Những sai phạm, thiếu sót thường gặp về công tác chuyên môn ở trường phổ thông

11/02/2020 06:38
HỮU SƠN
(GDVN) - Thầy Hữu Sơn nhận thấy các trường học thường mắc một số sai phạm, thiếu sót phổ biến về công tác chuyên môn sau đây.

Là một thầy giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở trường học phổ thông, tôi nhiều lần được Sở Giáo dục và Đào tạo mời đi kiểm tra, đánh giá công tác quản lý chuyên môn của Hiệu trưởng tại nhiều trường trên địa bàn toàn tỉnh. 

Qua kiểm tra, tôi thấy các trường học thường mắc một số sai phạm, thiếu sót phổ biến về công tác chuyên môn sau đây. 

Đó là thiếu một số cột điểm ở các bộ môn văn hóa, nghề phổ thông theo quy định tại Thông tư 58 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. 

Đó là đánh giá, xếp loại không đúng về học sinh. Học sinh bị xếp loại hanh kiểm yếu cả năm mà nhà trường vẫn không tổ chức rèn luyện trong hè. 

Học sinh bị điểm dưới 3,5 một môn học mà nhà trường vẫn xếp loại học lực trung bình, không phải thi lại, được lên lớp thẳng. 

Công tác quản lý chuyên môn ở trường phổ thông rất quan trọng. (Ảnh minh họa: vtv.vn)
Công tác quản lý chuyên môn ở trường phổ thông rất quan trọng. (Ảnh minh họa: vtv.vn)

Trong sổ điểm lớn và học bạ, có học sinh tổng số buổi, ngày nghỉ học trên 50 buổi, ngày nghỉ nhưng nhà trường vẫn cho lên lớp bình thường. (Đúng ra phải cho ở lại lớp, vì nghỉ quá 45 buổi, ngày học tại trường). 

Đó là sai sót, vi phạm, không thống nhất trong khâu chấm điểm, nhập điểm, chỉnh sửa điểm đối với diện học sinh phải thi lại các môn văn hóa gây mất công bằng trong học sinh. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mới phản ánh: “Tại  Trường trung học phổ thông Giồng Ông Tố, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đoàn thanh tra, kết luận rằng, trong năm học 2016 – 2017, trong kỳ kiểm tra lại của học sinh khối 10, có một số em không đủ điều kiện lên lớp, nhưng năm học sau đó vẫn được lên lớp 11 học như bình thường. 

Hiệu trưởng và bộ phận nhập điểm đã điều chỉnh điểm kiểm tra lại trong hè năm học đó từ rớt thành đậu.

Trong số 12 bài kiểm tra lại có số điểm dưới 3,5, Hiệu trưởng đã phân công cho 2 giáo viên khác chấm lại.

Kết quả chấm: Lần 1 có 6 học sinh đạt trên 3,5 điểm và lần 2 thì có 12 bài đều trên 3,5 điểm.

Điểm đã được thay đổi, tăng từ 0,5 đến 1 điểm, đã dẫn đến việc thay đổi kết quả lên lớp của 6 học sinh khối 10. 

Dù có thay đổi kết quả chấm điểm, nhưng nhà trường khi đó đã không tổ chức trao đổi, đối thoại giữa giáo viên chấm lần 1 và lần 2. 

Không có sự thống nhất, hội ý giữa hai cặp chấm kiểm tra lại môn Toán khối 10.

Theo cơ quan quản lý, việc này đã vi phạm vào các quy định về chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các hướng dẫn mà Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra.” (Trong bài “Có nhiều sai phạm, hai hiệu trưởng bị điều về làm chuyên viên Sở Giáo dục” đăng ngày 08/02/2020 của tác giả Phương Linh). 

Hiệu trưởng mà không giỏi chuyên môn thì quản lý cái gì?
Hiệu trưởng mà không giỏi chuyên môn thì quản lý cái gì?

Đó là một số trường hợp nhận học sinh chuyển đến không đủ thủ tục theo quy định, giáo viên đứng lớp không có chuyên môn sư phạm đã từng xảy ra ở Trường trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu theo kết luận thanh tra của Đoàn thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. 

Ngoài ra, nhà trường còn thiếu ban hành một số loại văn bản, kế hoạch, quyết định… theo quy định, hướng dẫn của cấp trên.

Đến lúc kiểm tra thì mới chạy tìm, làm bổ sung một cách vội vã, đối phó.

Việc sắp xếp, lưu trữ các loại hồ sơ, sổ sách cũng đang là khâu yếu, tồn tại ở nhiều đơn vị, thường rất bề bộn, lộn xộn, thiếu khoa học và ngăn nắp.

HỮU SƠN