Chương trình phổ thông mới chưa phân luồng, hướng nghiệp rõ ràng

20/04/2017 07:17
Thùy Linh
(GDVN) - Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam khẳng định, nhiều năm nay chúng ta thất bại khi phân luồng ở cấp trung học.

Nhìn tổng thể dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đã được các chuyên gia giáo dục đánh giá cao. Một vài khiếm khuyết từ chương trình trước (năm 2015)  đã được chương trình lần này khắc phục. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, chương trình này chưa phần luồng hướng nghiệp rõ ràng cho học sinh. 

Ví như, chương trình mới bao gồm nội dung học tập chung của cả nước và thời gian dành cho nội dung giáo dục của địa phương (Chương trình địa phương). 

Cụ thể, ở tiểu học thì thời lượng sẽ dành cho Chương trình quốc gia là 4.515 tiết, còn thời lượng tối thiểu dành cho Chương trình địa phương là 1.015 tiết.

Ở Trung học cơ sở, tỉ lệ này là 3.640 tiết/420 tiết. Ở trung học phổ thông, tỉ lệ là 910/105 tiết. 

Chương trình phổ thông mới chưa phân luồng, hướng nghiệp rõ ràng (Ảnh: vov.vn)
Chương trình phổ thông mới chưa phân luồng, hướng nghiệp rõ ràng (Ảnh: vov.vn)

Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, với việc phân bố chương trình học như vậy, khi triển khai đồng bộ khắp cả nước sẽ có sự phân hóa mạnh về trình độ giữa các vùng miền.

Bởi lẽ, nếu như ở các tỉnh miền núi, Tây Nguyên... thì có thể dạy tiếng dân tộc thiểu số, còn ở các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thì chương trình địa phương sẽ là gì? 

Rồi việc bổ sung giáo viên cho các môn như tiếng dân tộc thiểu số, nghệ thuật, thời trang... sẽ lấy nguồn từ đâu?

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam khẳng định, nhiều năm nay chúng ta thất bại khi phân luồng ở cấp trung học. 

Không thể đưa tất cả học sinh trung học cơ sở lên bậc trung học phổ thông được, bởi nếu tất cả lên trung học phổ thông thì không ai đi học nghề nữa.

Chương trình phổ thông mới chưa phân luồng, hướng nghiệp rõ ràng ảnh 2

Giáo sư Ngô Việt Trung: Tôi có cảm giác dự thảo của Bộ mang khẩu hiệu là chính

 
Vì vậy, ngay ở cấp trung học cơ sở chúng ta phải phân luồng, những cháu nào chăm ngoan, học giỏi, có khả năng làm công việc về lí luận thì chúng ta lấy 30% vào cấp trung học phổ thông, còn 70% học sinh kia thì đi vào các lĩnh vực nghề. 

Tôi thấy rằng, Chương trình giáo dục phổ thông mới này quên rằng, hướng nghiệp là phải hướng đại bộ phận học sinh trung học cơ sở đi vào lĩnh vực nghề nghiệp để đào tạo nghề thành những người lao động, những công nhân” ông Dong nói.

Đồng tình với quan điểm này, Thạc sĩ Đặng Danh Hướng -  trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) cho rằng, việc định hướng nghề nghiệp ở nước ta còn chưa rõ ràng, hiệu quả của công tác hướng nghiệp cũng chưa cao, nên việc để người học quyền tự chọn môn học sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Do đó, trong quá trình triển khai, rất cần thầy cô có những hướng dẫn tự chọn môn học theo định hướng các nhóm trường, nhóm ngành. 

Không nên tách năng lực ra khỏi phẩm chất

Cũng theo Giáo sư Phạm Tất Dong, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể này tách rời năng lực và phẩm chất người học. 

Theo quan điểm của Mác-xít cũng như Khoa học tâm lí giáo dục thì phẩm chất và năng lực không tách ra. Vì theo Mác-xít, con người là tổng thể những năng lực. 

Do đó khi chúng ta xây dựng một chương trình mà đi vào để phát triển năng lực của một con người theo tôi là đúng
", ông Dong nói. 

Chương trình phổ thông mới chưa phân luồng, hướng nghiệp rõ ràng ảnh 3

Giáo sư Đào Trọng Thi: Chương trình phổ thông mới không quá tải ở số môn học

"Tuy nhiên về phẩm chất tôi thấy các chuyên gia muốn dựa trên những điều cơ bản nhất mà Bác Hồ đã dạy trẻ em rồi họ đưa ra những phẩm chất cần thiết.

Xong theo quan điểm của tôi, nếu như tách năng lực ra khỏi phẩm chất, coi phẩm chất là cái gì đó độc lập so với năng lực thì cái đó là siêu hình. 

Một việc chúng ta làm, kết quả đó thể hiện một năng lực, một kĩ năng nhưng tác dụng của nó thể hiện phẩm chất. 

Ví dụ như dạy trẻ em thật thà, khi trẻ nhặt được tiền rơi, trả lại người đánh mất thì cái hành động đó nó đã thể hiện năng lực là trẻ tự điều chỉnh bản để thắng được cái tôi của trẻ và trả lại người đánh mất. 

Điều đó đã thể hiện được sự hiểu biết, sự cảm thông với người mất của trẻ, đó là thể hiện được kĩ năng, năng lực của người thực hiện. Phẩm chất thể hiện ngay ở năng lực đó chứ không thể đo phẩm chất riêng ra, năng lực riêng ra được
” ông Dong phân tích.

Ở góc độ là một giáo viên bậc trung học phổ thông, Thạc sĩ Đặng Danh Hướng cũng cho rằng, chương trình mới chưa cụ thể hóa những phẩm chất, năng lực vào các bài học, các môn học mới. 

Chương trình mới hướng tới người học phải đạt những phẩm chất (nhân ái, khoan dung; chuyên cần, tiết kiệm; trách nhiệm, kỷ luật; trung thực, dũng cảm) và các năng lực cốt lõi (tự chủ, hợp tác, sáng tạo; sử dụng ngôn ngữ, tính toán, tin học, thẩm mĩ, thể chất; và năng lực chuyên biệt) để có thể sẵn sàng học tập ở trình độ cao hơn hoặc sẵn sàng cho các yêu cầu việc làm trong thế kỷ 21.

Tuy nhiên, việc cụ thể hóa những phẩm chất, năng lực vào các bài học, các môn học mới như thế nào mới đạt yêu cầu thì trong chương trình chưa đề cập rõ ràng. 

Mời bạn đọc góp ý về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo trưng cầu ý kiến từ nay đến 29/4/2017. 

Mọi ý kiến độc giả gửi về Báo điện tử Giáo dục Việt Nam qua hòm thư điện tử: toasoan@giaoduc.net.vn
Thùy Linh