để trống phiếu góp ý sách giáo khoa. Thầy cô ghi chú một câu giống nhau: "Tôi không có đề nghị chỉnh sửa nội dung các bài học trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 bộ...".

gdvn_gopysgk.jpg
Một phiếu góp ý bản mẫu sách giáo khoa không có ý kiến gì. (Ảnh: Ánh Dương)

Qua 2 năm ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc trung học phổ thông, tôi nhận thấy nhiều giáo viên góp ý (hoặc từ chối góp ý) bản mẫu và lựa chọn sách giáo khoa một cách chiếu lệ vì một số nguyên nhân như sau.

Thứ nhất, giáo viên dạy Chương trình mới mất rất nhiều thời gian đọc sách (3 bộ) để soạn giáo án word và PowerPoint (trình chiếu).

Trong khi đó, theo nội dung góp ý sách giáo khoa như tôi đã đề cập ở trên, ví dụ, để góp ý bản mẫu một bộ sách Ngữ văn, giáo viên cần phải đọc chương trình, đọc nội dung sách và hệ thống câu hỏi thì mới có cái nhìn tổng thể.

Thứ hai, thầy cô nêu lí lẽ, nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy, giáo dục học sinh và làm một số nhiệm vụ có liên quan do hiệu trưởng phân công, chứ không phải góp ý sách giáo khoa.

Có giáo viên cho biết, nếu góp ý sách giáo khoa thì nhà xuất bản phải trả thù lao sòng phẳng. Lợi nhuận nhà xuất bản hưởng, sao bắt giáo viên góp ý sách giáo khoa không công?

Vậy nên, nhiều giáo viên, nhất là những thầy cô giáo lớn tuổi luôn từ chối việc góp ý sách giáo khoa. Và lãnh đạo khó có cơ sở nhắc nhở, phê bình trong chuyện này vì giáo viên làm đúng quy định.

Giáo viên trẻ nhìn chung góp ý nội dung sách giáo khoa rất nhiệt tình, có thầy cô viết dài đến mấy trang giấy. Tuy vậy, giả sử đội ngũ tác giả sách lắng nghe góp ý thì họ cũng khó có thể sửa hết nội dung, vì gây xáo trộn chương trình.

Thứ ba, một số giáo viên chia sẻ với tôi rằng, trong quá trình giảng dạy Chương trình mới, thầy cô phát hiện "sạn" trong sách giáo khoa và có chuyển ý kiến góp ý đến tác giả sách (và tác giả sách đã nhận được ý kiến).

Tuy vậy, sách tái bản năm sau vẫn còn nguyên "sạn" như năm trước nên giáo viên bất mãn. Những năm qua, báo chí đã vào cuộc phản ánh một số bộ sách giáo khoa còn "sạn" nhưng cũng rất ít tác giả cầu thị phản hồi, trao đổi.

Có tác giả còn nói tường minh với truyền thông rằng, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo, còn chương trình mới là pháp lệnh để lờ đi những lỗi sai.

Đó cũng là lí do khiến nhiều giáo viên không muốn góp ý sách giáo khoa. Tương tự, việc lựa chọn sách giáo khoa, nhiều thầy cô cũng dửng dưng, chọn bộ nào cũng được.

Thứ tư, thật lòng mà nói, vẫn còn không ít giáo viên thụ động, kể cả yếu kém chuyên môn nên dù thầy cô có đọc sách giáo khoa thì cũng chẳng góp ý được gì nhiều. Kéo theo, việc lựa chọn sách giáo khoa cũng theo kiểu tham gia cho có mặt.

Tôi đã từng chứng kiến một số giáo viên dạy đến năm thứ 2 Chương trình mới môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông nhưng việc ra đề kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) vẫn sai sót những phạm vi kiến thức sơ đẳng.

Thứ năm, vẫn còn nhiều giáo viên, nhiều địa phương mặc định, năm trước dạy bộ sách giáo khoa nào thì năm sau vẫn dạy bộ sách đó nên giáo viên không mặn mà góp ý, lựa chọn.

Cần biết, Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông giao quyền cho các trường được chọn sách giáo khoa từ ngày 12/2/2024 như sau:

"Lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục".

"Mỗi khối lớp lựa chọn 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm các nội dung, chuyên đề học tập lựa chọn nếu có) được thực hiện ở cơ sở giáo dục". [1]

Trường trung học phổ thông công lập nơi tôi đang công tác, năm lớp 10 chọn bộ sách giáo khoa Ngữ văn Cánh Diều nhưng lớp 11 lại chọn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và khả năng lớp 12 chuyển sang bộ Chân trời sáng tạo.

Liên quan đến việc lựa chọn sách giáo khoa ở bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cá nhân tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là bám sát chương trình. Hay nói cách khác, việc lựa chọn bộ sách nào để giảng dạy là chưa thực sự quan trọng.

Tôi lấy ví dụ, tôi đã dạy 2 bộ sách giáo khoa Ngữ văn 10 (ở 2 trường công lập và tư thục) và đọc kĩ một bộ thứ 3 thì thấy rằng bộ nào cũng có ưu, nhược điểm cả.

Bộ thì cách viết sư phạm nhưng một số văn bản chưa phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh. Bộ gần gũi với học sinh nhưng nội dung triển khai ở một số bài còn rối rắm. Trong khi, bộ khác viết kĩ nhưng nội dung lại hàn lâm, học sinh khó hiểu.

Theo tôi, đối với sách giáo khoa bậc tiểu học và lớp 6, 7, 8, 10, 11 thì tổ chuyên môn cần lựa chọn một bộ sách theo Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT, đó là:

"1. Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. 2. Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục".

Thế nhưng, tôi cho rằng, đối với lớp 9 và lớp 12 thì các nhà trường phổ thông cần kết hợp giữa bộ sách giáo khoa được chọn với các bộ sách trong danh mục đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Từ đó, tổ chuyên môn biên soạn một tài liệu học tập (chủ yếu dựa vào bộ sách đã chọn) lưu hành nội bộ (đã được hiệu trưởng phê duyệt) thì việc dạy học sinh cuối cấp mới mang lại hiệu quả cao.

Giáo viên hãy xem sách giáo khoa chỉ là một tài liệu tham khảo. Tổ chuyên môn cần căn cứ vào chương trình và đối tượng học sinh để biên soạn một tài liệu giảng dạy để không phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa.

Tuy vậy, tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh:

"Giáo viên chỉ thực sự không lệ thuộc sách giáo khoa khi có kiến thức chuyên môn vững vàng, hiểu sâu về giáo dục, nắm vững các nguyên tắc và phương pháp dạy học.

Nếu hiểu rõ thực trạng giáo dục và đối tượng học sinh, thầy cô sẽ tự mình không lệ thuộc sách giáo khoa hay bất cứ tài liệu nào mà sẽ có sự lựa chọn, phối hợp sử dụng các nguồn học liệu, công cụ, phương tiện dạy học phù hợp nhất". [2]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-27-2023-TT-BGDDT-lua-chon-sach-giao-khoa-trong-co-so-giao-duc-pho-thong-583240.aspx

[2] https://www.phunuonline.com.vn/tai-lieu-rieng-khong-the-thay-the-sach-giao-khoa-a1506160.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương