Gánh nặng chỉ tiêu đang làm cho chương trình quá tải

15/01/2023 06:39
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh không chỉ áp lực với nhiều kỳ thi mà những kỳ kiểm tra ở trường cũng căng thẳng, mệt mỏi không kém.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới – từng chỉ ra 6 nguyên nhân khiến học sinh Việt Nam bị áp lực, quá tải vì việc học tập.

Một trong những nguyên nhân đó là học sinh phải đối phó với nhiều kỳ thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, do đó phải học nhiều.

Bài kiểm tra cuối học kỳ của một giáo viên (Ảnh tác giả)

Bài kiểm tra cuối học kỳ của một giáo viên (Ảnh tác giả)

Là giáo viên hiện đang giảng dạy, chúng tôi cũng cho rằng học sinh không chỉ áp lực với nhiều kỳ thi mà những kỳ kiểm tra ở trường (ngoài những bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết còn kiểm tra giữa kỳ 1, kỳ 2, cuối học kỳ và cuối năm) cũng căng thẳng, mệt mỏi không kém.

Gánh nặng chỉ tiêu cả thầy và trò đều căng thẳng

Đầu năm, trường học nào cũng buộc phải đăng ký chỉ tiêu thi đua chất lượng học tập gần chạm mốc 100% (trong khi chất lượng học sinh còn khá thấp). Để đạt được chỉ tiêu gần như hoàn hảo ấy, giáo viên buộc phải áp dụng cách dạy kiểu “luyện gà chọi”.

Nhất là vào những kỳ có bài kiểm tra một tiết, giữa kỳ, cuối kỳ hay cuối năm, giáo viên phải tăng tốc ôn tập.

Nếu lớp 1, 2 và 3 học sinh chỉ phải lo ôn tập 3 môn học lấy điểm là Toán, tiếng Việt và tiếng Anh (lớp 3 thêm môn Tin học) thì học sinh lớp 4 và 5 có thêm 3 môn và phân môn (Lịch sử & Địa lý, Khoa học) cần phải ôn tập. Tổng cộng số môn học sinh khối 4, 5 phải ôn tập là 7 môn.

Với học sinh bậc trung học cơ sở, số lượng môn học phải ôn tập lấy điểm còn nhiều hơn thế. Trong khi kiến thức của các môn học vừa nhiều, vừa khó nên việc học và ôn tập của học sinh càng trở nên áp lực.

Mỗi ngày đến trường phải học tới 7 môn. Mùa kiểm tra, giáo viên thường dành toàn bộ thời gian để ôn luyện đề.

Với những môn học có bài tập, học sinh sẽ được thầy cô cho làm những dạng bài có trong đề cương hoặc làm những dạng đề mà giáo viên đã tổng hợp.

Với những môn không có bài tập, thầy cô sẽ gọi từng học sinh lên khảo bài. “Vì nếu không làm thế, một lớp chỉ vài em tự giác học thuộc”, một giáo viên lớp 4 chia sẻ.

Học suốt ngày ở trường, tối về nhiều em còn phải chạy xô tới các lớp học thêm. Học thêm giai đoạn này, giáo viên cũng chủ yếu cho giải đề, giải những dạng bài tập sẽ có trong đề cương.

Thế là, giải đề miệt mài cả ngày trên trường, tối về cũng tiếp tục giải đề ở lớp học thêm. Tuy thế, “đi học thêm về, con còn phải ôn bài trên lớp, đêm nào cũng phải gần 12 giờ mới lên giường đi ngủ”, chị Mai Hiền phụ huynh một học sinh lớp 6 cho biết.

Bậc tiểu học, trung học cơ sở đã thế, học sinh bậc trung học phổ thông còn áp lực về chuyện kiểm tra cuối học kỳ gấp nhiều lần như thế. Em Thuỳ Trang, học sinh lớp 12 một trường trung học phổ thông cho biết:

“Ngoài việc ôn luyện đề cương cho hàng chục môn học, chúng em còn phải luyện đề, giải đề cho những môn học sẽ thi đại học sắp tới. Nếu tính thì mỗi ngày chỉ ngủ được vài tiếng đồng hồ thôi”.

Trò kiểm tra, thầy cô trông ngóng

Với một số địa phương, việc tổ chức kiểm tra học kỳ, kiểm tra cuối năm tổ chức một cách nhẹ nhàng để học sinh có tâm lý nhẹ nhàng thoải mái. Ví như học sinh lớp nào vẫn ở nguyên lớp ấy, giáo viên trong khối chỉ cần coi và chấm kiểm tra chéo lớp là được.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít địa phương khi kiểm tra đã yêu cầu xếp học sinh toàn khối theo thứ tự bảng chữ cái, giáo viên phải đổi khối coi và chấm kiểm tra, thậm chí là đổi giáo viên giữa các trường học trong cùng một địa bàn.

Điều này, đã làm cho tâm lý học sinh bất an và giáo viên cũng lo lắng không biết học sinh của mình sẽ làm bài ra sao? Thế là, trò vào kiểm tra, thầy cô mong ngóng, lo lắng.

Giáo viên bù đầu với bao việc

Ngoài việc lo ôn tập cho học sinh, lo có đạt chất lượng giáo dục hay không, các thầy cô giáo còn phải chấm bài, vào điểm, nhận xét và báo cáo kết quả học tập của học sinh.

Nếu giáo viên tiểu học mỗi ngày phải khảo bài học sinh và ôn luyện hết đề minh hoạ này đến đề minh hoạ khác thì nhiều giáo viên bậc trung học lại khá mệt mỏi bởi việc phải chấm quá nhiều bài kiểm tra.

Nhìn những xấp bài kiểm tra cuối học kỳ được chất cả đống, cô giáo Minh (giáo viên dạy môn Lịch sử một trường trung học cơ sở) cho biết:

“Cả bài tự luận và trắc nghiệm cũng gần nghìn bài kiểm tra cuối học kỳ. Chấm, ráp bài, vào điểm và nhận xét xong chừng này chắc cũng bở hơi tai”.

Áp lực học hành sẽ được giảm tải ở chương trình mới?

Trước những áp lực học tập của học sinh ở chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết từng chia sẻ: "Chương trình GDPT mới là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình.

Được chọn những nội dung học tập phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, mà ngược lại, sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn"{1}

Năm học 2022-2023, đã là năm thứ ba thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình mới đã triển khai ở các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Tuy nhiên, những áp lực học tập của các em gần như vẫn không thay đổi.

Tiểu học mỗi ngày đến trường vẫn 7 tiết học bắt buộc, nhiều trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tổ chức dạy học cả ngày nhưng tối về học sinh vẫn phải đi học thêm ca 1 rồi ca 2, đến cả ngày cuối tuần thứ bảy còn phải đi học dự giờ. Rồi mùa kiểm tra vẫn miệt mài ôn tập suốt ngày đêm để luyện giải đề cương.

Nói chung, chương trình cũ khiến học sinh áp lực thế nào thì với chương trình mới người có nhiều thâm niên giảng dạy như tôi nhận thấy những áp lực ấy vẫn chưa hề thuyên giảm.

Giải pháp nào để giảm tải cho việc học tập của học sinh hiện nay?

Đầu tiên cần bỏ việc giao chỉ tiêu chất lượng học tập cao ngất như hiện nay. Học sinh nào có lực học yếu sẽ được học lại để nắm chắc hơn kiến thức.

Với học sinh tiểu học sẽ xây dựng thời khoá biểu học kiến thức vào buổi sáng, buổi chiều tăng cường tổ chức các câu lạc bộ năng khiếu để học sinh vui chơi mà cũng chính là học một cách nhẹ nhàng.

Với bậc trung học phổ thông không tổ chức dạy học 2 buổi/trường. Nếu tổ chức phải đảm bảo được việc học sinh tự lựa chọn môn học và lựa chọn giáo viên giảng dạy. Có thế, các em mới không mất thời gian học thêm bên ngoài.

Còn việc tổ chức dạy học 2 buổi ở trường như hiện nay phần nhiều chưa hiệu quả. Nhiều trường vẫn giữ nguyên sĩ số lớp học chính khoá, tự phân công giáo viên giảng dạy. Và như thế, học sinh vẫn phải đi học thêm bên ngoài khiến các em càng thêm căng thẳng, mệt mỏi hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/giao-duc/6-nguyen-nhan-khien-hoc-sinh-viet-nam-qua-tai-quay-cuong-hoc-hanh

Phan Tuyết