ĐH Thành Đông cấp học bổng cho 14 ngành “mũi nhọn” nhằm giải bài toán nhân lực

11/05/2025 06:28
Thúy Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo PGS.TS Lê Văn Hùng, quyết định trao học bổng cho các sinh viên trúng tuyển vào 14 ngành học xuất phát từ cân nhắc thực tế và chiến lược lâu dài.

Trường Đại học Thành Đông (TDU) được thành lập theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, và là trường đại học đầu tiên của tỉnh Hải Dương.

Nhà trường chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Hải Dương nói riêng và của khu vực đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước nói chung.

Cấp học bổng từ 22-100 triệu đồng/khóa

Trường Đại học Thành Đông đã đạt chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục giai đoạn 2020 - 2025, hiện đang đào tạo 27 ngành ở trình độ đại học, 06 ngành trình độ thạc sĩ và 01 ngành ở trình độ tiến sĩ. Năm 2025, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 2.500 chỉ tiêu, trong đó, hệ đại học chính quy là 1.700 chỉ tiêu.

Về chế độ chính sách đối với sinh viên, nhà trường có 850 suất học bổng trị giá từ 22 - 100 triệu đồng/khóa học cho sinh viên thuộc các đối tượng sau:

Thứ nhất, sinh viên có điểm trúng tuyển cao trong xét tuyển đầu vào.

Thứ hai, những sinh viên con thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với Cách mạng; mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ nhưng có hoàn cảnh gia đình khó khăn; thuộc diện gia đình hộ nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở những vùng thiên tai; cha mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn; thí sinh khuyết tật; sinh viên sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ (Quyết định 433/QĐ-UBDT, 18/6/2021 và Quyết định số 353/QĐ-TTg, 15/3/2022) được miễn toàn bộ học phí trong suốt khóa học.

Thứ ba, tất cả sinh viên trúng tuyển vào 14 ngành gồm: Trí tuệ nhân tạo; Công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật xây dựng; Quản trị kinh doanh; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn; Thương mại điện tử; Luật; Ngôn ngữ Anh được cấp học bổng từ 22 - 48 triệu đồng/sinh viên/khóa.

Bên cạnh đó, sinh viên học tại trường được miễn phí ký túc xá có máy điều hòa, bình nước nóng lạnh, wifi, nước uống sạch, sân bóng đá cỏ nhân tạo, nhà đa năng, bể bơi trong suốt khóa học; sau khi tốt nghiệp được nhà trường cam kết 100% sinh viên có việc làm.

Picture3.jpg
Sinh viên Trường Đại học Thành Đông. (Ảnh: NTCC)

Định hướng đào tạo trong kỷ nguyên số

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về lý do cấp học bổng cho 14 ngành học trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đông cho biết, quyết định trao học bổng cho các sinh viên trúng tuyển vào 14 ngành đào tạo nhằm thu hút sinh viên đăng ký vào trường. Ngoài ra, việc cấp học bổng cho 14 ngành học trên nhằm đáp ứng nhu cầu cao về nguồn nhân lực cho các công ty, doanh nghiệp mà nhà trường đã ký kết hợp tác.

“Trước hết, 14 ngành gồm Trí tuệ nhân tạo; Công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật xây dựng; Quản trị kinh doanh; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn; Thương mại điện tử; Luật; Ngôn ngữ Anh đều là những ngành học mà thị trường lao động hiện nay đang có nhu cầu rất cao.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực này. Chính vì vậy, nhà trường muốn thông qua chính sách học bổng để định hướng và khuyến khích các em học sinh mạnh dạn lựa chọn những ngành học thiết thực, có nhiều cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, học bổng mà nhà trường dành cho các ngành này dao động từ 50% đến 100% học phí, tùy theo kết quả xét tuyển và điều kiện cụ thể của từng thí sinh. Chúng tôi nhận thấy rằng mức học bổng này có thể chưa phải là quá lớn so với chi phí học tập hiện nay, nhưng đó là sự nỗ lực rất lớn từ phía nhà trường nhằm hỗ trợ phần nào gánh nặng tài chính cho các em và gia đình.

Đồng thời, học bổng cũng là cách để chúng tôi đồng hành với các em trên hành trình học tập, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao mà các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đang đặt ra”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hùng cho hay.

Picture1.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đông. (Ảnh: NTCC)

Đặc biệt, chính sách học bổng này đã được Trường Đại học Thành Đông triển khai suốt hai năm qua như một bước đi mang tính chiến lược nhằm thu hút thí sinh theo học các ngành có nhu cầu nhân lực cao trên thị trường.

Những tín hiệu tích cực từ thực tế tuyển sinh đã phần nào khẳng định hiệu quả rõ rệt của chính sách với số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành đào tạo trọng điểm ngày càng tăng, chất lượng đầu vào cũng được nâng lên đáng kể. Đây là cơ sở quan trọng để nhà trường tiếp tục duy trì và phát triển chính sách này trong những năm tới, góp phần khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo và năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội của nhà trường.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hùng cho biết, việc xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế và đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay được thực hiện dựa trên hai nhóm tiêu chí chính.

Thứ nhất, đối với những ngành đã có mã ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Nhà trường thiết kế chương trình theo khung quy định, bảo đảm chuẩn đầu ra và các học phần cốt lõi theo đúng yêu cầu.

Thứ hai, đối với những ngành mới, chưa có mã ngành, Nhà trường chủ động hợp tác với các trường đại học uy tín tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để xây dựng chương trình đào tạo theo mô hình liên kết quốc tế, nhằm tiếp cận công nghệ giáo dục tiên tiến và đảm bảo tính thực tiễn, hiện đại trong đào tạo.

Chẳng hạn, với những ngành mới và còn ít trường đào tạo trong nước, chương trình đào tạo được thiết kế theo mô hình “2+2”. Trong đó, 2 năm đầu sinh viên học tại Việt Nam, 2 năm sau sinh viên học và thực tập tại nước đối tác. Đây được xem là hình thức “nhập khẩu giáo dục”, với phần lớn nội dung chương trình được chuyển giao từ nước ngoài.

Tuy nhiên, để phù hợp với quy định trong nước, nhà trường có điều chỉnh và bổ sung một số học phần bắt buộc như các môn về chính trị, pháp luật Việt Nam. Nhờ vậy, sinh viên vừa tiếp cận được tri thức quốc tế, vừa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc gia”, thầy Hùng thông tin.

Picture2.png
Trường Đại học Thành Đông ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật Thông tin Hoa Thịnh Kinh Thế, Bắc Kinh (HUATEC). (Ảnh: NTCC)

Bên cạnh đó, Trường Đại học Thành Đông đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật Thông tin Hoa Thịnh Kinh Thế, Bắc Kinh (HUATEC), một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phần mềm và giải pháp công nghệ, nổi bật với việc cung cấp công nghệ tiên tiến cho các trường đại học và cao đẳng.

Theo thỏa thuận, HUATEC sẽ đầu tư thiết bị và máy móc hiện đại, trong khi Trường Đại học Thành Đông sẽ xây dựng nhà xưởng phục vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ. Hai bên cũng thống nhất các chương trình trao đổi kỹ sư, giảng viên, sinh viên và đào tạo công nhân kỹ thuật cho các doanh nghiệp địa phương.

Mặt khác, các thỏa thuận ký kết không chỉ dừng lại ở việc đầu tư cơ sở vật chất mà còn tạo điều kiện cho sinh viên Trường Đại học Thành Đông học tập trong môi trường thực hành tiên tiến. HUATEC sẽ đảm nhiệm phần đào tạo thực hành, còn nhà trường phụ trách giảng dạy lý thuyết dựa trên học liệu chuyển giao từ đối tác.

“Trường Đại học Thành Đông đặc biệt chú trọng đến việc phát triển khối ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật, điển hình như các ngành: Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Cơ điện tử... Đây là những ngành học không chỉ có nhu cầu nhân lực rất lớn trên thị trường mà còn đòi hỏi kỹ năng thực hành cao.

Chính vì vậy, nhà trường đã có sự đầu tư mạnh mẽ cả về cơ sở vật chất lẫn chương trình thực tập thực tế tại doanh nghiệp. Mục tiêu của nhà trường là thu hút được nhiều sinh viên theo học nhằm giải quyết nhu cầu của xã hội, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để sinh viên ra trường có thể làm việc ngay, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động trong và ngoài nước”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hùng cho hay.

Phương thức tuyển sinh hệ đại học chính quy

Năm 2025, nhà trường áp dụng 3 phương thức tuyển sinh sau:

Phương thức 1: Xét tuyển thẳng và cấp học bổng toàn phần trong suốt khóa học cho học sinh đạt giải kỳ thi quốc gia và quốc tế.

Phương thức 2: Xét tuyển theo học bạ trung học phổ thông; thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương, có điểm tổng kết cả năm lớp 12 hoặc cả năm của lớp 11 và kỳ 1 lớp 12 các môn thuộc khối xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 18 điểm; xét trúng tuyển từ thí sinh có điểm cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu cho từng ngành.

Riêng đối với ngành Dược học và ngành Y học cổ truyền, thí sinh có tổng điểm 3 môn học lớp 12 thuộc khối xét tuyển đạt 24 điểm trở lên, xếp loại học lực giỏi; ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, thí sinh có tổng điểm 3 môn thuộc khối xét tuyển đạt 19,5 điểm trở lên, xếp loại học lực Khá (theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/06/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Phương thức 3: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông thuộc khối xét tuyển đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Nhà trường.

Về chỉ tiêu, mã ngành/chuyên ngành và khối xét tuyển của Trường Đại học Thành Đông, phụ huynh và học sinh xem chi tiết TẠI ĐÂY.

Thúy Hiền