Du học sinh Việt trải lòng chuyện ăn Tết xa nhà, nhớ da diết cảm giác sum vầy

07/02/2024 06:29
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Tết là dịp để thành viên trong gia đình được sum họp sau một năm dài bận rộn, tuy nhiên, nhiều du học sinh đành ngậm ngùi đón năm mới xa nhà vì vướng lịch học.

Du học sinh "thèm" khoảnh khắc đoàn viên ngày Tết

Năm nay là năm thứ hai Nguyễn Châu Anh (sinh năm 2003, quê Hà Nội) đón Tết xa nhà. Châu Anh hiện đang theo học ngành Truyền thông đa phương tiện, Đại học New York (Mỹ). Nhắc đến Tết cổ truyền, cô nghĩ đến cảm xúc hạnh phúc và ấm áp khi được ở bên cạnh những người thân yêu.

Nguyễn Châu Anh thèm cảm giác sum họp cùng người thân dịp Tết. Ảnh: NVCC

Nguyễn Châu Anh thèm cảm giác sum họp cùng người thân dịp Tết. Ảnh: NVCC

"Tại thành phố New York, cộng đồng người châu Á không quá đông. Còn tại khu phố người Hoa thường có các hoạt động như ăn uống, nổ pháo hoa và diễu hành.

Năm thứ hai đón Tết xa nhà nên tôi cũng dần trưởng thành hơn. Tôi gọi điện về cho gia đình, bạn bè và không quên nói lời yêu thương, cầu chúc mọi người sẽ có một năm mới thật nhiều niềm vui, hạnh phúc.

Nhìn lại năm 2023, tôi cảm thấy hãnh diện vì đạt được một số mục tiêu cá nhân, trong đó có việc xây dựng kênh Youtube. Ngoài ra, tôi cũng có nhiều hoạt động như tham gia chương trình từ thiện ở Bệnh viện E và phát triển nhiều hơn lĩnh vực sáng tạo nội dung mà tôi đang theo đuổi. Kỳ vọng năm 2024 của tôi là hoàn thành thật tốt việc học tại Mỹ, đóng góp được nhiều hơn cho các hoạt động thiện nguyện ở Việt Nam", Châu Anh tâm sự.

Châu Anh cũng chia sẻ, mới đây cô được giảng viên gửi mail khen bài nghiên cứu khoa học làm rất tốt, đạt điểm gần tuyệt đối 98/100. Thậm chí, giảng viên còn nhấn mạnh bài nghiên cứu này của Châu Anh là “một trong những bài xuất sắc nhất từng nhận được trong thời gian làm việc ở Đại học New York”. Thầy cũng nhắn gửi thêm: “Thầy rất muốn sử dụng bài của em để làm mẫu cho những bạn học sinh khác trong tương lai nếu em đồng ý. Chúc mừng em”.

Tương tự Châu Anh, năm nay cũng là năm thứ hai Huỳnh Trang Nhi (sinh năm 2004, quê Hà Nội) đón giao thừa nơi xứ người. Trang Nhi hiện đang theo học chuyên ngành Khoa học Môi trường tại Đại học Davidson College (Mỹ).

Nhi tâm sự: "Nhắc đến Tết cổ truyền ở Việt Nam, tôi nhớ đến những kỉ niệm về phong bao lì xì và cảm giác sum họp với gia đình, người thân, bạn bè. Kỳ nghỉ đông của tôi chỉ kéo dài đến giữa tháng 1, thế nên Tết Nguyên đán tôi đành lỡ hẹn về quê.

Ngày Tết xa nhà thật sự rất tủi thân và chạnh lòng vì không được ở bên cạnh người thân của mình. Đêm giao thừa, tôi chỉ biết ở trong phòng, gọi điện về nhà nói chuyện với ông bà, bố mẹ rồi gửi lời chúc mừng năm mới qua màn hình điện thoại mà thôi. Đôi khi, trong phút chạnh lòng, tôi phải nén nước mắt và nỗi nhớ để người thân không phải lo lắng.

Ở khu tôi sống có Hội sinh viên châu Á, dịp này mọi người cũng có tổ chức một số hoạt động nhằm giúp những người con xa nhà có cảm giác bớt cô đơn hơn".

Huỳnh Trang Nhi nhớ kỷ niệm về những phong bao lì xì ngày bé. Ảnh: NVCC

Huỳnh Trang Nhi nhớ kỷ niệm về những phong bao lì xì ngày bé. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về cuộc sống sinh viên ở Mỹ, Trang Nhi cho biết, tất cả các bài kiểm tra đều là mang về nhà và không có kỳ thi hay giám thị coi thi tại trường. Cô lý giải: "Davidson College là trường theo hệ thống Honor Code (Điều lệ danh dự), có nghĩa là có một bộ quy tắc mà sinh viên cam kết tuân thủ để đảm bảo tính chất trung thực và minh bạch trong quá trình học tập cũng như kiểm tra. Vì vậy sinh viên hoàn toàn được thầy cô tin tưởng cho mang bài thi học kỳ về nhà tự làm và tự chịu trách nhiệm. Nhờ đó sinh viên cũng cảm thấy thoải mái học hành hơn".

Trang Nhi dự định sau khi hoàn thành chương trình đại học sẽ tiếp tục học lên thạc sĩ ở một đất nước khác để có thêm trải nghiệm và chinh phục được những thử thách mới. Cô cho rằng, khi bước ra khỏi vùng an toàn, khám phá thế giới thì sẽ có thể mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Điều quan trọng nhất là hãy tận hưởng mọi khoảnh khắc và học hỏi từ mọi trải nghiệm mà du học mang lại.

Nấu món ăn truyền thống, cùng bạn bè đón năm mới

Nguyễn Cẩm Kiều Khanh (sinh năm 2000, quê Thừa Thiên Huế) cũng có chung nỗi lòng đón Tết xa người thân. Năm nay là năm thứ 5 Kiều Khanh ăn Tết xa quê. Bởi thế, khi nhắc đến Tết cô gái xứ Huế không khỏi chạnh lòng và nhớ nhà da diết.

Khanh chia sẻ, cô khỏa lấp nỗi nhớ ấy bằng cách tự mình tạo không khí Tết thông qua việc trang trí phòng, gọi điện về nhà, đón giao thừa trực tuyến cùng gia đình. Có năm, Khanh nấu những món ăn truyền thống của Việt Nam và mời bạn bè người Việt sang nhà, chia sẻ với nhau nỗi niềm xa xứ.

Năm nay là năm thứ 5 Kiều Khanh đón Tết xa quê. Ảnh: NVCC.

Năm nay là năm thứ 5 Kiều Khanh đón Tết xa quê. Ảnh: NVCC.

“May mắn là khu tôi sống có khá nhiều người châu Á. Vào dịp Tết Nguyên đán, cộng đồng người châu Á sẽ tổ chức tiệc, có các tiết mục văn nghệ. Vào dịp này, mọi người cũng sẽ đi chùa, cùng nhau nấu ăn, trang trí nhà cửa. Sau đó mọi người cũng nhanh chóng trở lại với guồng quay công việc và học tập.

Vì vướng lịch học, Tết tôi không về quê sum họp cùng gia đình, tôi sẽ chọn về nhà vào dịp hè hoặc Giáng sinh. Còn nhớ năm đầu tiên ăn Tết xa nhà, tôi đã đi chụp ảnh với trang phục áo dài cho đỡ nhớ Việt Nam”, Khanh nói.

Sau 5 năm đón năm mới ở Canada, Kiều Khanh cho rằng, đón Tết xa nhà cũng là cách để chúng ta trân trọng nhiều hơn những khoảnh khắc sum vầy. Cô chia sẻ: “Ở Canada, tôi có kỳ nghĩ lễ Giáng sinh và năm mới kết hợp, đa phần sẽ nghỉ lễ trước đó từ 1-2 ngày rồi nghỉ đến hết Tết Dương lịch. Dù không thể kề cạnh người thân vào thời khắc giao thừa nhưng tôi tin rằng chỉ cần trái tim luôn hướng về gia đình, cùng nhìn lại một năm đã qua và gửi lời chào năm mới cũng đã là một niềm hạnh phúc rồi”.

Được biết, Kiều Khanh là thủ khoa ngành ngành Hóa dược, Trường Đại học New Brunswick (Canada) với điểm GPA tuyệt đối 4.3/4.3. Khanh đang theo học chương trình thạc sĩ ngành Khoa học Dược, Đại học British Columbia với học bổng toàn phần.

Hiện tại, Khanh tập trung thời gian để hoàn thành chương trình thạc sĩ. Khanh cho hay, chương trình cô học yêu cầu khá nặng về nghiên cứu và đòi hỏi người học phải thật sự tập trung. Nếu có cơ hội, cô sẽ làm nghiên cứu sinh để tiếp tục được học hỏi và có thêm nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược.

Khanh nhớ lại: “Những ngày đầu mới sang đây, tôi cảm thấy khó khăn trong việc hòa nhập và kết bạn. Ngành học tôi theo đuổi cũng cực ít sinh viên quốc tế, lớp chỉ 2 người đến từ châu Á. Dù khác biệt văn hóa nhưng tôi động viên bản thân rằng đây là cơ hội để bước ra khỏi vùng an toàn. Việc đến từ một đất nước khác biệt văn hóa hay ngôn ngữ không phải là rào cản quá lớn nếu bản thân nỗ lực”.

Văn Nhất nhớ những cơn mưa phùn đặc trưng của miền Bắc ngày Tết. Ảnh: NVCC

Văn Nhất nhớ những cơn mưa phùn đặc trưng của miền Bắc ngày Tết. Ảnh: NVCC

Còn Hoàng Văn Nhất (sinh năm 1997, quê Nam Định) nhớ cảnh mưa phùn se se lạnh và cơn gió mùa đông bắc ở quê nhà. Hiện, Văn Nhất đang là sinh viên ngành Hệ thống tích hợp và giải pháp thông minh, chương trình Erasmus Mundu. Theo đó, cậu sẽ học tại 3 trường: Đại học Aalto (Phần Lan), Đại học Nam Nauy và Đại học kinh tế và kỹ thuật Budapest (Hungary).

"Những ngày cận Tết tôi nhớ rất nhiều không khí ở Việt Nam. Đó là cảm giác se lạnh và mưa lất phất, nhớ hơn cả là cảm giác ngồi canh nồi bánh chưng trong khi mẹ và mọi người trong gia đình tất bật chuẩn bị những việc khác. Tôi đang ở Helsinki - Thủ đô của Phần Lan. Khu tôi sống có khá nhiều người châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc. Tuy nhiên do thời tiết lạnh dưới âm độ C nên không có nhiều hoạt động đón năm mới. Theo dõi một số nhóm cộng động người Việt, tôi cũng thấy mọi người tổ chức chợ Tết, nấu đồ ăn truyền thống", Văn Nhất cho biết.

Trải qua Tết đầu tiên xa nhà vào năm ngoái, khi ấy, Nhất vừa rời Phần Lan sang Nauy học kỳ thứ hai. Nhất chia sẻ: "Lúc đó, cảm xúc cũng hơi lạ lẫm một chút vì lần đầu tôi không ở cạnh gia đình vào năm mới. Tết năm ngoái vào đúng chủ nhật, cũng là ngày sinh nhật của một bạn người Việt Nam khác ở trong lớp, nên tôi có nấu một vài món ăn truyền thống vừa để chúc mừng sinh nhật bạn vừa đón năm mới cho đỡ nhớ nhà".

Nhắc đến hành trình du học Châu Âu, Nhất cho rằng, cậu đã thay đổi cả về tư duy, cách suy nghĩ, kiến thức và trải nghiệm đều có những sự tiến bộ nhất định. Về mục tiêu học lên sau khi hết chương trình thạc sĩ, Nhất mong muốn tìm các cơ hội làm việc trong các công ty và có thể làm nghiên cứu sinh nếu chủ đề nghiên cứu phù hợp với định hướng của bản thân.

Phạm Thi