LTS: Bỏ chấm điểm thường xuyên giúp học sinh giảm áp lực, giảm bệnh thành tích... được đánh giá là điểm cộng của Thông tư 30. Tuy nhiên, việc triển khai chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết cho giáo viên dẫn đến nhiều bất cập.
Sau 2 năm học triển khai thực hiện Thông tư 30, hôm nay cô giáo Tiểu học Đỗ Quyên chỉ ra bất cập trong vấn đề khen thưởng học sinh.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Từ ngày các trường tiểu học trong cả nước thực hiện việc khen thưởng theo Thông tư 30 thì đề tài được giáo viên quan tâm nhiều nhất ở những ngày cuối năm học vẫn là số lượng học sinh nổi trội (trước đây là học sinh giỏi) sẽ được khen thưởng ở từng lớp.
Giáo viên tranh luận khi đưa ra con số khen cụ thể ở từng lớp. Nhiều giáo viên không chịu số lượng học sinh được khen ít nên có người đề xuất: “Mỗi lớp có 5-7 em được khen thưởng như thế ít quá”, có giáo viên thì thẳng thừng đề nghị: “Năm học này, cần phải khen học sinh nhiều hơn năm học trước, khen thưởng ít phụ huynh thắc mắc không biết giải thích thế nào”.
Hiện nay, học sinh Tiểu học được khen thưởng đã xứng đáng và vinh dự chưa? (Ảnh: news.zing.vn) |
Người thì lấy ví dụ ở trường A, trường B trong địa bàn, một lớp có tới 2/3 số học sinh được nhận giấy khen và phần thưởng trong khi trường mình thì số lượng ít.
Có thầy cô lại nêu lý do: “Lớp tôi học tốt hơn nhiều lớp, giờ mà khen bằng các lớp khác thì thiệt thòi cho các em quá”.
Nhưng cũng có không ít thầy cô lại yêu cầu phải khen thực chất, em nào phải thật sự nổi trội mới khen. Cứ như ngày xưa, một lớp khoảng 3 học sinh được nhận giấy khen và phần thưởng. Vì số lượng khen thưởng ít nên học sinh nào được lọt vào tốp 3 đều vô cùng hãnh diện và vinh dự.
Nghe giáo viên đòi hỏi, Ban giám hiệu cũng lặng thinh bởi như những năm học trước đây, học sinh có điểm kiểm tra, điểm thi làm căn cứ. Nhà trường nhìn vào bảng thống kê điểm thi của từng lớp cũng có thể đánh giá sơ bộ chất lượng học tập của các em.
"Loạn xì ngầu" trên tờ giấy khen học trò tiểu học(GDVN) - Tình trạng “loạn” lời khen như hiện nay, khiến mọi người bị lạc vào “mê hồn trận” khen thưởng mà không thể biết được giá trị đích thực của các lời khen đó. |
Nay điểm thi cuối kì cũng chỉ là một trong những tiêu chí cần và đủ để xem xét chứ không phải căn cứ xét danh hiệu cho học sinh.
Thông tư 30 quy định việc khen thưởng cho học sinh:
“Cuối học kì 1 và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng”.
Một số giáo viên muốn lớp mình được khen thưởng nhiều vì không ít thầy cô lầm tưởng khi lớp có nhiều học sinh giỏi thì giáo viên cũng được đánh giá dạy giỏi, một số thầy cô muốn lớp có nhiều học sinh giỏi trong đó có nhiều em trong lớp học thêm của mình…
Cứ như thế, một số thầy cô cho phép mình dễ dãi trong cách đánh giá học sinh.
Phụ huynh đi xin giấy khen cho con để gia đình bớt xấu hổ(GDVN) - Chỉ khi nào mỗi chúng ta dẹp bỏ được bệnh sĩ, bệnh háo danh thì giáo dục mới hết đi căn bệnh thành tích. |
Cho nên, ngoài vài em có thành tích học tập xuất sắc thì những học sinh khác đều được khen ở các mặt như: “Có thành tích học tập về môn…” mà có đến hàng chục môn, mỗi em được khen ở một môn.
Vì vậy mới có tình trạng, trong một lớp có hơn hai chục em được khen thưởng.
Lớp này nhìn lớp kia, lớp thì số lượng được khen nhiều nên lớp khác cũng làm theo. Vậy là, lớp nào cũng đua nhau lập danh sách học sinh được khen thưởng.
Trước thực trạng ấy, để tránh tình trạng nhiều giáo viên “phóng tay” trong việc đề xuất công nhận học sinh được khen thưởng nên một số trường phải đưa ra con số khống chế nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh nổi trội “lạm phát” như trước đây từng “lạm phát” học sinh giỏi.
Rõ ràng, để thay đổi một quy định hay một chương trình dạy học thì dễ nhưng thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ thì hoàn toàn không đơn giản.
Thiết nghĩ, khi ban hành Thông tư 30 cần phải có hướng dẫn chi tiết về những tiêu chí để những học sinh được khen thưởng thật sự thấy xứng đáng và vinh dự.
Ngày 28/8/2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 (có hiệu lực từ 15/10/2014) quy định cách đánh giá học sinh tiểu học. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. Về việc đánh giá, khen thưởng, thông tư cũng nêu rõ các lĩnh vực đánh giá bao gồm quá trình học tập từng môn học và tham gia các hoạt động giáo dục khác. Đó là những đặc điểm nổi bật, sự tiến bộ, hạn chế, mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; năng khiếu, hứng thú về từng môn học, hoạt động giáo dục... Xếp loại từng học sinh đối với từng môn học, từng hoạt động giáo dục sẽ thuộc một trong hai mức là "hoàn thành" hoặc "chưa hoàn thành". Về mức độ hình thành và phát triển năng lực, giáo viên đánh giá những biểu hiện nổi bật về đặc điểm, sự tiến bộ, mức độ hình thành và phát triển theo từng nhóm năng lực của học sinh; góp ý với các em và khuyến nghị với nhà trường, phụ huynh. Xếp loại từng học sinh thuộc một trong hai mức "đạt" hoặc "chưa đạt". |