Thi trung học phổ thông quốc gia môn Ngữ văn cần chú ý điều gì?

13/12/2019 09:08
Bài và ảnh: Cao Nguyên
(GDVN) - Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố đề minh họa môn Ngữ văn. Vì vậy, thầy cô cần giúp học sinh ôn tập có trọng tâm, tránh dàn trải.

Ngày 10/12/2019, báo điện tử Dân trí dẫn lời ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, kì thi văn trung học phổ thông quốc gia năm nay (2020) giữ ổn định nên Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không công bố đề thi minh họa.

Cũng theo ông Trinh, do kì thi ổn định nên giáo viên và học sinh bám sát đề thi minh họa năm 2019 để ôn tập. [1]

Theo chúng tôi, thầy cô cần bám sát đề thi minh họa, đề thi chính thức và đề thi dự trữ năm 2018 để ôn tập cho học sinh.

Đề minh họa 2019

Đề minh họa 2019
Đề minh họa 2019

Về đề minh họa, phần đọc hiểu không đề cập đến các đơn vị kiến thức như: phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, biện pháp tu từ, hình thức diễn đạt của văn bản.

Phần làm văn, câu nghị luận xã hội, yêu cầu viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) được tích hợp một vấn đề từ nội dung văn bản đọc hiểu.

Câu nghị luận văn học yêu cầu so sánh hai chi tiết trong một đoạn văn (cho sẵn) của tác phẩm.

Nhận xét: Đề minh họa, học sinh dễ dàng đạt điểm cao ở phần đọc hiểu vì những câu hỏi chỉ xoay quanh văn bản qua các mức độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng (thấp).

Câu nghị luận xã hội, nhìn chung học sinh có thể viết ở mức từ trung bình trở lên.

Nhưng, với câu nghị luận văn học, học sinh khó đạt điểm cao khi đề cho hai chi tiết trong một tác phẩm khiến các em rất khó triển khai vì thiếu kĩ năng và thiếu ý để viết. Dạng đề này chỉ phù hợp với học sinh có lực học khá và giỏi.

Đề thi chính thức 2019

Đề thi chính thức 2019
Đề thi chính thức 2019

Về đề thi chính thức, phần đọc hiểu hỏi về thể thơ và hiệu quả của một biện pháp tu từ (đã được xác định sẵn).

Phần làm văn, câu nghị luận xã hội, yêu cầu viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) được tích hợp một vấn đề từ nội dung văn bản đọc hiểu.

Câu nghị luận văn học yêu cầu cảm nhận về một đoạn văn cho sẵn của một tác phẩm. Từ đó, nhận xét về sự phát hiện độc đáo của tác giả về một nội dung được nói đến.

Nhận xét: Đề thi chính thức, học sinh khó đạt điểm ở phần đọc hiểu vì câu hỏi có đề cập đến biện pháp tu từ.

Câu nghị luận xã hội, nhìn chung học sinh có thể đạt điểm từ trung bình trở lên.

Câu nghị luận văn học, học sinh cũng khó đạt điểm cao vì đề yêu cầu cảm nhận một đoạn văn ngắn, khiến các em rất khó triển khai vì thiếu kĩ năng và thiếu ý để viết. Dạng đề này chỉ phù hợp với học sinh có lực học khá, giỏi.

Đề thi dự trữ 2019

Đề thi dự trữ 2019
Đề thi dự trữ 2019

Về đề thi dự trữ (dành cho thí sinh Sơn La và Lào Cai), phần đọc hiểu không đề cập đến các đơn vị kiến thức như: phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, biện pháp tu từ, hình thức diễn đạt của văn bản.

Phần làm văn, câu nghị luận xã hội, yêu cầu viết một đọan văn ngắn (khoảng 200 chữ) được tích hợp một vấn đề từ nội dung văn bản đọc hiểu.

Câu nghị luận văn học yêu cầu cảm nhận về nội dung trong một đoạn thơ (cho sẵn) và nhận xét về bút pháp nghệ thuật của tác giả.

Nhận xét: Đề thi dự trữ, học sinh có thể đạt điểm cao ở phần đọc hiểu vì những câu hỏi chỉ xoay quanh văn bản qua các mức độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng (thấp).

Câu nghị luận xã hội, nhìn chung học sinh có thể dễ đạt điểm ở mức từ trung bình trở lên.

Câu nghị luận văn học, học sinh có thể đạt điểm cao vì đề cho sẵn một đoạn thơ cụ thể, không đánh đố (tính phân loại chưa cao).

Định hướng ôn tập 2020

Cách ra đề thi môn Ngữ Văn như hiện nay đã lỗi thời
Cách ra đề thi môn Ngữ Văn như hiện nay đã lỗi thời

Thứ nhất, phần đọc hiểu, thầy cô cần xoáy sâu phần kiến thức về phép tu từ. Cụ thể, học sinh nhận diện và phân tích được tác dụng của một số biện pháp tu từ như: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, phép điệp…

Học sinh phải căn cứ vào nội dung ngữ liệu để phân tích tác dụng của một phép tu từ nào đó mới có điểm, không được trả lời một cách chung chung “… gợi hình, gợi cảm, mang sắc thái văn chương”.

Thứ hai, phần làm văn, câu nghị luận xã hội, đề chỉ yêu cầu nghị luận về một khía cạnh của vấn đề được nói đến nên học sinh phải viết trọng tâm, không dàn trải. Đặc biệt, không được viết thành bài văn thu nhỏ, mà chỉ cần triển khai từ một luận điểm.

Ví dụ, đề dữ trữ năm 2019 yêu cầu: “… viết đoạn văn về ý nghĩa của việc nắm bắt cơ hội đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hiện nay”.

Với câu lệnh này, học sinh phải xác định được từ khóa “ý nghĩa” (của việc nắm bắt cơ hội) chứ không phải làm rõ cả mệnh đề “nắm bắt cơ hội”.

Riêng câu nghị luận văn học, học sinh cần nắm thật chắc nội dung, nghệ thuật của tác phẩm và phong cách nghệ thuật của tác giả.

Khi đề yêu cầu cảm nhận hai đoạn văn (trong một tác phẩm) hoặc một đoạn văn/đoạn thơ, học sinh ngoài việc phân tích nội dung, nghệ thuật của đoạn văn/đoạn thơ đó thì cũng phải đặt đoạn văn/đoạn thơ trong mối quan hệ chung của tác phẩm.

Như thế, học sinh sẽ phát triển được ý và bài làm cũng sâu sắc hơn.

Ngoài ra, thầy cô nên xem lại đáp án đề thi chính thức và đáp án đề thi dự trữ của Bộ để giúp học sinh luyện tập được tốt hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1]//dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/khong-cong-bo-de-thi-minh-hoa-thi-thpt-quoc-gia-2020-bo-giao-duc-noi-gi-20191210112846211.htm

[2]//moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=6074&fbclid=IwAR0NF73sftc9A8FT1p7aXJvG8HEP08wHgCpGPQy9Xe5aH18k9apRG3E0zUY 

Bài và ảnh: Cao Nguyên