Dù được bồi dưỡng môn tích hợp, nhiều thầy cô vẫn đầy lo lắng

16/08/2023 06:40
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để đáp ứng chương trình mới, giáo viên phải chủ động, nỗ lực tự học, tự nghiên cứu nói chung và trong học bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp nói riêng.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở trung học cơ sở có hai môn tích hợp: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, đã và đang triển khai từ lớp 6, 7, 8 được dư luận quan tâm rất lớn trong thời gian qua.

Môn Lịch sử và Địa lý, nhưng sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở vẫn được bố trí riêng lẻ thành 2 phần riêng biệt Lịch sử, Địa lý; nội dung được nhiều thầy cô đánh giá không khác nhiều so với chương trình 2006.

Môn Khoa học tự nhiên, được gộp từ 3 môn học độc lập trước đây gồm Hóa học, Sinh học, Vật lý; sách giáo khoa Khoa học tự nhiên được bố trí theo các mạch kiến thức mỗi phân môn khác nhau.

Không có nguồn nhân lực đáp ứng môn tích hợp, cùng với sự tách bạch kiến thức mỗi môn trong sách giáo khoa nên môn tích hợp đã nhận được ý kiến đánh giá trái chiều của dư luận.

Một số địa phương đang triển khai bồi dưỡng giáo viên môn tích hợp. Ảnh minh họa: Nhật Minh
Một số địa phương đang triển khai bồi dưỡng giáo viên môn tích hợp. Ảnh minh họa: Nhật Minh

Để có nhân lực dạy môn tích hợp Bộ đã có Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý.

Đạt chuẩn dạy học môn Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Vật lý ở chương trình cũ, giáo viên phải học 4 năm mới được cấp bằng cử nhân.

Câu hỏi đặt ra rất thực tế: Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý chỉ học ba tháng giáo viên có nắm vững kiến thức kỹ năng môn học học môn Lịch sử hoặc Địa lý?

Với giáo viên bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên phải nắm bắt được kiến thức kỹ năng Hóa học, Sinh học; hoặc: Hóa học, Vật lý; hoặc Vật lý, Sinh học; hoặc Hóa học, Vật lý.

Cô Lê Thị Minh, giáo viên tại phía Nam chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp đại học sư phạm, ngành Địa lý, nay đi học bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý, kiến thức cơ bản môn Lịch sử quên hết rồi, nay ngồi nghe giảng viên dạy cứ như vịt nghe sấm.

Vừa học, vừa lo cơm áo gạo tiền, con chiều nay ăn gì, … đâu phải vô tư như thời sinh viên nữa … nên cứ nghe bên này ra bên kia, không biết làm sao mà có cái chứng chỉ đây, tôi thấy nản quá”.

Đó là tâm trạng chung của không ít giáo viên khi đi học bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn tích hợp.

Lo lắng của giáo viên dù đang được cử đi học bồi dưỡng dạy môn tích hợp. Ảnh: Nhật Minh

Lo lắng của giáo viên dù đang được cử đi học bồi dưỡng dạy môn tích hợp. Ảnh: Nhật Minh

Thầy Nguyễn Ngọc Khang, một giáo viên cũng đang tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên môn tích hợp tâm sự: “Thực tế hiện nay, những giáo viên có bằng cao đẳng sư phạm dù chưa đạt chuẩn bằng cấp nhưng dạy môn tích hợp thuận lợi hơn giáo viên đạt chuẩn bằng cấp đào tạo đơn môn.

Ví dụ, giáo viên có bằng cao đẳng sư phạm Sinh- Hóa, Sử - Địa, Lý -Hóa … họ đã được đào tạo và dạy hai môn từ trước nên khi dạy môn tích hợp không bỡ ngỡ nhiều, vì thực tế kiến thức tích hợp ít, vẫn là đơn môn chủ yếu.

Đi học bồi dưỡng cũng có giáo viên hỏi “xoáy” giảng viên “Thầy dạy 1 môn sao chúng em có thể dạy hai hay ba môn?”.

Nói thật, dù có học bồi dưỡng chứng chỉ dạy môn tích hợp hay không chúng tôi cũng dạy dạy được, nhưng dạy theo đúng nghĩa dạy, theo đúng nghĩa thầy thì không có đâu, thiệt thòi học sinh chịu thôi.

Chỉ học bồi dưỡng thời gian khoảng ba tháng làm sao mà trang bị được kiến thức, kĩ năng bộ môn, nên không thể nói có chứng chỉ bồi dưỡng là dạy tốt được môn tích hợp”.

Dù được bồi dưỡng dạy môn tích hợp, giáo viên vẫn phải tự học, tự nghiên cứu nỗ lực rất nhiều

Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp Lịch sử và Địa lý có tổng khối lượng kiến thức tối thiểu 20 tín chỉ, với tổng số tiết 1327 tiết, trong đó có 990 tiết giáo viên tự học, tự nghiên cứu, 337 tiết học có hướng dẫn của giảng viên.

Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên có tổng khối lượng kiến thức tối thiểu 36 tín chỉ hoặc 20 tín chỉ, trong đó số tiết tự học, tự nghiên cứu luôn gấp 3 hoặc 4 lần so với tiết học có hướng dẫn của giảng viên.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên phải nắm vững kiến thức kỹ năng môn học, nắm vững phương pháp dạy học, dạy học phân hóa, dạy học tích hợp.

Giáo viên là nhà giáo dục, giáo viên là người học suốt đời, giáo viên là một người nghiên cứu, giáo viên là nhà văn hóa - xã hội. [1]

Như vậy, để đáp ứng chương trình mới, giáo viên phải chủ động, nỗ lực tự học, tự nghiên cứu nói chung, trong học bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp nói riêng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ trong buổi gặp gỡ với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên ngày 15/8: "Trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp trung học cơ sở. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục".[2]

Rất mong, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có phương án điều chỉnh để việc giảng dạy môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở cho phù hợp. Khi đó, mong rằng thầy cô chung tay cùng Bộ, nỗ lực thực hiện đổi mới để mang lại kết quả tích cực.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-vien-phai-lam-gi-de-dap-ung-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-4-post194299.gd

[2]https://giaoduc.net.vn/bo-gddt-se-xem-xet-de-co-the-dieu-chinh-day-hoc-tich-hop-cap-thcs-post237337.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh