Nói thật, có chứng chỉ loại giỏi, nhiều GV cũng không tự tin dạy môn tích hợp

05/08/2023 06:50
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cái khó khăn lớn nhất mà tất cả các cơ sở giáo dục đang gặp phải, chính là nguồn nhân lực dạy môn tích hợp.

Chương trình 2018 ở trung học cơ sở có môn tích hợp: Lịch sử và Địa lý (được gộp lại từ môn Lịch sử và Địa lý), Khoa học tự nhiên (được gộp từ môn Hóa học, Sinh học, Vật lý),..

Môn tích hợp trong chương trình 2018 đã thực hiện ở lớp 6, lớp 7, năm học 2023-2024 sẽ thực hiện ở lớp 8 nhưng vẫn còn bộn bề những bất cập và ý kiến trái chiều của dư luận xã hội.

Cái khó khăn lớn nhất mà tất cả các cơ sở giáo dục đang gặp phải, chính là nguồn nhân lực dạy môn tích hợp. Môn học mới phải có giáo viên đạt chuẩn đào tạo để dạy, nhưng thực tế, chưa có cử nhân sư phạm môn tích hợp.

Thứ hai, để dạy môn tích hợp, điều kiện tối thiểu phải có chứng chỉ bồi dưỡng môn tích hợp, nhưng thực tế có địa phương chưa mở được lớp bồi dưỡng dạy môn tích hợp cho giáo viên đơn môn.

Thứ ba, có chứng chỉ bồi dưỡng môn tích hợp rồi, nhiều giáo viên cũng không đủ tự tin nhận dạy môn tích hợp.

Thứ tư, đã triển khai hai năm nhưng đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ cho môn tích hợp nói riêng, chương trình mới nói chung, vẫn còn thiếu.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Phụ huynh học sinh nói về môn tích hợp như thế nào?

Anh Phan Viễn Đông ở Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Vợ chồng tôi không đi dạy, nhưng cả hai từng học trường chuyên, tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương, nên rất quan tâm đến việc học của các con.

Đã hai năm tôi theo dõi chương trình mới, vì thường xuyên học cùng con lớp 6 và lớp 7. Nói thật, chương trình mới nặng chẳng kém chương trình cũ, nếu không muốn nói là nặng hơn.

Điều mà chúng tôi thấy “ngộ” nhất của chương trình mới chính là môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên.

Một cuốn sách Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, hai ba thầy cùng dạy, học sinh thì rối bời vì thời khóa biểu, tác dụng tích cực chưa thấy, chỉ thấy làm khổ học sinh”.

Nhiều phụ huynh học sinh quan tâm đến giáo dục, cùng học với con em mình, khi chia sẻ về môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, đều tương đồng với ý kiến của anh Phan Viễn Đông. Họ đều lo lắng chất lượng học tập của con em mình.

Nhiều giáo viên không tự tin nhận dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 8

Cô giáo Nguyễn Ngọc Trân, tốt nghiệp Sư phạm Sinh học, đi dạy 6 năm nay, có Chứng chỉ dạy môn Khoa học tự nhiên loại giỏi, đã đảm nhận môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 và lớp 7 chia sẻ:

“Hai năm qua tôi đã cố gắng dạy Khoa học tự nhiên ở lớp 6 và lớp 7 nhưng chất lượng phân môn Vật lý và Hóa học may ra chỉ ở mức trung bình, nếu chấm khắt khe một chút chắc chưa đạt.

Tôi đã đọc sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 8, kiến thức Hóa học, Vật lý khó hơn nhiều, tôi thấy mình không thể đảm đương được phần Hóa học và Vật lý, tôi không tự tin dạy môn Khoa học tự nhiên 8”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà đã tốt nghiệp Sư phạm Vật lý chia sẻ: “Tôi dạy Vật lý hơn chục năm rồi, đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện cấp tỉnh rồi, sau khi đọc sách Khoa học tự nhiên 8, nói thật, tôi không đủ tự tin để dạy phân môn Hóa học, Sinh học trong môn Khoa học tự nhiên.

Giờ bắt tôi nhận cả môn Khoa học tự nhiên 8 thì cũng phải nhận nhưng nói thật, khi dạy kiến thức phân môn Hóa học, Sinh học không thể dạy tốt được, học sinh sẽ chịu thiệt thòi.

Vì học sinh thân yêu, tôi đã đề nghị nhà trường phân công dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 8, 9 theo môn đào tạo của giáo viên.

Phân công dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 8, 9 theo môn đào tạo của giáo viên nhà trường có thể phải thay thời khóa biểu nhiều hơn, nhưng giáo viên phải nhận khó về mình, để học sinh được học tốt hơn”.

Người viết đã tham khảo nhiều giáo viên với câu hỏi “Có tự tin nhận dạy môn Lịch sử và Địa lý 8, Khoa học tự nhiên 8 không?”.

Phần lớn giáo viên không tự tin nhận dạy môn Khoa học tự nhiên, chỉ có 20% giáo viên nhận dạy môn Lịch sử và Địa lý.

Từ thực tế, người viết có đề xuất:

Thứ nhất, Bộ cần có khảo sát đánh giá thực tế, khách quan về môn tích hợp từ giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn tích hợp, phụ huynh có con học chương trình mới, để có chỉ đạo phù hợp.

Thứ hai, vì quyền lợi của học sinh, đề nghị các cơ sở giáo dục phân công giáo viên đào tạo môn nào thì dạy môn đó trong môn tích hợp ở lớp 8 và lớp 9.

Thực tế hiện nay, dù có chứng chỉ dạy môn tích hợp, giáo viên vẫn không tự tin, sợ học sinh hỏi kiến thức chéo ban, kiến thức lớp 8 và lớp 9 khó hơn, đòi hỏi giáo viên được đào tạo sâu hơn mới có thể dạy tốt được.

Thứ na, giáo viên khi dạy môn tích hợp, chủ đề kiến thức thuộc phân môn nào thì ngay từ đầu ghi phân môn đó cho học sinh biết.

Ví dụ, khi dạy Chủ đề Một số chất thông dụng ở lớp 8, hãy giới thiệu cho học sinh biết các em đang học kiến thức môn Hóa học.

Học sinh biết kiến thức của phân môn để biết được năng lực, phẩm chất của mình, giúp học sinh có lựa chọn môn học, tổ hợp môn khi lên lớp 10; vì trung học cơ sở không có môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học nhưng khi vào lớp 10 môn học lựa chọn lại có môn Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Thứ tư, cung cấp đầy đủ đồ dùng, thiết bị dạy học để giáo viên sử dụng khi dạy chương trình mới nói riêng, dạy học nói chung.

Dạy cho xong tiết học môn tích hợp thì dễ, giúp học sinh học tốt môn tích hợp mới khó, chuẩn bị vào năm học mới, mong quý thầy cô nỗ lực vượt qua chính mình, tự học thật tốt để dạy tốt môn tích hợp nếu được nhà trường phân công.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/can-thang-than-nhin-lai-mon-tich-hop-185230730132125787.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến