Nhiều tác phẩm nói đến chết chóc rùng rợn
Từ văn học dân gian đến văn học viết ở chương trình Ngữ văn 10 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), có nhiều tác phẩm kể, miêu tả về cái chết của nhân vật.
Cụ thể, văn bản “Chiến thắng Mtao Mxây” (Trích Đăm Săn – sử thi Tây Nguyên) miêu tả Đăm Săn cắt đầu Matao Mxây rùng rợn:
“Đăm Săn – Sao ngươi còn cúng trâu cầu phúc cho ta? Chẳng phải vợ ta ngươi đã cướp, đùi ta ngươi đã đâm rồi sao?
Nói rồi Đăm Săn đâm phập một cái, cắt đầu Mtao Mxây đem bêu ngoài đường.” (Ngữ văn 10, tập 1, trang 33)
Truyền thuyết “Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy” kể An Dương Vương giết con gái thật thảm khóc:
“Vua chạy tới bờ biển, đường cùng không có thuyền qua bèn kêu rằng: “Trời hại ta, sứ Thanh Giang ở đâu, mau mau lại cứu”.
Rùa Vàng hiện lên mặt nước, thét lớn: “Kẻ nào ngồi sau ngựa chính là giặc đó!”. Vua bèn tuốt gươm chém Mị Châu… Mị Châu chết ở bờ biển, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều thành hạt châu.” (Ngữ văn 10, tập 1, trang 42)
Truyện cổ tích “Tấm Cám” nói đến việc Tấm trả thù Cám. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ: Littlestar.edu.vn) |
Truyện cổ tích “Tấm Cám” nói đến việc Tấm trả thù Cám ghê sợ:
“Cám thấy Tấm trở về và được vua yêu thương như xưa thì không khỏi sợ hãi. Một hôm, Cám hỏi chị:
- Chị Tấm ơi chị Tấm, chị làm thế nào mà đẹp thế?
Tấm không đáp, chỉ hỏi lại:
- Có muốn đẹp không để chị giúp?
Cám bằng lòng ngay. Tấm sai Quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cảm xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết.” (Ngữ văn 10, tập 1, trang 72)
Đoạn trích “Hồi trống Cổ Thành” (Trích Hồi 28, Tam quốc diễn nghĩa – La Quán Trung) kể chuyện Quan Công chém đầu Sái Dương hãi hùng:
“Một lát, quân Tào kéo đến, Sái Dương đi đầu, vác đao tế ngựa xông đến, quát to:
- Mày giết cháu ngoại tao là Tần Kì, lại trốn đến đây. Tao phụng mệnh thừa tướng đến bắt mày.
Quan Công chẳng nói một lời, múa long đao xô lại, Trương Phi thẳng cánh đánh trống. Chưa dứt một hồi, đầu Sái Dương đã lăn xuống đất.” (Ngữ văn 10, tập 2, trang 78)
Hàng loạt đề thi Ngữ văn ra trùng đề khiến giáo viên ngao ngán |
Và đoạn trích “Trao duyên” (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du), nhân vật Thúy Kiều cũng dự cảm về cái chết đầy ám ảnh:
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ la cây
Thấy hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền ghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan” (Ngữ văn 10, tập 2, trang 105)
Một số văn bản chưa phù hợp với tâm lí lứa tuổi
Học sinh lớp 10, chưa tròn 16 tuổi, nhưng các em phải tiếp xúc quá nhiều văn bản văn học có nội dung chết chóc rùng rợn là chưa phù hợp với tâm lí lứa tuổi.
Có nhiều giáo viên dạy trích đoạn trích “Hồi trống Cổ Thành” (Trích Hồi 28, Tam quốc diễn nghĩa – La Quán Trung) còn minh họa cả đoạn phim Quan Công chém đầu Sái Dương.
Ngữ liệu sách giáo khoa... cần lựa chọn phù hợp |
Nhìn cảnh đầu Sái Dương rơi lăn lóc xuống đất, máu me phun đỏ thành tia, còn Trương Phi thì khuôn mặt đằng đằng sát khí, nhiều học sinh chỉ biết nhắm mắt, khiếp vía.
Đành rằng, những tác phẩm văn học ra đời trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng việc lựa chọn văn bản đưa vào sách giáo khoa là do ý chí chủ quan của người biên soạn.
Và ai dám chắc, những tác phẩm viết về cái chết ghê sợ sẽ không ảnh hưởng đến nhận thức tiêu cực của học sinh ở tuổi này?
Thầy Nguyễn Việt Đ., giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm:
“Theo tôi, nội dung chương trình Ngữ văn ở bậc trung học phổ thông cũng cần có sự đa dạng về thể loại. Nhưng nên quan tâm đến sự phù hợp với tâm lý, thời đại, cảm xúc của học sinh
Nên hạn chế đưa vào sách giáo khoa những tác phẩm nói đến cái chết vì nó tác động xấu đến tâm sinh lí của tuổi mới lớn. Có thể thay bằng một số tác phẩm mới hiện nay của những nhà văn được giới trẻ yêu thích như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư...”.
Cùng quan điểm, cô N.T.T, giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông ở tỉnh Ninh Bình bày tỏ:
“Tôi chỉ mong đợt thay sách giáo khoa sắp tới, người biên soạn sẽ đưa vào sách nhiều tác phẩm văn học hiện đại mang tính văn chương, gần gũi với đời sống học sinh hiện nay.
Học sinh ở tuổi cấp 3 mà nói nhiều đến chuyện u sầu, cái chết thì cũng chẳng mang lại lợi ích thiết thực gì trong việc học môn Ngữ văn”.
Chúng tôi vẫn giữ quan điểm, việc đưa nhiều tác phẩm/đoạn trích văn học nói nhiều đến cái chết vào chương trình Ngữ văn trung học phổ thông - nhất là lớp 10 - là chưa phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh.