Ngày 9/4, ông Bùi Minh Bình – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Long Thới, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận thông tin nói trên với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Theo đó, bắt đầu từ tuần này, cô Trần Thị Minh Châu đã bị tạm đình chỉ công tác, để chờ quyết định xử lý kỷ luật cuối cùng từ phía lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo.
Dự kiến, trong tuần này, hội đồng kỷ luật của nhà trường sẽ họp, đưa ra mức đề xuất kỷ luật đối với cô Châu.
Những lớp dạy mà cô Châu dạy môn Toán đã được chuyển sang cho giáo viên khác dạy.
Nữ sinh Phạm Song Toàn hiện đã chuyển tới học tại một trường tư thục trong thành phố (ảnh: P.L) |
Đối với em Phạm Song Toàn, học sinh phản ánh về việc không giảng dạy của cô Châu, theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngành giáo dục đã đồng ý chuyển cho em về học tại trường công lập mới ở cùng huyện Nhà Bè.
Dù vậy, sau đó, gia đình em đã chuyển cho em về học tại một trường tư thục, và đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền đồng ý theo nguyện vọng.
Học sinh phản ánh cô giáo không giảng bài cần được chuyển trường ngay |
Em Phạm Song Toàn này cũng được ngôi trường tư thục nói trên cấp học bổng.
Trước đó, trong buổi họp đột xuất về vụ việc này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – bà Nguyễn Thị Thu đã yêu cầu, lãnh đạo ngành giáo dục cần đáp ứng nguyện vọng chuyển trường khác cho em Toàn, do gia đình đề nghị.
Bà Nguyễn Thị Thu cũng đánh giá, qua sự việc này, nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết sự việc quá chậm, tạo nên sự bức xúc trong dư luận.
Theo bà Thu, lẽ ra, cô Châu cần phải bị tạm đình chỉ công tác ngay sau khi có phản ánh của học sinh, đằng này, nhà trường lại tổ chức cho cô trò giảng hòa với nhau, làm dư luận có thể hiểu nhầm rằng không có sự xử lý, bao che đối với cô giáo.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu, việc cô giáo suốt nhiều tháng liền lên lớp mà không giảng bài, không nói chuyện với học sinh chính là sự bạo hành về tinh thần với các em. Tinh thần trách nhiệm của cô nằm ở đâu?