Ngày 11/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm học 2016 – 2017, phương hướng nhiệm vụ năm học 2017 – 2018 tại các cơ sở giáo dục Đại học, các trường Sư phạm.
Hội nghị được tổ chức tại 3 đầu cầu ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị tại Hà Nội. Các Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Phạm Mạnh Hùng tham dự tại 2 điểm cầu còn lại.
Tự chủ Đại học công lập: Dễ thu hút nhân tài giảng viên
Là một trong những Trường Đại học công lập tự chủ tài chính được đánh giá tốt nhất hiện nay, phát biểu tại hội nghị sáng nay, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Minh – Hiệu phó Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi được cho phép tự chủ nguồn thu từ năm 2015, nhà trường đã có ngay chính sách thu hút nhân tài giảng viên.
Nhà trường động viên các giảng viên đi nghiên cứu sinh, hỗ trợ thêm tiền cho các Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư. Ngược lại, nếu 1 năm mà những người này không có công trình nghiên cứu khoa học, thì nhà trường cũng sẽ cắt tiền hỗ trợ.
Các nghiên cứu sinh trong nước sẽ được trường hỗ trợ kinh phí đào tạo, hỗ trợ 100% mức lương cơ bản.
Sau khi nhà trường tự chủ tài chính, thu nhập của cán bộ, giảng viên nhà trường năm sau luôn tăng hơn năm trước. Năm 2016 tăng 106% so với năm 2015, năm 2017 tăng 109% so với năm 2016, tạo ra một môi trường làm việc tốt hơn cho tất cả mọi người.
Phó Giáo sư Nguyễn Đức Minh: Tự chủ tài chính sẽ giúp các trường Đại học thu hút nhân tài (ảnh: P.L) |
Đối với quá trình đào tạo, theo Phó Giáo sư Nguyễn Đức Minh, việc tự chủ sẽ giúp cho nhà trường có những điểm tích cực hơn, mở ngành mới nhanh chóng hơn theo từng năm, nhưng quy trình hồ sơ, thủ tục vẫn đầy đủ, thực hiện nghiêm ngặt quy định của cấp trên.
Hiểu “tự chủ đại học đồng nghĩa với việc học phí tăng” là quan niệm phiến diện |
Dù hiện nhà trường đang thực hiện tự chủ nguồn thu, nhưng mức học phí trường thu vẫn chưa tăng lên mức kịch trần, nhưng việc hỗ trợ học phí và học bổng cho sinh nghèo, học giỏi đều tăng theo mỗi năm.
Cuối cùng, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, việc giao tự chủ cho Trường Đại học là rất sáng suốt, công bằng.
Cũng đồng tình quan điểm này, Phó Giáo sư Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ đề nghị, cần phải mở rộng, giao quyền tự chủ nhiều hơn về cho các Trường Đại học công lập.
Thị trường lao động hội nhập, trình độ ngoại ngữ của sinh viên rất quan trọng
Nói về trình độ của sinh viên trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng hội nhập, cạnh tranh, không phân biệt khu vực và quốc tế, Phó Giáo sư Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm của sinh viên sẽ rất quan trọng.
Là một trường thuộc khối ngoài công lập, Phó Giáo sư Thái Bá Cần – Hiệu trưởng Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng thông tin, tại trường, việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên là một việc làm thường xuyên.
Phó Giáo sư Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng phát biểu tại hội nghị (ảnh: P.L) |
Muốn được như vậy, sinh viên phải nắm bắt ngoại ngữ như là 1 công cụ khả thi nhất để bước vào thị trường lao động, dành nhiều thời gian học ngoại ngữ hơn.
Phó Giáo sư Thái Bá Cần nêu quan điểm: Đào tạo chất lượng cao là không phải cho ra nhiều nhân tài, mà chỉ trong phân khúc của mình, đào tạo ra sinh viên đi làm đáp ứng và được thị trường lao động chấp nhận, có chương trình đào tạo hội nhập với quốc tế, có được trình độ ngoại ngữ tốt và muốn như thế, trường phải quan hệ với doanh nghiệp tốt hơn.
Đồng thời, đại diện Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng cũng đề xuất, với tự chủ ở các trường ngoài công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cho các trường tự chủ mở ngành tốt hơn, những quy định về vấn đề này cần được “mềm” hơn.