Giáo viên vào mùa copy

21/04/2017 06:43
Thuận Phương
(GDVN) - Người làm trước lại cho người làm sau mượn sao chép y chang. Chỉ cần bỏ công đọc của một người cũng có thể đoán biết được những thành viên còn lại viết gì.

LTS: Sắp kết thúc năm học, thầy cô giáo lại vào mùa kê khai biểu mẫu, giấy tờ đánh giá.

Cô giáo Thuận Phương cho rằng các nội dung các biểu mẫu đều mang tính đối phó với cấp trên.

Vì năm nào cũng phải làm với hàng loạt biểu mẫu, giáo viên đành phải copy từ chỗ này sang chỗ khác.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm học. Thời gian này thầy cô giáo ở các trường đang dồn sức cho việc ôn tập, kèm cặp học sinh yếu kém để các em đủ sức vượt qua kì kiểm tra thi cử cuối năm. 

Dù việc dạy dỗ  bận rộn là thế nhưng chẳng ăn thua gì với hàng loạt biểu mẫu mà giáo viên phải hoàn thành như:

Phiếu đăng kí thi đua; Bảng thu hoạch cá nhân; Kế hoạch tự giác học tập; Tự bồi dưỡng thường xuyên; Đánh giá theo quyết định 14; Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở; Bảng tự đánh giá, xếp loại công chức; Báo cáo thành tích cá nhân…

Các kế hoạch, biểu mẫu

Những phiếu đánh giá, bảng thu hoạch này năm nào cũng yêu cầu làm. Hầu như mẫu nào cũng có mục “Tự đánh giá kết quả công tác, tu dưỡng, rèn luyện của cá nhân” với các phần được mặc định sẵn như:

1. Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước
2. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc
3. Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
4. Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ
5. Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ.

Giáo viên phải hoàn thành rất nhiều sổ sách, biểu mẫu vào cuối năm học. (Ảnh minh họa của Báo Giáo dục và thời đại)
Giáo viên phải hoàn thành rất nhiều sổ sách, biểu mẫu vào cuối năm học. (Ảnh minh họa của Báo Giáo dục và thời đại)

Nhiều biểu mẫu cứ na ná nhau. Có biểu mẫu từ Phòng gửi xuống, biểu mẫu từ Ủy ban xã phường gửi về dù có nhiều mục tương tự nhưng không vì thế mà làm cái này bỏ cái khác. 

Mỗi năm lại làm thêm những biểu mẫu mới nhưng biểu mẫu cũ cũng không được bỏ đi. 

Bởi thế, nhiều giáo viên làm năm này, lưu vào hộp thư năm khác lấy ra sửa ngày tháng năm là mang nộp. Hoặc người này cho người kia chỉ việc thay tên đổi họ là xong. 

Đến cả “Báo cáo thành tích cá nhân” đề nghị xét tặng lao động tiên tiến hoặc chiến sĩ thi đua cũng phải copy.

Ngoài họ tên, lớp chủ nhiệm của mỗi người là khác nhau, giáo viên bê nguyên xi của nhau những mục như tư tưởng chính trị, nhiệm vụ được giao, thành tích đạt được (một số số liệu của lớp).

Có giáo viên tự mình làm cho hàng chục người chỉ trong vòng dăm phút. 

Bao giờ, nhà trường, giáo viên hết đối phó với thanh tra?

(GDVN) - Có nhiều thầy, cô giáo mất ăn, mất ngủ, sút đến mấy cân vì lo thiết kế bài giảng, làm đồ dùng dạy, dạy thử… để đối phó với thanh tra.

Nhưng cũng có những biểu mẫu buộc phải viết tay. Thế rồi lên lớp, giáo viên lại tranh thủ cặm cụi ghi ghi chép chép. 

Người làm trước lại cho người làm sau mượn sao chép y chang. Chỉ cần bỏ công đọc của một người cũng có thể đoán biết được những thành viên còn lại viết gì.

Khi được hỏi “Sao năm nào cũng phải làm?”, giáo viên được giải thích:

Có biểu mẫu phải nộp lên trên. Biểu mẫu để kẹp hồ sơ cá nhân. Biểu mẫu lưu vào hồ sơ của trường cho đúng quy định.

Đó là bằng chứng của những việc mình đã làm. Nếu không khi thanh tra về họ nói mình chẳng làm gì cả”. 

Các loại hồ sơ

Song song với việc phải hoàn thành các biểu mẫu, nhiều giáo viên cũng gấp rút hoàn thành các loại hồ sơ sổ sách cá nhân để chuẩn bị cho đợt kiểm tra cuối cùng trong năm. 

Những trang thiết kế cũng được copy từ năm này qua năm khác chỉ việc sửa ngày tháng, xếp theo thời khóa biểu hiện dạy và in ra nằm chờ. 

Nào sổ hội họp xem có thiếu trang nào, sổ ghi đồ dùng dạy học đã ghi chép đủ chưa? 

Có lẽ sổ biên bản hội họp tổ là hoảng nhất. Cái tổ bé tí chừng dăm lớp cứ 2 tuần họp một lần nhưng biên bản ghi hàng chục trang. 

Giáo viên vào mùa copy ảnh 2

Thầy cô đang vào mùa khai biểu mẫu, giấy tờ đánh giá, phân loại cán bộ

Thôi thì “thượng vàng hạ cám” đều phải thể hiện tuốt.

Người ta có thói quen nhìn vào những việc ghi chép trên sổ sách để đánh giá hiệu quả công việc chứ mấy ai quan tâm đến chất lượng thực tế như học sinh học hành, tiến bộ ra sao? 

Bởi thế “làm mà không ghi ai mà biết được?” lời Hiệu trưởng nhắc nhở nên các thành viên trong tổ mỗi lần đến kì họp phải căng đầu, vắt óc nghĩ ra nhiều công việc, cách thực hiện và giải pháp để ghi vào biên bản với phương châm “càng nhiều càng tốt”. 

Biên bản được ghi xong cũng là lúc cuộc họp được kết thúc. Có tổ “chẳng biết ghi cái gì” vì không làm mà nghĩ để ghi ra đôi khi cũng chẳng dễ dàng gì nên mượn lại sổ biên bản của tổ khác để “dựa vào phăng thêm một ít”.

Dù đã được giảm tải rất nhiều nhưng hàng năm giáo viên vẫn đang chịu nhiều áp lực vì hàng loạt biểu mẫu, phiếu đăng kí, bảng đánh giá… Những điều vô bổ này đang lấy khá nhiều thời gian, công sức của giáo viên. 

Đổi mới giáo dục, ngoài việc đổi mới về chương trình, phương pháp dạy học cũng rất cần sự đổi mới kiểu tư duy lối mòn như hiện nay của một số nhà quản lý.

Thuận Phương