LTS: Nhân dịp sắp đến tuyển học sinh du học nước ngoài, tác giả Jenna An chia sẻ bài viết cảnh báo các phụ huynh và học sinh cẩn trọng với những mạng lưới tư vấn du học đa cấp.
Theo đó, các phụ huynh cần tìm hiểu kĩ càng từ nhiều nguồn, bởi kể cả những người thân thiết có kinh nghiệm du học cũng có thể sẵn sàng đưa ra lời khuyên thiếu đạo đức nhằm thu được lợi ích cho bản thân.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chỉ cách chục năm, một số người nhà tôi tự xưng danh mình là khách hàng thân thiết của Công ty liên doanh A, hay hãng B nào đó, và được họ chỉ định là đại sứ hay đại diện giới thiệu sản phẩm và dịch vụ.
Sau đó rồi, Việt Nam bùng lên các hệ thống bán hàng đa cấp, mà phần nhiều dựa vào hệ thống quan hệ với cá nhân người bán.
Họ bán hàng và chào mời dịch vụ, từ bảo hiểm, sản phẩm hàng tiêu dùng gia dụng, mỹ phẩm, thiết bị và sản phẩm bổ sung sức khỏe, du học, học thêm, kỹ năng mềm, kỹ năng lãnh đạo,… và cho đến các chương trình học “cái gì cũng có” hay “làm giàu rất dễ”.
Bản chất của bán hàng đa cấp, dù đối tượng bán là gì, cũng là dựa trên cấp số nhân về người mua sản phẩm và dịch vụ mà bạn bán, những người mà bạn “phát triển” họ vừa là khách hàng của bạn vừa là người bán hàng cho bạn, để đảm bảo bạn là “nhà cái”, cung cấp sản phẩm và dịch vụ chính, và các "nhà con" kia vừa đi bán hàng, vừa đi “phát triển quan hệ” tiếp, nhằm xây dựng hệ thống.
Phụ huynh và học sinh nên cẩn trọng với dạng tư vấn du học kiểu đa cấp. (Ảnh minh họa: EdWeek) |
Theo đó, từng có thời mọi người phát “sốt” vì lợi nhuận phần trăm nhận được từ bán hàng đa cấp lên tới 70-700% số vốn mình đầu tư, trong khi công việc chỉ là chịu khó đi tìm kiếm người mua hàng!
Lấy ví dụ, muốn thành triệu phú chứ gì. Đơn giản là hãy tìm được 5.000 người chịu trả bạn 200 đô la Mỹ cho bất kỳ dịch vụ hay sản phẩm bạn cung cấp… Thấy dễ chưa?
Còn nếu bạn muốn là tỷ phú ư? Cứ nhân số này lên với hàng nghìn lần…
ILA gửi email, gọi điện dọa trục xuất, sinh viên hoảng loạn(GDVN) - Cơ quan công an hiện đã vào cuộc điều tra sự vụ này... |
Và cứ thể, cơ chế đa cấp là mô hình xây dựng hệ thống mạng lưới lan tỏa (networking), càng nhiều “mối”, càng tăng khả năng bán và tăng số tiền “nhà cái” được hưởng hoa hồng.
Cho đến gần đây, mô hình này bị dẹp đi khá nhiều, bởi người ta lại nhận ra là có vẻ như đây là mô hình “lưa huyền” (lừa), vì quay đi quay lại, giá trị dịch vụ và sản phẩm có thật thế đâu mà từ 10.000 đồng bán được lên hàng triệu đồng, rồi ai cũng đi bán hàng đa cấp thì rút cuộc bán cho ai…
Đi từ thành phố về đến nông thôn, bán hàng đa cấp đã làm nhiều vùng nông thôn Việt Nam “tan hoang”, khi nạn đa cấp càn quét qua những con người chân lấm tay bùn, ngây thơ với mọi sự buôn bán kiếm lời.
Khi các sản phẩm bán hàng đa cấp là các mặt hàng tiêu dùng, các sản phẩm thực phẩm chức năng hay thuốc bổ, các thiết bị hỗ trợ sức khỏe, hầu hết đều đánh vào tâm lý “sợ ốm”, “sợ bệnh” của người Việt.
Thậm chí, những người bán đã lợi dụng cả những tấm lòng hiếu thảo của con cái với bố mẹ và gia đình để kiếm tiền.
Cho đến nay, những mô hình bán hàng dựa trên đa cấp đã được chuyển hóa tinh vi hơn nhiều, với độ phủ nhanh hơn và “siêu” hơn về cách kiếm tiền, thông qua mạng “đám mây”, qua mạng xã hội như Facebook, fan pages hay qua tài khoản của những cá nhân điển hình (symbolized icons), với hàng chục nghìn hay hàng triệu người “đi theo”, dù chỉ là để bán quảng cáo online.
Đa cấp hiện nay không chỉ dừng ở những lời lẽ kêu gọi về lợi nhuận nhanh, nó còn được nhân danh vì những lý tưởng cao đẹp nào đó, ví dụ như đã có thời, mạng lưới kinh doanh toàn cầu, kết nối các doanh nhân nhỏ và vừa ở Sài Gòn được thiết lập.
Mục tiêu ban đầu là để hỗ trợ nhau làm kinh doanh, nhưng sau ba đến năm buổi gặp gỡ và nói chuyện, hóa ra là nơi để các doanh nhân chào bán dịch vụ cho nhau, với giá “ưu đãi”, nhưng ưu đãi thế nào, cách thức cung ứng dịch vụ có chuyên nghiệp không, người cung ứng dịch vụ có minh bạch hóa về hoạt động của mình…
Cuối cùng, được một hai năm thấy mạng lưới này biến mất, và để lại một số câu chuyện buồn cho mấy bạn tin tưởng vào mạng lưới.
Tương tự vậy, rất nhiều các mạng lưới hiện đang được nảy nở ra khắp mọi nơi.
Ví dụ như mạng lưới nhà start-up trẻ, mạng lưới mẹ bỉm sữa, mạng lưới nữ doanh nhân, mạng lưới học online, những ai thích đua xe, vân vân và vân vân, trong đủ mọi lĩnh vực và cho mọi ngành nghề.
Phải nói cho công bằng, trong một thế giới phẳng, chúng ta đang ngày càng gắn kết với nhau qua các hệ thống kết nối như Internet, Facebook, Linkin, Gmail, Skype, Instagam...
Rõ ràng, dù muốn hay không, mỗi người đều có mạng lưới quan hệ, mạng lưới mà mình thuộc về nó và nó cũng là phần nào quan hệ với cuộc sống hàng ngày của mình.
Câu chuyện là trong quá khứ, ít người nghĩ đến dùng mạng lưới này để kinh doanh, để kiếm tiền, đặc biệt ở Việt Nam xưa, khi văn hóa giữ “lễ”, giữ đạo đức hơn là “kiếm tiền”.
Nhưng nay, chúng ta cởi mở và học hỏi kinh nghiệm kinh doanh của nước ngoài.
Việc con bán bảo hiểm cho bố để kiếm tiền phần trăm hợp đồng không còn xa lạ, việc cả nhà phải nỗ lực mua sản phẩm hay dịch vụ mở tài khoản ở ngân hàng để hỗ trợ người nhà đạt chỉ tiêu không còn hiếm.
Câu chuyện về kinh doanh đa cấp và dùng quan hệ để kinh doanh sẽ không có gì phải bàn nếu nó không vi phạm vào đạo đức kinh doanh, tuân thủ nguyên tắc trung thực và minh bạch các dữ liệu khi tham gia vào giao dịch mua bán.
Nhưng thường là ít khi thế, bởi đã là con người, nếu không có cơ chế thích hợp để kiểm soát lòng tham, kiểm soát hành vi và quyền lực, ai cũng muốn có nhiều hơn, dù đấy là tiền, quyền, chất xám hay tên tuổi.
Có lẽ vụ án kinh tế điển hình của Oceanbank và Nguyễn Thị Huyền Như – Vietinbank là những ví dụ điển hình của quan hệ đa cấp, đan chéo và trục lợi trên quan hệ, dù là dưới góc độ nạn nhân hay “nhà cái” [2].
Khi tôi mới sang Mỹ, tôi cũng gặp hình thức “bán quan hệ” này. Ở Mỹ, dù là bất kỳ dịch vụ hay hình thức sản phẩm nào, nếu bạn giới thiệu được người quen, bạn bè mua sản phẩm hay dịch vụ, bạn sẽ có tiền “giới thiệu” (“referral fee”).
Xét về bản chất, đây là hình thức kinh doanh hay, vì dựa vào niềm tin của những nhận xét hay gợi ý từ những người đã dùng sản phẩm hay dịch vụ, chúng ta lựa chọn sản phẩm hay dịch vụ.
Hình thức sử dụng sản phẩm hay dịch vụ dựa trên những “reviews” (đánh giá từ khách hàng) là một hình thức mà các hãng bên Mỹ rất ưa chuộng để sử dụng.
Sau một thời gian, tôi mới phát hiện ra một thực tế nữa trong kinh doanh. Đánh giá từ khách hàng cũng chưa đủ để khách quan, đặc biệt khi khách hàng đấy lại được hưởng tiền “giới thiệu dịch vụ”.
Điều làm tôi cũng ngạc nhiên không kém là điều này cũng được sử dụng “nhuần nhuyễn” trong trường học, nơi chúng ta luôn tin là khá trong sáng.
Đã có công ty tư vấn du học hứa hẹn công khai, nếu bạn mời được một ai từ Việt Nam qua học ở trường, lớp mà họ phụ trách, bạn có thể lĩnh được từ 300 - 2.000 đô la Mỹ/một đầu người [3].
Những cuộc “ngã giá” giữa Công ty tư vấn du học và gia đình học viên(GDVN) - Ngoài việc khuất tất trong hóa đơn, chứng từ thu chi thì theo tìm hiểu của gia đình học viên, mức chí phí họ phải đóng cao hơn thực tế hàng ngàn USD. |
Quá đã phải không bạn?
Đó là lý do nếu có ai đó vừa có ý muốn hỏi thăm thông tin về du học, thì sẽ có rất nhiều người “tự nhiên tốt” tư vấn miễn phí và tận tình cho bạn từ A đến Z.
Họ không lấy phí gì cả, chỉ duy nhất làm sao để bạn sang học được ở đâu đó mà họ đã có hợp đồng dịch vụ.
Nếu số phận may như thời đầu của đa cấp ở Việt Nam, bạn sang học đúng lớp, đúng trình độ, đúng ngành bạn thích, bạn đỡ mất tiền oan. Còn không, đời khá buồn đấy!
Chính vì điều này, hiện ở Việt Nam đang có không ít các cá nhân và công ty tư vấn, cho mọi loại hình thức, từ du học, đi xuất khẩu lao động, học online, đến các hoạt động cắm trại, xây dựng mô hình học tập, các chương trình thi có kết nối với các tổ chức ABC… xin hãy cẩn trọng, dù họ có nhân danh là gì đi nữa.
Trong chương trình đa cấp ở Việt Nam trước đây, đã có những người mạo nhận là cán bộ cấp cao và từ quân đội ra bán sản phẩm và dịch vụ đa cấp, cuối cùng để đi lừa người Việt mình! [4]
Hãy nhớ là trong hệ thống đa cấp và bán hàng online qua giới thiệu, phần nhiều sẽ tập trung vào những người có quan hệ gần gũi và thân tình với bạn nhất, vì chính bạn sẽ luôn tin đấy không thể là người “kiếm tiền” từ bạn được!
Cá nhân tôi tin là vẫn có rất nhiều trường, chương trình, tổ chức tốt và hữu ích cho giới trẻ Việt Nam hội nhập với giáo dục quốc tế.
Nhưng xin các bạn hãy luôn cẩn trọng, hãy luôn kiểm tra nhiều chiều và đừng bao giờ tin là hỏi ai đó đã có trải nghiệm thì đấy là chắc nhất, vì biết đâu đó là người vẫn sẵn lòng kiếm tiền dựa trên phí giới thiệu.
Một xã hội biết kinh doanh thì mới giàu lên được là khá đúng với câu “phi thương bất phú”, nhưng sẽ hay hơn khi phải biết đạo đức trong kinh doanh, đạo đức làm người, khi đi kinh doanh, dù là du học, sản phẩm sức khỏe, hay chất xám của người khác.
Có lẽ không phải tự nhiên mà các nghiên cứu về chương trình kinh doanh ở Mỹ từ Harvard và Aspen đã phải than lên rằng “Hình như các chương trình dạy về kinh doanh đang chưa chú trọng về dạy đạo đức trong kinh doanh” [5], khi xã hội bây giờ phải đối mặt với những scandal về đạo đức trong kinh doanh nhiều như vậy.
Vậy, hãy cố gắng đừng đi kinh doanh “đa cấp” theo kiểu “Huyền Như” và hãy cố gắng để không trở thành nạn nhân của Huyền Như.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://soha.vn/xa-hoi/su-that-dau-don-khien-nguoi-viet-bi-cong-ty-da-cap-lua-dao-2015101511232474.htm; http://anninhthudo.vn/doi-song/nhung-nguoi-thoat-bay-lua-ban-hang-da-cap/660054.antd
[5] https://hbr.org/2011/04/ethical-breakdowns; https://www.aspeninstitute.org/publications/where-will-they-lead-2008-executive-summary-pdf/