Chương trình giáo dục phổ thông mới, thống nhất nội dung từ lớp 1 đến 12

06/08/2015 07:52
Xuân Trung
(GDVN) - “Trong mục tiêu chương trình cấp học, học sinh có tiềm năng gì sẽ phát huy được tiềm năng đó”. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề cập tới nội dung chương trình mới

Xung quanh bản Dự thảo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Thứ trưởng Hiển cho rằng, những vấn đề mới cần nhìn ở góc nhìn mới, tư tưởng mới, còn những vấn đề mới mà nhìn ở góc nhìn cũ, quan niệm cũ thì sẽ không đồng tình và sẽ không có kết quả gì.

Sẽ phát huy được tiềm năng học sinh

PV: Thưa Thứ trưởng, ông có thể khái quát đôi nét về chương trình giáo dục phổ thông mới lần này, có gì khác trước không?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Chương trình cũ có phần chung giống như nhập môn, nhập đề, nhưng chương trình mới viết thẳng thành “chương trình phổ thông tổng thể”. Tổng thể được hình dung là kế hoạch chung của cả giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12.

Các chương trình bộ môn sẽ theo chương trình tổng thể để đảm bảo các bộ môn sẽ hài hòa với nhau, thống nhất từ cấp dưới lên cấp trên, các môn học được thống nhất với nhau (nội dung, kế hoạch, thời gian thực hiện). Chương trình tổng thể sẽ khắc phục được chương trình cũ cắt khúc, chồng lấn nhau, dạy lại môn.

Bộ Giáo dục dự kiến thay đổi hoàn toàn Chương trình giáo dục phổ thông

Bộ Giáo dục dự kiến thay đổi hoàn toàn Chương trình giáo dục phổ thông

Theo Nghị quyết đổi mới giáo dục, không chỉ giáo dục phổ thông mà cả nền giáo dục chúng ta chuyển từ coi trọng kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực trên cơ sở trang bị kiến thức. Phải có kiến thức nền tảng, phải có kiến thức cơ bản thì mới phát triển được phẩm chất năng lực.

Trước đây ở chương trình cũ cũng nói tới phẩm chất, năng lực nhưng khi thực hiện lại quan tâm tới truyền đạt nội dung. Trong chương trình cũ cũng không đặt ra yêu cầu cụ thể của phẩm chất, năng lực từng cấp học tới đâu, thì lần này phải đặt ra cho từng cấp học; hết tiểu học là gì, hết THCS, THPT năng lực đạt được là gì?

Ở chương trình tổng thể lần này, Bộ có xác định mục tiêu chương trình cấp học như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trong mục tiêu chương trình cấp học, học sinh có tiềm năng gì sẽ phát huy được tiềm năng đó. Mục tiêu chương trình cấp học mới sẽ cụ thể hơn, trước đây tiểu học phát huy thành tích ban đầu để lên THCS, THCS tiếp tục phát huy giá trị tiểu học để lên THPT, và THPT phát huy từ THCS để lên bậc cao hơn. Mục tiêu của chương trình cũ không nói rõ và lần này sẽ nói rõ hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh Xuân Trung
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh Xuân Trung

Lần này tiểu học chủ yếu là đọc thông, viết thạo, kỹ sẽ hình thành thói quen trong học tập và sinh hoạt. Mặt giá trị, sẽ định hướng các em những giá trị về gia đình, về quê hương, phạm vi hẹp và mức độ thấp hơn.

Ở THCS sẽ cao hơn, không còn là đọc thông, viết thạo nữa, mà là “kiến thức phổ thông nền tảng”. Từ đây, bắt đầu hình thành ra được khả năng tự học. Các em biết tự điều chỉnh bản thân mình theo những giá trị, đạo đức chuẩn mực của xã hội. 

Ở THPT còn cao hơn nữa, kiến thức phổ thông ở đây đã được định hướng theo những ngành nghề khác nhau. Định hướng này giúp học sinh có khả năng học và chọn nghề.

Ở bậc học này sẽ hình thành phương pháp tự học, đây là trách nhiệm nghĩa vụ, quyền lợi công dân. 

Thay đổi hoàn toàn cách đánh giá học sinh

Chương trình cũ không phải là không tốt, bằng chứng là học sinh chúng ta đi thi quốc tế được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, năng lực giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề lại kém hơn học sinh các nước. Vấn đề này trong chương trình phổ thông tổng thể mới sẽ giải quyết như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Chương trình mới sẽ tạo cho học sinh năng động hơn, có tư duy độc lập, có khả năng phát hiện giải quyết vấn đề, có khả năng làm việc theo nhóm. 

Nên về mặt thiết kế chương trình giáo dục phổ thông lần này, ngoài các môn học tiếp tục phát huy thì có yêu cầu là tăng cường hoạt động xã hội. Hoạt động xã hội là có hướng dẫn, hoạt động hướng tới những sáng tạo, hướng tới những trải nghiệm.

Trong chương trình cũ cũng có tính trải nghiệm như ngoài giờ lên lớp, có các hoạt động đoàn, đội…Chương trình mới có ngoại khóa, có thể thiết kế theo chương trình học, thiết kế theo nội dung giáo dục, mục tiêu giáo dục. Những loại thiết kế này sẽ do nhà trường phổ thông lựa chọn giảng dạy và có quy định thời gian cho các hoạt động này.

"Chúng ta làm biết chắc chắn đúng thì làm, quan trọng là đúng nhiều hay đúng ít, chắc chắn là hứng thú nhưng hứng thú nhiều hay ít mà thôi. Vậy làm như thế nào để “được nhiều”, do đó cần linh hoạt.

Với chương trình cũ là chúng ta thiết kế xong chương trình, viết xong sách giáo khoa và dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Như vậy, thời gian thử nghiệm rất dài, do vậy không tập trung vào những cái mới. Lần này chỉ thực nghiệm những cái khó, cái mới, như vậy sẽ tốn ít thời gian".

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Mặc dù được thiết kế riêng nhưng trong từng môn học ở chương trình tổng thề này cũng phải coi trọng hoạt động trải nghiệm sáng tạo, vấn đề này do giáo viên xử lí. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tác động như thế nào tới hình thức dạy học, phương pháp dạy học, thư Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Hình thức tổ chức sẽ phong phú hơn chương trình cũ, phương pháp dạy học vẫn là phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, vấn đề này không chỉ có ngồi mà suy nghĩ trong lớp học được.

Đánh giá ở đây không phải chỉ đánh giá xem học sinh thu thập được bao nhiêu kiến thức, mà đánh gia là học sinh vận dụng được kiến thức đó ở  mức độ nào. Yêu cầu này sẽ tác động đến cách thức, nội dung ra đề thi sau này.

Trước đây chúng ta thường đánh giá xem học sinh học được đến đâu, và bây giờ phải đánh giá xem học sinh vượt qua khó khăn, đánh giá học sinh hứng thú học tập, từ đó dẫn đến phương pháp dạy học, làm cho học sinh thích học.

Ở chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được phân thành những giai đoạn nào, và nhiệm vụ của từng giai đoạn đó là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trong Nghị quyết nói giáo dục phổ thông được chia thành 2 giai đoạn, giao đoạn giáo dục cơ bản (Tiểu học, THCS) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT).

Liên quan tới hai giai đoạn này là có tích hợp và phân hóa. Tích hợp là học sinh có khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức giải quyết vấn đề. Còn phân hóa là dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh, phát huy cao nhất khả năng của học sinh.

Mục tiêu của chúng ta là vừa tích hợp vừa phân hóa, mỗi người giải quyết công việc một cách thành công và vận dụng được nhiều kiến thức công việc thì là người đó có năng lực càng cao. Nhưng muốn phát huy được năng lực riêng của từng người thì phải dạy học phân hóa.

Khi kiểm tra,đánh giá cũng cần có cách làm như thế nào để xem học sinh có năng lực giải quyết vấn đề hay không – coi trọng tích hợp. Nhưng bên cạnh đó có nhiều hình thức đánh giá khác nhau.

Tuy nhiên, ai cũng có thể nhìn thấy, cũng có thể trao đổi được về kiểm tra đánh giá về tích hợp, phân hóa là nội dung dạy học, phương pháp dạy học. 
Nội dung dạy học; muốn tích hợp thì một lúc phải dạy nhiều kiến thức liên quan với nhau (trước đây 2-3 môn, giờ sẽ ghép thành 1 môn), trong mỗi môn học sẽ có liên kết với các môn khác. 

Trong phương pháp dạy học muốn tích hợp được thì giáo viên phải rèn cho học sinh kỹ năng. Do đó, phương pháp và nội dung sẽ chi phối, giúp đỡ cho việc dạy tích hợp. Càng lên cấp trên thì nội dung càng phân hóa.

Cách thức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới này sẽ được thực hiện như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Chúng ta làm biết chắc chắn đúng thì làm, quan trọng là đúng nhiều hay đúng ít, chắc chắn là hứng thú nhưng hứng thú nhiều hay ít mà thôi. Vậy làm như thế nào để “được nhiều”, do đó cần linh hoạt.

Thực nghiệm để làm cho các việc xác định điều chỉnh như thế nào để hơn phần nhiều, chứ không nói chuyện đúng hay sai. Vấn đề này phải tham khảo thế giới, phát huy cái hay từ chương trình cũ. 

Với chương trình cũ là chúng ta thiết kế xong chương trình, viết xong sách giáo khoa và dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Như vậy, thời gian thử nghiệm rất dài, do vậy không tập trung vào những cái mới. Lần này chỉ thực nghiệm những cái khó, cái mới, như vậy sẽ tốn ít thời gian.

Quan điểm là thực nghiệm ngay trong quá trình thiết kế chương trình.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

Xuân Trung