Cần làm gì để lương nhà giáo ưu tiên xếp cao nhất sớm thực hiện được?

28/08/2024 08:55
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lương nhà giáo xếp cao nhất không chỉ cụ thể hóa chủ trương lương nhà giáo theo Nghị quyết 29-NQ/TW, Kết luận 91-KL/TW mà còn theo xu thế của thế giới.

Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" có nội dung "lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng". Nội dung này được giáo viên chia sẻ, bình luận tích cực trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Giáo viên càng thêm niềm tin về việc cải cách tiền lương trong thời gian tới, đồng thời tin tưởng rằng lương nhà giáo sẽ được cải thiện theo đúng tinh thần chủ trương của Kết luận 91-KL/TW, việc tuyển dụng sắp tới không chỉ tuyển đủ mà còn tuyển được những giáo viên có chất lượng, góp phần thực hiện thành công chương trình mới.

Trước đó tại dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 cũng dự kiến giáo viên không chỉ được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp mà còn được hưởng các khoản phụ cấp đặc thù và còn giữ được phụ cấp thâm niên.

Có thể nói, dù Luật Nhà giáo dù mới chỉ là dự thảo nhưng đã dự kiến về lương phụ cấp nhà giáo đúng tinh thần của Trung ương tại Nghị quyết 29.-NQ/TW: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

gdvn-GDVN.jpg
Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Mong chủ trương lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất sớm được thực hiện

Trước đây, khi dự thảo Luật nhà giáo nêu ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp mà còn được hưởng các khoản phụ cấp theo Nghị quyết 29-NQ/TW, tuy vui nhưng giáo viên vẫn còn băn khoăn, lo lắng khó thành hiện thực.

Nhiều bài viết trên các báo, tạp chí cũng có phân tích về nội dung này như sau:

Ngày 27/3/2024, trên báo thanhnien.vn đăng tải bài viết “Bộ Giáo dục và Đào tạo: lương giáo viên ưu tiên xếp cao nhất chỉ là tuyên ngôn”, nội dung bài viết có nêu: “Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng có nêu, lương của nhà giáo "được ưu tiên xếp cao nhất", tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy, sau hơn 10 năm vẫn chỉ dừng ở mức độ là tuyên ngôn, không thể đi vào đời sống khi Chính phủ không quy định bảng lương riêng đối với nhà giáo.” [1]

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Luật Nhà giáo, cũng trên báo thanhnien.vn ngày 17/5 đăng tải bài viết “Lương nhà giáo cao nhất không còn là tuyên ngôn?”.

Nội dung bài viết có đoạn nêu “Bởi vậy, lần này chủ trương "lương giáo viên cao nhất" đưa vào dự thảo luật Nhà giáo là một tin vui nhưng nhiều nhà giáo chia sẻ họ chỉ cho phép mình "vui một cách thận trọng" bởi đây mới là dự thảo lần đầu được công bố. Còn cả một chặng đường rất dài và rất nhiều điều kiện phải xem xét, mổ xẻ để luật được ban hành và các văn bản dưới luật được thực thi…” [2]

Ngày 20/5, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng bài “Xếp lương nhà giáo cao nhất: Băn khoăn về tính khả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?” [3]

Về vấn đề có đủ hay không nguồn lực để thực hiện chủ trương xếp lương nhà giáo cao nhất, Tiến sĩ Vũ Minh Đức cho rằng, “việc này Ban soạn thảo hay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không thể trả lời được, bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo không nắm con số về ngân sách nhà nước”.

Đúng là vẫn còn nhiều băn khoăn về tính khả thi và nguồn lực để thực hiện chủ trương xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Bởi lẽ, với con số dự tính hiện nay có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, nguồn lực tài chính để thực hiện là điều tiên quyết.

Giáo viên đề xuất các giải pháp

Lương nhà giáo xếp cao nhất không chỉ cụ thể hóa chủ trương lương nhà giáo theo Nghị quyết 29-NQ/TW, Kết luận 91-KL/TW mà còn theo xu thế của thế giới, nhiều nước trên thế giới có nền giáo dục phát triển, trả lương nhà giáo cao như Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Phần Lan, Singapore, Thái Lan,…

Chỉ có trả lương nhà giáo cao mới khẳng định vị thế, vai trò của nhà giáo và tăng tinh thần trách nhiệm, lựa chọn được người giỏi để trở thành nhà giảng dạy, giáo dục.

Tuy nhiên, nếu muốn trả lương nhà giáo cao nhất, người viết xin được đề xuất các cấp có thẩm quyền nghiên cứu và thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, có thang, bảng lương riêng cho nhà giáo

Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất thì phải có thang, bảng lương riêng cho nhà giáo và có sự ưu tiên so với các thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Phải có thang, bảng lương riêng mới có thể cụ thể hóa lương nhà giáo cao nhất.

Thứ hai, quyết liệt tinh giản biên chế

Giáo viên hiện nay đang thiếu khá nhiều, tinh giản cơ học sẽ dẫn đến thừa thiếu cục bộ, gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục.

Giảm phải là tinh giản bộ máy quản lý cơ sở giáo dục (phòng/ sở giáo dục), tăng thời gian làm việc của giáo viên.

Giáo viên trung học phổ thông hiện nay chỉ giảng dạy 17 tiết/tuần, giáo viên trung học cơ sở 19 tiết/tuần (chỉ 4-5 buổi mỗi tuần), số lượng thì quá đông, thời gian làm việc ít, được 2 tháng nghỉ hè nhưng đề xuất xếp lương cao nhất là khó khả thi.

Theo người viết nhận thấy, tại các cơ sở giáo dục phổ thông, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn là có phần khá vất vả, có trách nhiệm cao.

Lực lượng giáo viên bộ môn hiện nay chỉ dạy, chấm điểm, việc soạn giáo án, kế hoạch giáo dục có rất nhiều nguồn tham khảo, việc báo cáo thì đã có các phần mềm thống kế như vnedu.vn, thống kê toàn bộ danh hiệu học sinh giỏi, chất lượng bộ môn, xếp loại danh hiệu học sinh.

Tăng lương phải gắn với tinh giản biên chế, tăng thời gian làm việc, tăng hiệu quả công việc.

Giáo viên làm việc giờ hành chính để giải quyết toàn bộ công việc ở trường, nâng cao hiệu quả công việc, tăng trách nhiệm,…cũng là một đề xuất nên được xem xét, công bằng với các ngành nghề khác.

Thứ ba, mở rộng trường ngoài công lập

Để tăng lương nhà giáo có tính khả thi cao thì phải giảm số lượng nhà giáo làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập, mở rộng các trường ngoài công lập góp phần giảm biên chế, tăng tính cạnh tranh.

Nhà giáo ngoài công lập được trả lương theo quy chế, hợp đồng với cơ quan chủ quản và quy định của pháp luật.

Tăng trường ngoài công lập góp phần giảm gánh nặng tăng sĩ số trường công, tăng ngân sách chi trả cho nhà giáo cả nước, tiết kiệm ngân sách chi cho giáo dục, cải thiện lương nhà giáo.

Thứ tư, hạn chế tối đa dạy thêm thu tiền

Hiện nay, rào cản khi thực hiện đề xuất tăng lương nhà giáo còn gây tranh luận trái chiều là thu nhập chính thức không cao nhưng một số nhà giáo lại có thu nhập rất cao từ dạy thêm thu tiền. Có nhiều giáo viên ở thành phố lớn dạy thêm thu nhập từ 40-50 triệu/tháng, gấp nhiều lần lương là không hiếm.

Nếu dùng tiền ngân sách tăng lương cho nhà giáo, nhà giáo sáng dạy chính thức, chiều, tối kéo học sinh về dạy thêm thu tiền, một số vẫn thu nhập cao từ dạy thêm, phụ huynh vẫn tốn nhiều tiền, vẫn còn bức xúc về dạy thêm học thêm thì khó nói đến tăng lương nhà giáo cao nhất.

Không chỉ dạy thêm, hiện tượng giáo viên “chân trong, chân ngoài” còn rất nhiều, khó đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, giáo viên khó yên tâm công tác.

Tăng lương phải gắn với quyền lợi, trách nhiệm và hạn chế giáo viên dùng giờ hành chính để làm thêm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/bo-gd-dt-luong-giao-vien-duoc-uu-tien-xep-cao-nhat-chi-la-tuyen-ngon-185240327151920714.htm

[2] https://thanhnien.vn/luong-nha-giao-cao-nhat-khong-con-la-tuyen-ngon

[3] https://giaoduc.net.vn/xep-luong-nha-giao-cao-nhat-ban-khoan-ve-tinh-kha-thi-bo-gddt-noi-gi-post242832.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi