Dự thảo Luật mới, nhà giáo sẽ không còn chia hạng I, II, III

24/05/2024 06:46
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đối với giáo viên ở bậc mầm non, phổ thông và tương đương sẽ được phân loại và bổ nhiệm chức danh nhà giáo: Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp.

Hiện nay, giáo viên mầm non, phổ thông đang hưởng lương theo các Văn bản hợp nhất 08-11/VBHN của Bộ Giáo dục và Đào tạo hợp nhất Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, theo đó giáo viên mầm non, phổ thông được chia thành các hạng I, II, III.

Các giảng viên đại học cũng chia thành các hạng I, II, III.

Việc chia hạng giáo viên mầm non, phổ thông thời gian tồn tại nhiều bất cập khi có giáo viên giỏi ở hạng thấp, hiệu trưởng ở hạng thấp hay chuyển xếp lương từ cũ sang mới còn cào bằng, tồn tại nhiều bất cập,…

gdvn-hknq1-P.L.jpg
Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Dự thảo Luật mới, nhà giáo sẽ không còn chia hạng I, II, III

Dự thảo Luật Nhà giáo vừa được công bố. Theo đó, nhà giáo ở các trường mầm non đến đại học không còn dùng khái niệm hạng trong việc xếp lương giáo viên.

Theo đó, tại Điều 12 dự thảo Luật Nhà giáo quy định về chức danh nhà giáo như sau:

“1. Chức danh nhà giáo trong các cơ sở giáo dục bao gồm: Giáo viên mầm non; giáo viên tiểu học; giáo viên trung học cơ sở; giáo viên trung học phổ thông; giáo viên dự bị đại học; giáo viên giáo dục thường xuyên; giáo viên giáo dục nghề nghiệp; giảng viên cao đẳng sư phạm; giảng viên giáo dục nghề nghiệp; giảng viên đại học.

2. Chức danh nhà giáo là căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục xây dựng đề án vị trí việc làm; thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo.

3. Mỗi chức danh nhà giáo được phân loại như sau:

a) Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp;

b) Trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp (bao gồm cả giáo sư, phó giáo sư).”

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, nhà giáo bao gồm giáo viên từ bậc mầm non đến đại học sau khi trúng tuyển sẽ được bổ nhiệm chức danh nhà giáo.

Đối với giáo viên ở bậc mầm non, phổ thông và tương đương sẽ được phân loại và bổ nhiệm chức danh nhà giáo: Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp.

Đối với giáo viên ở trường cao đẳng sư phạm, đại học và tương đương sẽ được bổ nhiệm chức danh nhà giáo Trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp (bao gồm cả giáo sư, phó giáo sư).

Như vậy, dự thảo mới, nhà giáo không còn hạng I, II, III. Điều này có thể được xem là tin vui với giáo viên vì sẽ hạn chế bớt những bất cập của việc trả lương theo hạng bất cập thời gian qua.

Xét chuyển chức danh nghề nghiệp thay cho thăng hạng?

Theo quy định hiện hành, sau khi giáo viên trúng tuyển, hết tập sự được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông hạng III.

Sau đó nếu đảm bảo tiêu chuẩn, thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, nếu còn chỉ tiêu thì sẽ thực hiện hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng II, được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng II, sau đó tiếp tục đạt tiêu chuẩn, thời gian giữ hạng sẽ thực hiện xét thăng hạng lên hạng I.

Tại khoản 4 Điều 12 dự thảo Luật Nhà giáo quy định việc bổ nhiệm, xét chuyển chức danh nhà giáo thực hiện như sau:

“a) Nhà giáo sau khi được tuyển dụng thì bổ nhiệm chức danh nhà giáo theo quy định tại khoản 1 Điều này;

(Như đã nêu ở trên chức danh nhà giáo gồm: Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp, Trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp)

b) Nhà giáo được bổ nhiệm chức danh cao hơn liền kề hoặc đặc cách theo các chức danh cao hơn quy định tại khoản 3 Điều này;

Tức sau khi trúng tuyển, hết tập sự, nhà giáo mầm non, phổ thông sẽ được bổ nhiệm chức danh giáo viên, sau đó nếu đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện sẽ được bổ nhiệm hoặc đặc cách bổ nhiệm giáo viên chính, sau đó nếu đảm bảo tiêu chuẩn sẽ bổ nhiệm giáo viên cao cấp,…

Dự thảo mới, dùng cụm từ “xét chuyển chức danh nhà giáo” thay cho quy định hiện nay là “xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp”. Không còn khái niệm hạng trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Bên cạnh đó, điểm c, d, đ khoản 4 Điều 12 quy định về xét chuyển, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nhà giáo địa học hay bổ nhiệm lại chức danh nghề nghiệp như sau:

c) Nhà giáo của cơ sở giáo dục đại học được xét công nhận đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định của Luật Giáo dục thì được bổ nhiệm đặc cách chức danh giảng viên cao cấp;

d) Nhà giáo dừng hoạt động giảng dạy, giáo dục liên tục nhiều hơn 12 tháng, khi quay trở lại giảng dạy, giáo dục thì được bổ nhiệm lại chức danh nhà giáo;

đ) Nhà giáo khi thay đổi vị trí việc làm giữa các cơ sở giáo dục mà chức danh nhà giáo đang giữ không phù hợp với vị trí việc làm ở cơ sở giáo dục mới thì được xét chuyển chức danh nhà giáo.

Dự thảo mới quy định chuẩn nhà giáo ra sao?

Hiện nay, mỗi năm đều đánh giá chuẩn nhà giáo, tìm minh chứng để đánh giá nhà giáo đạt chuẩn loại tốt, khá, đạt, chưa đạt, được cho là còn nhiều hình thức, không có nhiều tác dụng

Tại Điều 13 dự thảo Luật Nhà giáo quy định về chuẩn nhà giáo như sau:

“1. Chuẩn nhà giáo là hệ thống phẩm chất, năng lực mà nhà giáo cần đạt được để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong các cơ sở giáo dục, bao gồm các tiêu chuẩn áp dụng cho từng chức danh nhà giáo.

2. Chuẩn nhà giáo bao gồm các tiêu chuẩn:

a) Phẩm chất, đạo đức nhà giáo;

b) Trình độ đào tạo, bồi dưỡng;

c) Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Năng lực thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục; kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; kỹ năng hoạt động phát triển cộng đồng, phối hợp xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh ở trong và ngoài cơ sở giáo dục;

d) Nhiệm vụ theo chức danh nhà giáo;

đ) Sức khỏe.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết chuẩn nhà giáo.

Dự thảo mới quy định về chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục (hiệu trưởng, giám đốc)

Tại Điều 14 dự thảo Luật Nhà giáo quy định chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục như sau:

“1. Chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục là hệ thống các yêu cầu về phẩm chất, năng lực mà người đứng đầu cơ sở giáo dục cần đạt được để đáp ứng nhiệm vụ lãnh đạo, quản trị cơ sở giáo dục. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải bảo đảm đạt chuẩn nhà giáo quy định tại Điều 13 của Luật này và các tiêu chuẩn về quản trị cơ sở giáo dục.

2. Tiêu chuẩn về quản trị cơ sở giáo dục:

a) Xây dựng sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển nhà trường;

b) Quản trị hoạt động và chất lượng giáo dục;

c) Quản trị nhân sự;

d) Quản trị tổ chức, hành chính;

đ) Quản trị tài chính;

e) Quản trị cơ sở vật chất và công nghệ;

g) Xây dựng môi trường giáo dục;

h) Thực hiện quy định về dân chủ ở cơ sở và kiểm tra nội bộ cơ sở giáo dục.

3. Chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục là căn cứ để:

a) Các cơ quan, tổ chức theo thẩm quyền xem xét, quyết định việc quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, công nhận, không công nhận chức vụ người đứng đầu cơ sở giáo dục đối với nhà giáo;

b) Các cơ sở giáo dục xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng người đứng đầu cơ sở giáo dục, người thuộc diện quy hoạch giữ chức vụ người đứng đầu cơ sở giáo dục và những người có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để trở thành người đứng đầu cơ sở giáo dục;

c) Người đứng đầu cơ sở giáo dục, người thuộc diện quy hoạch giữ chức vụ người đứng đầu cơ sở giáo dục tự đánh giá và thực hiện kế hoạch tự rèn luyện, phát triển năng lực bản thân.

5. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành và hướng dẫn sử dụng chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục.”

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam