Quy trình ngược, trường loay hoay, 108 tổ hợp môn nguy cơ 'vỡ trận' là hiện hữu

11/04/2022 06:58
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chắc chắn sẽ có nhiều trường “trắng” môn Lịch sử vì học sinh không lựa chọn, và môn Mỹ thuật, Âm nhạc cũng khó triển khai được ngay trong vài năm đầu.

Nhiều ý kiến băn khoăn về một thực tế có thể xảy ra, đó là môn Lịch sử có khả năng bị "xóa trắng" ở nhiều trường có thế mạnh về Khoa học tự nhiên, bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa 2 môn này vào danh sách các môn tự chọn bắt đầu từ lớp 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông mới. Nếu không có học sinh nào chọn môn Lịch sử để học từ lớp 10 thì liệu các em có đủ kiến thức về môn học này hay không?

Tiến sĩ Phạm Thị Kim Anh – Giáo viên dạy môn Lịch sử Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Phạm Thị Kim Anh – Giáo viên dạy môn Lịch sử Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Tiến sĩ Phạm Thị Kim Anh – Giáo viên dạy môn Lịch sử Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội). Cô Kim Anh cho biết: “Cấu trúc chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với môn Lịch sử sẽ dạy những kiến thức cốt lõi cơ bản cho học sinh. Ở cấp tiểu học bắt đầu từ lớp 4 sẽ có phân môn Lịch sử nằm trong môn Lịch sử và Địa lý với những chủ đề cơ bản thiên về văn hóa, mà chủ yếu học các chủ đề văn hóa liên môn.

Đến chương trình trung học cơ sở, môn Lịch sử được biên soạn theo tiến trình lịch sử, sẽ đảm bảo được những kiến thức cơ bản cốt lõi nhất và học sinh đến lớp 9 được trang bị kiến thức từ lịch sử cổ đại cho đến nay. Vậy nên chúng ta không lo rằng học sinh sẽ bị hổng kiến thức về môn Lịch sử, có hổng kiến thức hay không là do bản thân học sinh có chịu học, và cũng do giáo viên dạy chưa tốt.

Như vậy, về phần chương trình đã học sẽ đảm bảo vốn kiến thức tối thiểu nhất, giúp học sinh có cái nhìn khái quát về lịch sử Việt Nam, cũng như Lịch sử thế giới từ cổ đại cho đến lớp 9. Tại sao lại dừng ở lớp 9 vì đây là bậc học cơ bản, đến bậc Trung học phổ thông là định hướng nghề nghiệp.

Có thể nói chương trình mới là phân hóa mà đã phân hóa thì phải tôn trọng sở trường, mong muốn và năng lực của từng học sinh, các em muốn đi theo thiên hướng nào, nếu giỏi nghệ thuật thì theo học nghệ thuật chứ đừng bắt các em phải giỏi Văn hay Toán. Hãy để học sinh phát huy tối đa tiềm năng vốn có của mỗi con người, bởi không có ai có thể giỏi toàn diện”.

Liệu có “vỡ trận” nếu thực hiện chương trình mới?

Cô Kim Anh cho biết: “Thứ nhất sẽ có rất nhiều môn không được học sinh lựa chọn, và sẽ có nhiều môn học quá tải bởi các em cùng chọn theo học.

Thứ 2 là việc bố trí giáo viên hiện nay rất lúng túng, nhất là môn Mỹ thuật và Âm nhạc bởi chúng ta chưa chuẩn bị được đội ngũ. Hiện nay Khoa nghệ thuật của Trường Đại học sư phạm Hà Nội mới tuyển được nhiều sinh viên vì đây là môn mới triển khai đào tạo nên khó có thể chuẩn bị kịp đội ngũ giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tôi không rõ hai môn đó sắp tới đây những trường nào sẽ dạy được, và có thể việc tuyển giáo viên sẽ rất vội vàng, thậm chí mời được ai đó có chuyên môn vào giảng dạy cho có, rồi cấp tốc đi học chứng chỉ sư phạm để hoàn thiện thủ tục sau. Với những trường công năm nay sẽ gặp khó khăn ở môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Học sinh yêu thích chọn môn này nhưng có lẽ sẽ chưa được học vì thiếu giáo viên.

Hơn nữa, những môn các em không thích thì lực lượng giáo viên hiện có sẽ dôi dư ra. Những môn các em thích thì lại thiếu giáo viên và phải tuyển thêm. Trong khi các trường không được chủ động tuyển giáo viên mặc dù Nghị định 115/2020 của Chính phủ giao quyền tuyển dụng về cho các nhà trường, nhưng đến nay Sở Giáo dục vẫn "ôm" công tác tuyển dụng, làm cho nhà trường không chủ động công tác nhân sự.

Theo tôi chỉ có những trường tư thục mới “dám” chọn giáo viên ngay lập tức vì họ quyết định rất nhanh và dễ dàng, còn ở những trường công lập sẽ rất dè dặt bởi trên đầu họ còn quá nhiều thủ tục quy trình tuyển chọn, phải đủ các tiêu chuẩn cứng khi tuyển dụng, thậm chí phải có hội đồng thi tuyển.

Năm học tới đây nhiều trường vẫn chưa được tuyển giáo viên cho những môn học mới, trong khi đúng ra các trường phải có giáo viên những môn này trước một năm để định hình. Ngay như năm 2022 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới cho bậc Trung học phổ thông, thì từ 3 năm trước đã phải có sách giáo khoa để các nhà trường và giáo viên nghiên cứu trước, nhưng rất tiếc là gần đây mới có sách, như vậy là hoàn toàn bị động.

Nếu muốn cải cách Giáo dục, chúng ta phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên trước, tập huấn thật đầy đủ, dạy thử nghiệm rồi mới tiến hành triển khai dạy đại trà. Nhưng tôi thấy bao giờ chúng ta cũng “đi sau”, cứ làm chương trình sách giáo khoa trước, rồi đào tạo giáo viên sau. Như vậy là làm ngược bởi đội ngũ giáo viên chưa được chuẩn bị sẵn sàng”.

Trong thực tế các trường sẽ xảy ra hiện tượng giáo viên thừa thiếu cục bộ, vấn đề này sẽ giải quyết thế nào? Ảnh minh họa: T.D.

Trong thực tế các trường sẽ xảy ra hiện tượng giáo viên thừa thiếu cục bộ, vấn đề này sẽ giải quyết thế nào? Ảnh minh họa: T.D.

Nếu nhà trường định hướng học sinh chọn tổ hợp?

Nếu các nhà trường chưa có giáo viên và bất đắc dĩ phải “định hướng” học sinh chọn tổ hợp mà nhà trường có thể đáp ứng? Về vấn đề này, cô Kim Anh nêu quan điểm: “Như vậy là vi phạm nguyên tắc. Nguyên tắc của chương trình mới là phân hóa, phát triển tối đa tiềm năng và năng lực vốn có của học sinh, cho phép học sinh tự chọn môn học theo năng lực sở thích, nay lại áp đặt cho học sinh chọn tổ hợp là sai chủ trương.

Nhưng trong thực tế tôi thấy các trường sẽ xảy ra hiện tượng đó bởi giáo viên thừa thiếu cục bộ sẽ giải quyết thế nào? Sẽ rất khó trong việc thỏa mãn điều kiện của các nhà trường với sự lựa chọn theo nguyện vọng của học sinh, nếu được cả hai bên thì quá tuyệt vời, nhưng theo tôi điều đó sẽ rất khó.

Chắc chắn sẽ có nhiều trường “trắng” môn Lịch sử vì học sinh không lựa chọn, và môn Mỹ thuật, Âm nhạc cũng khó triển khai được ngay trong vài năm đầu. Nhưng chúng ta cũng không nên quá lo lắng khi môn Lịch sử bị “xóa trắng”. Có thể với trường này ở địa bàn này học sinh không thích và không chọn môn Lịch sử, điều này cũng không sao. Chúng ta phải nhìn tổng thể tỷ lệ trên toàn quốc, chắc chắn vẫn sẽ có nhiều học sinh ở nhiều nhà trường lựa chọn môn học này.

Phải nhìn toàn cục về các môn tự chọn có thể sẽ bị xóa trắng, chứ không phải chỉ có riêng môn Lịch sử. Sẽ có những trường không có lớp nào học Lịch sử, học Địa, học Âm nhạc,…Nhưng ngược lại sẽ có rất nhiều trường, rất nhiều vùng có học sinh chọn học những môn này, vì vậy cũng không đáng lo và như vậy mới là phát triển tối đa tiềm năng của học sinh. Những môn bị “trắng” cũng không nói lên điều gì cả, đừng thấy một trường không có môn Lịch sử là đã kết luận xã hội này sẽ ra sao?

Mỗi con người chỉ có tố chất giỏi về một lĩnh vực nào đó, nếu thấy yếu về môn tự nhiên thì chắc chắn họ phải chọn môn xã hội, và theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra học sinh có bốn thiên hướng lựa chọn môn học.

Thứ nhất, sẽ không chọn những môn khó bởi bản thân các em không có năng lực với môn đó, đành chọn những môn khác dù cũng không thích nhưng vẫn dễ học hơn.

Thứ hai, những học sinh yêu thích môn Lịch sử, Địa lý và ngay từ đầu đã lựa chọn theo học và như vậy sẽ có chất lượng hơn là học đại trà

Thứ ba, theo định hướng và ảnh hưởng truyền thống nghề nghiệp của gia đình.

Thứ tư, theo xu hướng, xu thế “đám đông”, theo bạn học cùng nhóm, thấy bạn chọn thì mình cũng chọn theo mặc dù không thích.

Vậy nên chúng ta không nên quá lo, có thể môn Lịch sử bị “trắng” ở nhiều trường, nhưng sẽ không “trắng” trên toàn quốc. Và chắc chắn những em chọn môn mà mình yêu thích thật sự, mặc dù là số lượng học sinh sẽ ít đi nhưng sẽ chất lượng hơn, trước đây chúng ta bắt các em phải học cả những môn không thích, nhưng các em vẫn phải học. Nhưng đến bây giờ để học sinh tự chọn, các em quyết định được bởi biết rõ năng lực của mình đến đâu”.

Tùng Dương