Xác định thể loại thơ: Rất cần một sự thống nhất để dạy học, đánh giá phù hợp

11/05/2025 06:46
Nguyễn Văn Nhượng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Một nội dung thể loại đã ra trong đề thi Ngữ văn thì nên được thống nhất trong các bộ sách giáo khoa ở việc hướng dẫn xác định thể loại.

Trong đọc hiểu và phân tích văn học, việc xác định thể thơ không chỉ giúp hiểu rõ hình thức mà còn là chìa khóa để giải mã nhạc điệu, cảm xúc, nội dung tư tưởng, cách thức tổ chức mô hình, tư duy, phong cách nghệ thuật của nhà thơ...

Chương trình Ngữ văn 2018, cấp Trung học cơ sở, học sinh được lần lượt tìm hiểu các thể thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ và tám chữ.

Gần đây, đề thi khảo sát chất lượng học sinh lớp 9 môn Ngữ văn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa có ra ngữ liệu là bài thơ “Đất nước tôi” của Lê Gia Hoài.

Bài thơ gồm 6 khổ thơ, mỗi khổ 4 câu, trong đó chỉ có 1/24 câu thơ là 9 chữ (câu cuối). Câu hỏi 1 trong phần Đọc hiểu yêu cầu xác định thể thơ với đáp án cho là thơ tám chữ.

Ngay sau đó, có dấy lên cuộc tranh luận về việc xác định thể thơ trên cộng đồng mạng, đa phần là các giáo viên. Người cho là thơ tám chữ, người cho là thơ tự do. Quan điểm cho thể thơ tám chữ là dựa vào mô hình tổ chức (vần, nhịp) và số câu trong bài thơ cơ bản là tám chữ. Phía còn lại cho là thơ tự do vì cho rằng một khi đã xuất hiện dòng thơ khác số chữ thì đó là thơ tự do.

Người viết là giáo viên môn Ngữ văn bậc trung học cơ sở xin có đôi điều chia sẻ.

dethi.jpg
Đề thi khảo sát môn Ngữ văn 9 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa.

Sau khi xuất hiện những quan điểm trái chiều, tác giả/nhà thơ Lê Gia Hoài đã trực tiếp chia sẻ trên mạng xã hội Facebook như sau: “Đây là thơ tám chữ mà người làm thơ thường gọi là "Bát ngôn".

Nếu một bài thơ chủ yếu theo thể tám chữ, nhưng chỉ xuất hiện lẻ tẻ 1–2 dòng 9 chữ (hoặc ngắn hơn 7 chữ, 6 chữ), thì bài thơ đó vẫn được gọi là thơ tám chữ, không phải là thơ tự do.

Căn cứ để xác định: Thể thơ truyền thống (thơ tám chữ) cho phép có những biến thể nhỏ như thêm hoặc bớt một chữ trong một số câu để làm cho nhịp điệu mềm mại hơn, tự nhiên hơn, mà không làm mất đi đặc trưng chính của bài thơ.

Trong phân tích thơ, người ta xét toàn bộ bài: nếu cấu trúc chính vẫn theo nhịp tám chữ, vần điệu vẫn giữ quy luật của thơ tám chữ thì đó là thể thơ tám chữ. Thơ tự do được hiểu là thơ không theo bất kỳ quy tắc chặt chẽ nào về số chữ, số câu, vần điệu, khổ thơ. Nếu toàn bài đều tự do số chữ, số dòng thì mới gọi là thơ tự do.”.

Chia sẻ của tác giả cũng nhận được nhiều ý kiến đồng tình của những nhà giáo, chuyên gia quan tâm.

Theo người viết, trong thơ hiện đại, đặc biệt là thơ mang tính tự sự, chính luận hay cảm hứng trữ tình như bài này, sự chênh lệch một âm tiết (lên chín chữ, chỉ duy nhất ở câu cuối) đôi khi được chấp nhận để giữ ý trọn vẹn, tránh cưỡng ép hoặc gò bó ngôn ngữ mà vẫn giữ được nhạc tính, vần điệu, mạch cảm xúc của thể thơ tám chữ.

Chương trình khung tuy không định nghĩa, mô tả cụ thể các đặc điểm của thể thơ tám chữ nhưng các tác giả của cả ba bộ sách hầu như đều thống nhất quan điểm định danh tên gọi thơ tám chữ là dựa vào số chữ: Mỗi dòng của thơ tám chữ có tám tiếng/chữ, thường gieo vần chân, liên tiếp hoặc cách quãng, ngắt nhịp linh hoạt.

Theo người viết, tên gọi một thể thơ về cơ bản chúng ta căn cứ vào sự tổ chức số chữ trong câu thơ. Tuy nhiên, trong thực tế sáng tác, nhất là đối với các thể thơ hiện đại, các tác giả thường khá linh hoạt, không gò bó, câu nệ vào khuôn mẫu như thơ truyền thống (và ngay cả thơ lục bát cũng có biến thể).

Thể thơ tám chữ hiện đại cho phép có biến thể nhẹ, miễn là: Nhịp thơ không bị phá vỡ, cấu trúc bài thơ vẫn thống nhất, vần điệu, cảm xúc, ý nghĩa vẫn liền mạch,... Và tính tổng thể sẽ quyết định thể thơ. Cụ thể khi phân loại thể thơ, người ta xét tổng thể/cái cốt lõi chứ không tuyệt đối hóa từng dòng của cả bài.

Trong bài thơ “Đất nước tôi” của Lê Gia Hoài, gần như toàn bộ các dòng là tám chữ, cách ngắt nhịp linh hoạt, gieo vần (chủ yếu vần chân), bố cục đều theo phong cách thơ tám chữ.

Vì vậy, dù có một dòng chín chữ cũng không làm bài thơ chuyển sang thể khác, mà chỉ là một biến thể nhỏ, không ảnh hưởng bản chất thể thơ, không đủ để phá vỡ, thay đổi bản chất, mô hình của thơ tám chữ được.

Nghĩa là việc xuất hiện một dòng chín chữ chỉ là biến thể tự do trong giới hạn cho phép, toàn bài vẫn giữ đúng đặc điểm thể loại, và sự phá cách nhẹ ở một câu là chấp nhận được trong thơ hiện đại.

Thể thơ tám chữ vốn được đánh giá là mềm mại, giàu nhạc tính, nhưng cũng đủ rộng rãi để cho phép nhà thơ phá cách có chủ đích ở một số dòng.

Việc chèn thêm một chữ trong câu cuối trong bài thơ của tác giả Lê Gia Hoài không làm phá vỡ mạch thơ, mà ngược lại còn tạo ra sự nhấn mạnh về cảm xúc cao trào, tạo một kết thúc có độ mở, ngân vang dồn nén cảm xúc, dư âm kéo dài, lắng lại trong lòng người nghe, tăng hiệu quả biểu cảm.

Các bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ, “Bếp lửa” của Bằng Việt, “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ đều xen những dòng bảy chữ, chín chữ, thậm chí mười chữ (“Nhớ rừng”, “Bếp lửa”) nhưng chúng vẫn là thơ tám chữ vì những câu không phải tám chữ chiếm tỉ lệ rất ít.

Sách giáo khoa cũ có sử dụng bài thơ “Nhớ rừng”, “Bếp lửa” (những đoạn thơ thuần tám chữ) để minh hoạ cho thể thơ tám chữ.

Hiện nay, sách Ngữ văn 9, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đưa bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ vào dạy minh hoạ cho thể thơ tám chữ là với lí do dựa vào tổng thể, cốt lõi, số câu chủ yếu tám chữ, cách gieo vần, ngắt nhịp,... đều theo mô hình của thơ tám chữ.

Tuy nhiên, tình hình lại khác, với bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt, dù chứa chủ yếu các câu tám chữ, xen lẫn các câu bảy chữ, chín chữ và mười chữ thì các tác giả sách Cánh diều lại coi là thể thơ tự do.

Điều này đã tạo ra sự không thống nhất trong quan niệm của các bộ sách dẫn đến bối rối cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy, học và kiểm tra, đánh giá.

Theo quan điểm cá nhân của người viết, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ hay tám chữ,... là tên một số thể thơ, được đặt căn cứ trước hết vào số chữ trong từng dòng.

Dẫu sao, những cái tên này cũng chỉ có tính chất ước định, vì một thể thơ được nhận diện không chỉ dựa vào số chữ mà chủ yếu dựa vào kiểu/ mô hình tư duy và chức năng thể loại. Thật khó thuyết phục nếu căn cứ vào một yếu tố biến dị mà phủ định thể loại.

Thiết nghĩ, nếu đã chấp nhận có lục bát biến thể, có thơ Nôm Đường luật biến thể (bảy chữ xen sáu chữ), có thơ Đường luật thất luật, thất niêm (cố nhiên không thể "thất" nhiều quá đến mức phá vỡ cấu trúc ổn định của thể loại), có thơ tự do dung chứa một vài câu thuộc các thể thơ khác thì tại sao lại không thể chấp nhận việc tồn tại một bài thơ tám chữ biến thể nhỉ?

Một tư duy cởi mở, thông thoáng, linh hoạt rất cần trong trường hợp này bởi việc định danh cũng là do chính ta quy ước, trong khi nhìn từ thực tiễn sáng tác thì lại vô cùng phong phú.

Một thể loại văn học cũng như một cơ thể sống có quá trình phát sinh, phát triển dài lâu, không phải là hiện tượng nhất thành bất biến. Không thể vì thấy có yếu tố biến dị mà dễ dàng phủ định quy luật di truyền.

Nếu nhìn cứng nhắc, máy móc, cơ giới về một hiện tượng đầy biến động là hiện tượng thể loại thì rất dễ phức tạp và gây tranh luận không cần thiết.

Hẳn các bài thơ như “Hoàng Hạc lâu, Độc Tiểu Thanh kí” sẽ không ai dám đưa ra khỏi thơ Đường luật?...

Còn rất nhiều ví dụ cùng loại thế này cho thấy có vấn đề tiêu chí cứng, tiêu chí mềm trong việc xác định thể thơ của các bài thơ. Thể thơ không phải là vấn đề hình thức thuần tuý. Đằng sau hình thức là một kiểu/ mô hình tư duy.

Dù chương trình 2018 không có thuật ngữ thơ tám chữ xen lẫn dòng bảy chữ, chín chữ hay tám chữ biến thể thì thực tế nó vẫn tồn tại thể loại thơ đó.

Thiết nghĩ, với một nội dung thể loại đã ra trong đề thi thì nên có quan điểm thống nhất trong các bộ sách giáo khoa ở hướng dẫn xác định thể loại để định hướng cho giáo viên và học sinh trong dạy, học và ôn tập thi, tránh các cách hiểu khác nhau dẫn đến quá trình đánh giá, kiểm tra, cho điểm học sinh có thể nảy sinh ý kiến bất đồng gây ra những tranh luận trái chiều, nhất là khi kì thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông của học sinh đến gần.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Văn Nhượng