Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin khá nhiều về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về các dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông công lập.
Nhìn hệ số lương cho giáo viên hạng I ở các cấp học quả thật là rất lý tưởng bởi hệ số kịch khung lên đến hệ số 6,78, trong khi hàng chục năm qua thì giáo viên các cấp học này được xếp kịch khung là hệ số 4,98.
Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp trung học cơ sở để thấy rằng để được giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I và được xếp lương ở hệ số 6,78 vẫn là một “giấc mơ dài” của đa số giáo viên cấp học này.
Rất khó để giáo viên được xếp ở hạng I (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Gia Lai) |
Hệ số lương cao nhưng không mấy ai với tới
Để được xếp ở hạng I và được xếp hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78 thì có lẽ giáo viên nào cũng mong muốn vì hệ số 4,4 cũng đã tương đương hệ số lương bậc 7 (đại học) hiện hành.
Nhưng, để trở thành giáo viên hạng I thì có khó không và sẽ có bao nhiêu giáo viên được xếp ở hạng I mới là điều mà quan trọng, cần bàn luận.
Bởi, theo dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trung học cơ sở thì nó khó vô cùng so với thực tế trình độ, năng lực, công việc hiện tại của những giáo viên đang công tác hiện nay.
Về nhiệm vụ được quy định tại điều 6 thì giáo viên được xếp ở hạng I phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
a) Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên;
b) Làm báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên từ cấp huyện trở lên hoặc tham gia dạy học trên truyền hình;
c) Chủ trì triển khai, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai các chủ trương, nội dung đổi mới của ngành;
d) Tham gia đánh giá ngoài hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp huyện trở lên; tham gia đánh giá hoặc hướng dẫn các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp huyện trở lên;
đ) Tham gia ban tổ chức hoặc ban giám khảo hoặc ban ra đề trong các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp huyện trở lên (nếu có).
Trong thực tế, có mấy giáo viên trung học cơ sở có cơ hội để được “tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên”?
Có mấy giáo viên được đứng ra “báo cáo”, “tập huấn” cho giáo viên khác, có mấy giáo viên được “Tham gia đánh giá ngoài hoặc kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp huyện trở lên”?
Có mấy giáo viên được cơ cấu để làm “Ban giám khảo hoặc ban ra đề trong các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp huyện trở lên”?
Về tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên trung học cơ sở hạng I được quy định cũng tại điều 6 như sau:
“a) Có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành đúng hoặc phù hợp với môn học giảng dạy;
b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc trình độ tương đương trở lên theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc trình độ tương đương trở lên theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
d) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I”.
Nếu so với thời điểm hiện nay thì giáo viên trung học cơ sở được yêu cầu có trình độ cao đẳng, sau ngày 1/7/2020 thì yêu cầu là trình độ đại học.
Nhưng, giáo viên trung học cơ sở được xếp ở hạng I phải có trình độ bắt buộc từ thạc sĩ trở lên, đúng với chuyên ngành mà mình dạy.
Việc có bằng thạc sĩ đối với giáo viên trung học cơ sở hiện nay cũng đã có nhưng chỉ với tỉ lệ rất nhỏ ở các địa phương.
Hơn nữa, yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam thì có lẽ giáo viên hiện nay ở cấp học này khó có người đạt được.
Vì trình độ ngoại ngữ ở bậc 3 theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam không phải giáo viên nào cũng đáp ứng được bởi các kỹ năng ngoại ngữ có yêu cầu rất cao.
Hiện nay, giáo viên phổ thông đa phần chỉ yêu cầu ở mức bậc 1 mà nhiều người còn không học được thì bậc 3 lại càng khó khăn hơn. May ra, chỉ có giáo viên ngoại ngữ thì mới đạt được ở mức này.
Song, bằng cấp mới chỉ là những tiêu chuẩn cứng mà thôi vì khi giáo viên được xếp ở hạng I còn có rất nhiều tiêu chuẩn khác và cũng là điều thách thức với giáo viên muốn được xếp ở hạng I.
Cũng tại điều 6 của dự thảo này còn yêu cầu:
“Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (bao gồm cả thời gian giữ ngạch giáo viên trung học cơ sở chính nếu có) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên, không kể thời gian tập sự.
Đối với các chức danh tương đương thì phải có ít nhất 01 (một) năm giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II”.
Ngoài ra còn vô vàn tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, bằng khen, danh hiệu khác nữa mà nếu có đạt tất cả các yêu cầu thì còn phải căn cứ vào nhu cầu vị trí việc làm của đơn vị thì mới được thi thăng hạng.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng giáo viên trung học cơ sở muốn được xếp ở hạng I để hưởng mức lương có hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78 còn khó hơn là việc được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân hiện nay.
Thế nên, việc được bổ nhiệm giáo viên trung học cơ sở hạng I thì có lẽ ai cũng muốn nhưng thực tế sẽ hiếm có giáo viên với tới được.
Tài liệu tham khảo:
//moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1492