Dự thảo hỗ trợ học sinh DTTS nên quy định mức kinh phí chi trả cho người nấu ăn

11/07/2023 06:49
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy trò vùng cao Hướng Hóa phấn khởi khi chế độ đã có nhiều thay đổi theo hướng tốt lên. Học sinh có nhiều điều kiện hơn để học tập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách (gọi tắt là Dự thảo).

Qua nghiên cứu dự thảo, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Nga – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết: “Trong nhiều năm qua, chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú đã góp phần rất lớn cho học sinh vùng dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn gắn bó với trường.

Nhờ có chính sách hỗ trợ, hàng ngàn học sinh vùng khó khăn ở Hướng Hóa yên tâm học tập; việc duy trì sĩ số, chất lượng dạy và học cũng được nâng lên.

Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh vùng khó khăn ở Hướng Hóa luôn nhận thức, chế độ hỗ trợ của Đảng và Nhà nước là đòn bẩy quan trọng trong lộ trình thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục của huyện nhà.

Từ thực tế cho thấy việc cần phải nâng chế độ hỗ trợ cho người học, cơ sở giáo dục tại vùng dân tộc thiểu số như dự thảo đưa ra là điều cần thiết và rất kịp thời. Tuy nhiên, còn một số điểm trong dự thảo cần điều chỉnh thêm để phù hợp với thực tế".

Bữa cơm bán trú của học trò Hướng Sơn. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Bữa cơm bán trú của học trò Hướng Sơn. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Theo đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa chỉ rõ, tại Hướng Hóa, vị trí việc làm nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú thuộc nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ và được thực hiện theo hình thức hợp đồng lao động, không bố trí định mức biên chế. Do đó, dự thảo nên quy định cụ thể về kinh phí chi trả cho người nấu ăn trong trường, điểm trường.

Hiện nay, trường nội trú, bán trú vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện định mức chi trả cho nhân viên cấp dưỡng và định mức số người phục vụ vì chưa có quy định cụ thể về mức kinh phí dành cho phục vụ nấu ăn.

Nếu được, dự thảo nên có quy định cụ thể định mức người phục vụ, có phụ cấp cho vị trí quản lý hoạt động bán trú cho học sinh và mức chi trả để các cơ sở giáo dục chủ động trong tuyển dụng, bố trí nhân sự.

Ngoài ra, mức hỗ trợ cho học sinh nên sử dụng mức lương cơ sở làm căn cứ và có tính toán theo từng vùng miền, đặc thù địa lý từng địa phương để đưa ra mức hỗ trợ hợp lý. Ví dụ như có vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn nhưng chưa thể đáp ứng được khoảng cách địa lý thì vẫn có thể được nhận hỗ trợ theo tỷ lệ nhất định của lương cơ sở...

Về phía cơ sở giáo dục, bày tỏ quan điểm về dự thảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến, thầy giáo Nguyễn Đình Sâm – Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn (Hướng Hóa, Quảng Trị) cho rằng:

“Nhà trường rất vui mừng khi thấy dự thảo đã có nhiều quy định cụ thể hơn, đặc biệt là mức hỗ trợ cho học sinh, cơ sở giáo dục đã được nâng lên.

Tuy nhiên, có một số điểm, nếu được, dự thảo nên có quy định cụ thể sẽ giúp các cơ sở giáo dục chủ động trong việc triển khai thực hiện chính sách hơn.

Cụ thể, theo khoản 2 của điều 7 của dự thảo có nêu rất nhiều những chính sách mà trường phổ thông dân tộc bán trú được hưởng.

Ảnh minh họa: Lại Cường

Ảnh minh họa: Lại Cường

Tuy nhiên, dự thảo không nêu đến hỗ trợ nhân viên phụ trách bán trú. Dự thảo nên bổ sung phần hỗ trợ cho nhân viên nhà trường (hoặc giáo viên) có phụ trách bán trú và mức phụ cấp cụ thể.

Bởi như Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn hiện nay không có nhân viên phụ trách bán trú. Nhà trường chỉ biết động viện thầy cô kiêm nhiệm, tuy nhiên, việc kiêm nhiệm không có phụ cấp nên giáo viên, nhân viên rất thiệt thòi.

Thầy Sâm kiến nghị, dự thảo nên quy định về phụ cấp cho nhân viên phụ trách bán trú hoặc nhân viên trường kiêm phụ trách bán trú.

Mức phụ cấp trách nhiệm cho nhân viên phụ trách của các trường bán trú nên có ở mức 0,3 so với mức lương cơ sở. Mức hỗ trợ này phù hợp với Thông tư 05/2005/TT-BNV dành cho giáo viên.

Về chế độ học sinh, dự thảo nên xem xét dùng mức lương cơ sở làm căn cứ chi trả chế độ cho học sinh thay vì có một mức chung như trong dự thảo và có phân biệt học sinh ở độ tuổi khác nhau.

Căn cứ từ tình hình thực tế tại Hướng Sơn, thầy Sâm cho rằng, học sinh tiểu học nên được hưởng khoảng 60% mức lương cơ sở, học sinh trung học cơ sở nên được hưởng 70%/mức lương cơ sở. Với mức đó, thầy cô mới có đủ kinh phí để chăm sóc đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh.

Thực tế, dù là trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng vì học sinh ở xa nên các em ở lại trường cả thứ 7 và chủ nhật, ăn ở như nội trú nên nhiều điều kiện phát sinh, các thầy cô giáo phải căn cứ vào tình hình thực tế thực hiện các giải pháp linh động để đảm bảo chăm sóc sức khỏe các em.

Trần Phương