Trực tiếp dạy thực nghiệm môn Khoa học tự nhiên, giáo viên nói gì?

25/04/2022 06:54
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Dạy theo chương trình mới, thầy cô thường xuyên cập nhật kiến thức mới nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, phải học thêm chuyên ngành những môn mình chưa được đào tạo.

Khoa học tự nhiên là môn học được xây dựng và phát triển trên nền tảng của Vật lí, Hoá học, Sinh học,... Đồng thời, sự tiến bộ của nhiều ngành khoa học khác liên quan như Toán học, Tin học,... cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển không ngừng của Khoa học tự nhiên.

Môn Khoa học tự nhiên được xây dựng dựa trên quan điểm dạy học tích hợp. Những năm đầu thực hiện, chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định với các nhà trường, đặc biệt là việc bố trí giáo viên giảng dạy.

Trước đây, giáo viên thường được đạo tạo chuyên ngành hay còn gọi là đơn môn Hóa, Lý hoặc Sinh. Hiện nay, với môn Khoa học tự nhiên tích hợp 3 môn này với nhau nên các thầy cô cần phải tham gia các khóa đào tạo nhằm bổ sung kiến thức, phương pháp để có thể thực hiện được nhiệm vụ giảng dạy môn học”, thầy Phạm Bá Dũng - Giáo viên dạy Hóa học, trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thầy Phạm Bá Dũng - Giáo viên dạy Hóa học, trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: T.D.
Thầy Phạm Bá Dũng - Giáo viên dạy Hóa học, trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: T.D.

Theo thầy Dũng: “Được dạy thực nghiệm trực tiếp môn Khoa học tự nhiên, tôi thấy mỗi bài học đều có tiến trình riêng như khởi động, hình thành kiến thức và luyện tập vận dụng kiến thức. Trong quá trình dạy, thái độ của các em học sinh khá hào hứng khi được vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực, cũng như các chuyên ngành vào để giải quyết một vấn đề cụ thể.

Trước đây, với các chương trình như Hóa học, Vật lý và Sinh học chỉ dừng ở mức độ khi học xong các em biết được điều gì. Nhưng với chương trình mới hiện nay định hướng khi học xong, học sinh làm được những gì? Ví dụ: Đứng trước một vấn đề Khoa học tự nhiên ngoài cuộc sống, muốn giải quyết được thì cần phải biết vận dụng kiến thức của những môn nào, có thể kiến thức về Hóa, Sinh hoặc cũng có thể là Vật lý,…thậm chí cả Lịch sử, Địa lý để giải thích tổng quan, triệt để tình huống đó.

Chương trình Khoa học tự nhiên được xây dựng theo phương án có mạch kiến thức đồng tâm, logic và tuyến tính. Trong mỗi bài học, mỗi chủ đề gồm rất nhiều các kiến thức của các chuyên ngành Vật lý, Sinh học và Hóa học cần được giải quyết trong cùng một bài học.

Đơn cử, với mạch nội dung Chất và sự biến đổi của chất, tôi đã dạy thực nghiệm trong hai tiết có nội dung về phân bón hóa học. Đầu tiên, học sinh tìm hiểu về vai trò của các nguyên tố đối với cây trồng (gắn với kiến thức Hóa học); Sau đó tìm hiểu tại sao cây trồng hấp thụ các nguyên tố? Có thể dựa vào rễ cây, dựa vào lá,…để hấp thụ chất dinh dưỡng (gắn với kiến thức Sinh học). Tiếp theo, dựa vào kiến thức Vật lí để tính toán một ha ruộng sẽ phải bón bao nhiêu phân, khoảng cách và liều lượng bón? Thậm chí còn kết hợp cả kiến thức môn Lịch sử và Địa Lý để tìm hiểu khí hậu, đặc điểm thổ nhưỡng vùng đất đó ra sao?

Theo tôi, việc tích hợp kiến thức của 3 môn lại với nhau có thể nói rất tốt, với một bài học nhưng học sinh nắm được tổng quan nhiều kiến thức khoa học, và trong thực tế những kiến thức này thường đi cùng với nhau. Có thể thấy kiến thức của từng lĩnh vực được xuyên suốt kết hợp lại để cùng giải quyết một tình huống ngoài cuộc sống, mà không thể dùng kiến thức của riêng một môn để giải quyết được”.

Giáo viên đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy

Theo thầy Dũng: “Dựa trên bản mẫu của sách giáo khoa mới, vận dụng những kiến thức đã có, giáo viên lựa chọn phương pháp và tổ chức hoạt động dạy theo tiến trình mà giáo viên thấy hợp lí. Kiến thức của môn Khoa học tự nhiên đồng tâm từ thấp lên cao theo logic và tuyến tính, chính vì vậy hầu hết các bài học đều có sử dụng các kiến thức chuyên ngành Vật lí, Hóa học và Sinh học.

Trong quá trình dạy tại những lớp có học sinh khá- giỏi, thì với chủ đề này chỉ học trong 1 tiết, nhưng vẫn với bài đó ở lớp trung bình thì có thể sẽ phải học trong 2 tiết. Tức là học một bài trong 1 hay 2 tiết là do thầy cô tự triển khai.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không quy định số tiết học cụ thể cho từng chủ đề, cho phép các cơ sở giáo dục tự chủ động chia tiết học ở các môn, miễn sao đến cuối năm hoàn thành chương trình học một cách hiệu quả, học sinh đạt được yêu cầu về kiến thức, kĩ năng cũng như phát triển được năng lực, phẩm chất.

Theo tôi, việc đổi mới phương pháp giúp học sinh rất hào hứng. Các em được vận dụng kiến thức của nhiều môn học để giải quyết một vấn đề tình huống. Ví dụ: Lúa vụ trước tại sao lại phát triển tốt hơn lúa vụ sau? Như vậy là phát sinh những vấn đề trong cuộc sống, sau khi suy nghĩ, học sinh vận dụng tất cả những kiến thức chuyên ngành về Vật lí, Hóa học, Sinh học để giải quyết”.

Học sinh trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học môn Khoa học tự nhiên. Ảnh: NTCC.
Học sinh trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học môn Khoa học tự nhiên. Ảnh: NTCC.

Tuy nhiên, thầy Dũng thừa nhận: "Dạy theo chương trình mới cũng có một số khó khăn với giáo viên khi thầy cô phải dành nhiều thời gian cho việc soạn bài giảng, thường xuyên cập nhật kiến thức mới nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Ngoài ra phải học thêm chuyên ngành bồi dưỡng ở những môn mà trước đây chưa được đào tạo.

Về cơ sở vật chất, hiện nay các trường Trung học cơ sở còn thiếu nhiều những phòng thực hành thí nghiệm dành cho môn Khoa học tự nhiên theo yêu cầu của chương trình mới. Trước đây, giáo viên thường mang các thí nghiệm về lớp học để trình diễn cho học sinh, nhưng với cách dạy mới hiện nay, những thí nghiệm này sẽ được học sinh tự tay chuẩn bị và làm thực hành ngay tại phòng thí nghiệm, các em sẽ được thực hành nhiều hơn, giáo viên chỉ là người định hướng. Về dụng cụ làm thí nghiệm, theo yêu cầu của chương trình phổ thông 2018 cũng có nhiều thay đổi, chính vì vậy số lượng cần phải bổ sung, trang bị”.

Về việc đánh giá, năng lực, phẩm chất học sinh qua tiết dạy thực nghiệm theo chương trình mới, thầy Dũng chia sẻ: “Tôi thường đánh giá năng lực phẩm chất học sinh thông qua những hoạt động của học sinh trên lớp. Qua các hoạt động đơn lẻ hoặc tập thể, qua các hoạt động thí nghiệm, qua cách trả lời bài giảng, cũng như cách các em hoàn thành nhiệm vụ thế nào.

Song song với việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, quy định về kiểm tra đánh giá đã được ban hành. Theo thông tư 22 áp dụng cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy cô đánh giá theo quá trình, thường xuyên, định kỳ và đa dạng hình thức đánh giá, đảm bảo đánh giá học sinh một cách toàn diện".

Một số góp ý qua bài dạy thực nghiệm

Thầy Dũng chia sẻ: “Sau khi dạy thực nghiệm hai tiết, tôi thấy có một số vấn đề nhỏ cần được bổ sung, điều chỉnh trong bài học này, cũng như trong sách giáo khoa mới.

Thứ nhất về phần ảnh minh họa trong bài: Số lượng ảnh cần nhiều hơn, kích cỡ to và rõ hơn. Hiện nay sách mẫu thường có ảnh với kích thước quá nhỏ và ít khiến học sinh khó quan sát, so sánh.

Thứ hai, với những hình ảnh minh họa có chứa các nguyên tố dinh dưỡng trong cây trồng, cần bổ sung thêm những con số phần trăm hàm lượng các nguyên tố, qua đó học sinh nhận biết đâu là nguyên tố quyết định lớn nhất đến độ sinh trưởng của cây.

Với sách mới hiện nay, trong sơ đồ chưa có tỷ lệ phần trăm các nguyên tố cụ thể, dẫn đến học sinh khó hình dung đâu là nguyên tố thiết yếu, và từ mục này chuyển sang mục vai trò các nguyên tố sẽ liền mạch kiến thức hơn, học sinh dễ tiếp nhận một cách logic.

Thứ ba, với nhiều bài học, các tác giả cho học sinh tiến hành các thí nghiệm trước, sau đó mới đưa ra các câu hỏi tìm hiểu lần lượt các loại. Theo tôi, cần phải đưa mục tìm hiểu các loại chất lên phần đầu bài học, rồi tiếp đến phần học sinh thí nghiệm và tiến hành trả lời các câu hỏi. Có thể hiểu khi học sinh tiến hành tìm hiểu đến loại chất nào thì phần thí nghiệm và trả lời câu hỏi sẽ gắn liền với loại chất đó.

Nếu theo cấu trúc kiến thức trong bài hiện nay, học sinh chưa hiểu được các chất là gì, và cũng chưa biết chất đó có chứa những nguyên tố nào, nhưng đã phải làm thí nghiệm,…Vậy nên để học sinh học phần này trước, hiểu rõ đặc tính rồi mới tiến hành làm thí nghiệm cũng như trả lời các câu hỏi liên quan. Như vậy sẽ thuận lợi và học sinh không bị lẫn kiến thức, từ đó rút ra những kinh nghiệm thực tế áp dụng vào cuộc sống”.

Tùng Dương