Gặp học sinh hỗn hào, giáo viên xử lý thế nào cho phù hợp?

13/12/2023 06:43
Nguyễn Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để có trường học, lớp học vui vẻ, hạnh phúc, cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là phụ huynh học sinh, một mình giáo viên khó thực hiện nhiệm vụ này.

Vụ việc cô giáo P.T.H., giáo viên âm nhạc Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, bị học sinh dồn vào góc lớp, ném dép, lăng mạ … nhưng không được lãnh đạo nhà trường, giáo viên can thiệp giúp đỡ đang khiến dư luận rất bất bình.

Nhiều người đặt câu hỏi: lãnh đạo nhà trường, các tổ chức, đoàn thể trong trường, đồng nghiệp đang ở đâu khi cô giáo bị bạo lực?

Có người còn cho rằng, có thể có “ẩn tình” đằng sau nếu không học sinh không thể hành xử như ở nơi không có ai quản lý như vậy?

Hình ảnh gây bức xúc tại Trường trung học cơ sở Văn Phú. Ảnh cắt cipHình ảnh gây bức xúc tại Trường trung học cơ sở Văn Phú. Ảnh cắt cip

Trong tâm sự gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô P.T.H cũng chia sẻ, sau khi bị học sinh có hành vi bạo lực, cô đã tìm đến hiệu trưởng nhà trường nhưng không được giúp đỡ.

Loai trừ trường hợp, học sinh được "bật đèn xanh" cố tình hỗn láo, gây gổ với giáo viên, còn các trường hợp khác, giáo viên hoàn toàn có thể xử lý được. Câu hỏi đặt ra là gặp học sinh hỗn hào, giáo viên xử lý thế nào cho phù hợp?

Người viết đã trao đổi với nhiều đồng nghiệp, rút ra một số điểm chung nhất của vấn đề như sau. Học sinh hỗn hào với giáo viên thường có bốn trường hợp:

Thứ nhất, học sinh bị sức ép về thành tích, áp lực về học tập, khi kết quả không như ý, bị giáo viên gây áp lực bằng lời nói … dễ bùng phát cảm xúc tiêu cực, hỗn hào với thầy cô.

Thứ hai, học sinh có cái “tôi” quá lớn, muốn mình luôn là trung tâm vũ trụ, nên thường có hành vi “vượt chuẩn” để gây chú ý, vô tình có hành vi hỗn hào với thầy cô.

Thứ ba, thói quen hỗn hào mang theo từ gia đình. Ở nhà, học sinh đã quá quen với các hành vi nói tục, chửi thề, nói năng cộc lốc của người thân trong gia đình, nên khi đến lớp cũng hành xử như vậy.

Thứ tư, có một số học sinh a dua, bị bạn bè lôi cuốn, thấy bạn vi phạm không bị phạt, bạn làm việc tốt không được khen, nên dễ hỗn hào với giáo viên, phạm sai lầm mà không biết.

Phần lớn giáo viên, lãnh đạo có ý kiến nguyên tắc chung khi xử lý học sinh hỗn hào: thứ nhất, giáo viên phải làm chủ cảm xúc của mình, không để hành vi hỗn hào của học sinh tác động đến cảm xúc của mình.

Thứ hai, luôn luôn vì lợi ích của học sinh, lắng nghe và thấu hiểu, vị tha. Giáo viên vì lợi ích của học sinh, lắng nghe và thấu hiểu, sẽ tìm ra giải pháp phù hợp nhất với ngữ cảnh đang diễn ra và sẽ nhận được sự ủng hộ của học sinh trong lớp, học sinh hỗn hào sẽ tự biết rút ra bài học.

Ví dụ, trong tiết học mình dạy, nhưng học sinh lấy bài môn khác ra học, đừng vội quy chụp học sinh vi phạm, yêu cầu học sinh cất vở; chỉ cần đi ngang qua, vỗ nhẹ vào vai, không cần nói gì, 99,9999% vấn đề đã được giải quyết.

Thứ ba, không định kiến với học sinh, không phát ngôn mang tính quy chụp về học sinh, ví dụ như: đồ bất trị; đồ mất dạy, đồ vô dụng; đồ bỏ đi, đồ không não …

Thực tế, trường hợp có số đông học sinh hỗn hào ít xảy ra. Theo kinh nghiệm của người viết và nhiều đồng nghiệp chia sẻ, trường hợp này chỉ xảy ra nơi ngôi trường có lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, chưa làm tốt chức trách nhiệm vụ; các đoàn thể trong trường chỉ là “bù nhìn”; trong trường thường xảy ra khiếu kiện, tố cáo … mất đoàn kết nội bộ. Học sinh được "bật đèn xanh" phá bĩnh giáo viên.

Khi gặp trường hợp có số đông học sinh hỗn hào, càng phải giữ bình tĩnh hơn, tuyệt đối không trả đũa học sinh, giáo viên trả đũa học sinh sẽ đẩy hành vi hỗn hào lên cao hơn.

Giáo viên cần tìm cách liên hệ với bảo vệ, đồng nghiệp, lãnh đạo nhà trường, các tổ chức trong trường, công an địa phương … để được bảo vệ; vì vậy giáo viên cần có số điện thoại của những tổ chức, cá nhân này.

Học sinh hỗn hào là “căn bệnh” khó đoán, giáo viên nên phòng bệnh hơn chữa bệnh, bằng cách tạo tiết học vui vẻ, thân thiện, cởi mở, đừng cầu toàn quá.

Mỗi giáo viên hãy nhún mình một tý, đứng ngang với học sinh, làm bạn với học sinh, lắng nghe học sinh, để hiểu và sẵn sàng "bắt trend" hòa đồng với học trò.

Con người có tâm trạng vui vẻ sẽ có năng suất lao động cao, giáo viên vui vẻ giảng dạy tốt, học sinh vui vẻ hiệu quả học tập tốt nhất, sẽ không có học sinh hỗn hào.

Để có trường học, lớp học vui vẻ, hạnh phúc, cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là phụ huynh học sinh, lãnh đạo nhà trường, một mình giáo viên khó thực hiện nhiệm vụ này.

Vai trò của hiệu trưởng cực kì quan trọng, hiệu trưởng tốt sẽ có kế hoạch giáo dục ngay từ đầu năm, ngay từ đầu nhiệm kì, xây dựng được môi trường dân chủ, bình đẳng, tôn trọng giáo viên, lan tỏa sự tử tế, làm lu mờ cái xấu trong trường học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Mạnh Cường