Nếu thi vào cấp 3 quá khó, thí sinh lớp 9 nên chọn trường nghề

22/06/2020 05:58
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu học sinh có học lực không tốt, kinh tế gia đình khó khăn thì việc lựa chọn học nghề sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 không phải là một giải pháp tồi.

Ngày trước, học sinh lớp 12 muốn vào đại học thường rất khó vì tỉ lệ chọi cao và số trường đại học cũng chưa nhiều.

Nhưng bây giờ đã đổi khác, học sinh chỉ cần được xếp loại học lực trung bình, muốn vào học đại học thì không có gì là khó khăn cả.

Ở chiều ngược lại, học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở, muốn vào các trường Trung học phổ thông lại thường rất khó.

Nhiều trường Trung học phổ thông chuyên hoặc trường điểm có tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng nên học sinh lớp 9 muốn vào lớp 10 thường phải trải qua một kỳ thi mang tính cạnh tranh gay gắt.

Cho dù chính sách phân luồng đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng đa phần học sinh khi hoàn thành chương trình lớp 9 vẫn chưa muốn đi học nghề, các trường chưa còn khó khăn trong việc phân luồng nên áp lực tuyển sinh 10 hiện nay vẫn đang rất lớn.

Tỉ lệ chọi trong tuyển sinh 10 thường vẫn rất cao (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tỉ lệ chọi trong tuyển sinh 10 thường vẫn rất cao (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tỉ lệ chọi vào lớp 10 của một số địa phương vẫn đang rất cao

Năm nay, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến cho việc học của học sinh trên cả nước bị gián đoạn, một số địa phương đã chủ trương chỉ xét tuyển học bạ ở lớp 10 đối với các trường đại trà và tổ chức thi tuyển ở khối trường chuyên.

Nhưng nhiều địa phương vẫn phải tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 cho tất cả học sinh đăng ký dự tuyển 10 vì tỉ lệ học sinh lớp 9 cao và các em vẫn muốn được tiếp tục học văn hóa chứ không có ý định học nghề hay nghỉ học ở nhà.

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, chúng ta thấy một số trường trung học phổ thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có tỉ lệ chọi tuyển sinh 10 ở mức rất cao.

Chẳng hạn như trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ tuyển 305 chỉ tiêu lớp 10 hệ chuyên nhưng nhà trường đã nhận được 4.860 hồ sơ.

Vì thế, tỉ lệ chọi trung bình vào lớp 10 hệ chuyên của nhà trường là 1 chọi 15,93; trong đó, lớp chuyên Tiếng Anh có tỉ lệ chọi cao nhất là 1 chọi 29,25.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ chọi cao nhất thuộc về trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong với số lượng đăng ký 3.356/ 595 chỉ tiêu, tính trung bình 1 thí sinh phải chọi xấp xỉ 5.64 thí sinh khác.

Đối với khối trường đại trà ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay những địa phương còn lại dù tỉ lệ không cao ngất ngưởng như khối trường chuyên nhưng kỳ thi này vẫn là một cuộc chạy đua khốc liệt mới có suất để vào lớp 10 công lập.

Vì sao thi tuyển sinh 10 vẫn là kỳ thi khốc liệt nhất?

Như chúng ta đã biết, đối với học sinh cấp tiểu học lên cấp trung học cơ sở hiện nay rất đơn giản, chỉ có một số ít trường ở Hà Nội tổ chức thi tuyển vì số hồ sơ dự tuyển quá nhiều.

Còn lại, các trường trung học cơ sở trên cả nước đều thực hiện việc tuyển sinh theo địa bàn.

Đối với học sinh lớp 12 thì năm nay không tổ chức kỳ thi quốc gia như mọi năm mà Bộ và các địa phương chỉ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Tuy nhiên, đa phần các trường đại học đều dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học, nhiều trường chỉ xét học bạ khi tuyển sinh.

Nhưng, đối với học sinh lớp 9 thi tuyển sinh 10 thì lại căng thẳng khi nhiều trường còn tổ chức sơ tuyển học bạ rồi mới tổ chức thi tuyển.

Càng trường chuyên, trường điểm thì công tác tuyển sinh càng chặt chẽ, khắt khe và nhiều trường cho dù không phải trường chuyên nhưng những học sinh xếp loại học lực Khá ở lớp 9 cũng khó có cơ hội để trúng tuyển vì tỉ lệ chọi cao quá.

Thực tế cho thấy tỉ lệ chọi cao có nhiều nguyên nhân nhưng cái chính là khi điều kiện kinh tế của người dân được nâng cao, chính sách kế hoạch hóa gia đình khiến cho các phụ huynh luôn mong muốn con mình sẽ có một tương lai tốt nhất.

Phụ huynh luôn muốn con mình học văn hóa hết bậc phổ thông để vào đại học hoặc học xong phổ thông mới đi học nghề vì lúc này các em đã khôn lớn.

Nếu cho con đi học nghề sau lớp 9 thì sợ con em mình còn quá nhỏ, phải đi học xa dễ vấp ngã trước những cám dỗ ở phố phường.

Vì thế, dù các nhà trường đã định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đã họp phụ huynh để tư vấn, phân luồng học sinh sau lớp 9 nhưng vẫn ít hiệu quả.

Nhiều trường nghề đến tại các trường trung học cơ sở tư vấn cho học sinh lớp 9 khi vào học nghề vẫn kết hợp học văn hóa và sau thời gian 2,5- 3 năm thì học sinh vừa có bằng nghề vừa được chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông.

Nhưng cái khó nhất đó là học sinh dù học lực không tốt vẫn muốn tiếp tục thi để học lớp 10 chứ rất hiếm học sinh có ý định học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.

Một khi phân luồng chưa phát huy được hiệu quả sẽ dẫn đến nhiều bất cập

Nhìn vào bức tranh tuyển sinh 10 ở các địa phương trong những năm qua thì chúng ta thấy khối trường chuyên vẫn luôn cạnh tranh gay gắt nhất, càng khó, học sinh dự thi lại càng nhiều.

Không chỉ trường chuyên mà những trường điểm cũng luôn là địa chỉ tin cậy của nhiều học sinh nộp đơn thi (xét) tuyển.

Học sinh trung bình thì nộp đơn vào các trường bình thường trên địa bàn nếu rớt thì xin vào học ở các trường tư thục, các trung tâm giáo dục thường xuyên…

Chỉ những em thực sự hết cửa vào lớp 10 mới đi học nghề nên chúng ta thấy tình trạng nhiều thí sinh chỉ điểm 0, điểm liệt trong kỳ thi này.

Để việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở thực ra từ lâu đã không phải là một việc dễ dàng đối với các nhà trường và các địa phương bởi chưa thay đổi được cách nghĩ của phụ huynh và chưa có sự quyết liệt của các nhà trường.

Vì thế, phụ huynh cũng cần phải căn cứ vào sức học của con em mình, điều kiện kinh tế của gia đình để có những định hướng phù hợp.

Nếu học sinh có học lực không tốt, kinh tế gia đình khó khăn thì việc lựa chọn học nghề cho học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 không phải là một giải pháp tồi nhất.

Bởi khi các em 18 tuổi thì có thể tự có thể lo được cuộc sống của mình khi có chứng chỉ nghề bởi bây giờ địa phương nào chẳng có các khu công nghiệp nên học nghề gần như không có khái niệm thất nghiệp.

Đối với các nhà trường trung học cơ sở cần có những định hướng rõ ràng, tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh khi các em vừa bước vào học lớp 9 để có những định hướng cần thiết.

Phân luồng tốt sẽ giảm áp lực thi tuyển 10 và đây cũng là cách giúp cho thị trường lao động trong tương lai không bị mất cân đối, có nhiều cái lợi cho gia đình và xã hội nhằm tránh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như lâu nay.

Đồng thời cũng tránh tình trạng một số em cố học để vào đại học nhưng học xong lại phải quay về học nghề như lâu nay.

Tài liệu tham khảo:

//vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/ty-le-choi-vao-lop-10-chuyen-ngoai-ngu-nam-2020-649779.html

//laodong.vn/giao-duc/1-choi-29-de-vao-lop-10-da-phai-la-ti-le-choi-cao-nhat-chua-813646.ldo

NGUYỄN NGUYÊN