Sớm ban hành chính sách thu hút nhân tài là người dân tộc thiểu số

31/07/2020 15:55
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cả nước hiện có 316 trường dân tộc nội trú, với 109.445 học sinh; 1.127 trường, với 237.171 học sinh.

Ngày 30/7, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội khóa XIV đối với nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 33).

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi làm việc.

Nhiều chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số

Theo Nghị quyết 33, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện hai nội dung: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, thực hiện hiệu quả chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, gắn đào tạo với nhu cầu và bố trí việc làm tại địa phương; nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số.

Triển khai hai nội dung này, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhiều văn bản quy định chính sách ưu tiên trong tuyển sinh hệ dự bị đại học, đại học hệ chính quy và sau đại học đối với người học là người dân tộc thiểu số. Các chính sách này đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực, có hiệu quả và chất lượng trong công tác tuyển sinh đối với người dân tộc thiểu số.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố thực hiện công khai, minh bạch trong tuyển sinh hệ dự bị đại học, đại học, sau đại học hệ chính quy. Các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện nghiêm túc theo các quy định hiện hành về chính sách hỗ trợ đào tạo người dân tộc thiểu số đi đào tạo sau đại học.

Ở các địa phương, chính sách hỗ trợ đào tạo đã được quan tâm nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ.

Một số bộ, ngành và địa phương đã xây dựng những tiêu chí tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức hướng tới thu hút nhân tài là sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi người dân tộc thiểu số.

Cùng với các chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nỗ lực của địa phương, hệ thống các trưởng phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được quy hoạch, củng cố và phát triển, tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số được học tập trong điều kiện ngày càng tốt hơn.

Cả nước hiện có 316 trường dân tộc nội trú, với 109.445 học sinh; 1.127 trường, với 237.171 học sinh.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Nghị quyết 33 còn một số tồn tại cần khắc phục, như số lượng học sinh cử tuyển ngày càng giảm, chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo cử tuyển còn hạn chế, đặc biệt tình trạng học sinh, sinh viên diện cử tuyển sau khi tốt nghiệp không được được bố trí việc làm đã làm cho hiệu quả của chính sách bị giảm sút.

Ngoài ra, do chính sách thu hút nhân tài, giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số chưa được ban hành cụ thể nên chưa tạo ra đột phá trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số miền núi.

Kiên quyết đảm bảo chất lượng cử tuyển

Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, từ năm 2007 đến năm 2013 có tổng số 12.805 học sinh dân tộc thiểu số, miền núi được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Kết quả này, theo Bộ trưởng, thể hiện nỗ lực lớn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, quá trình thực hiện chính sách cử tuyển nảy sinh một số hạn chế, bất cập, từ việc chọn cử, chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo, đầu ra, việc làm cho sinh viên cử tuyển sau tốt nghiệp… Các bất cập này đã phân tích rất kỹ và đưa vào 2 Điều trong Luật Giáo dục 2019.

Thực hiện Luật Giáo dục 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.

Dự thảo Nghị định tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong chính sách cử tuyển.

Với nhóm chính sách về hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay:

Ngành Giáo dục luôn cố gắng phát hiện, tuyển chọn những học sinh dân tộc thiểu số có năng khiếu để có chính sách ưu tiên đào tạo, tạo nguồn cán bộ cốt cán trước hết cho các vùng đồng bào dân tộc, sau đó là góp phần đóng góp nguồn nhân lực cho đất nước.

Theo Bộ trưởng, cơ cấu ngành nghề trong đào tạo nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phải thay đổi, trong đó, bên cạnh những nhóm ngành "truyền thống" như y tế, giáo dục, nông lâm nghiệp, cần tăng cường những nhóm ngành về kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật...

Lưu ý việc đào tạo giáo viên tại chỗ cho vùng đồng bào dân tộc, Bộ trưởng cho rằng, thầy cô trưởng thành từ thôn bản, được đào tạo bài bản, sau đó quay về công tác tại địa phương sẽ rất hiệu quả, tạo sự ổn định, lâu dài.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc phải kiên quyết đảm bảo chất lượng đào tạo. “Vì cử tuyển hay thu hút thì cũng phải đảm bảo chuẩn, không vì bất cứ lí do gì để hạ chuẩn hay du di. Cùng với đó là tạo điều kiện để học sinh được chuẩn bị các điều kiện tốt nhất trước khi vào học” - Bộ trưởng nói.

Liên quan đến giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, còn chính sách tuyển dụng thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ và địa phương thực hiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết vấn đề này.

Đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với giáo dục nói chung và giáo dục dân tộc nói riêng, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh: "Những kết quả đạt được thời gian qua của ngành Giáo dục đã được Quốc hội đánh giá cao".

Cho biết, đợt giám sát này của Hội đồng Dân tộc Quốc hội là để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ông Hà Ngọc Chiến đề nghị:

Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thiện báo cáo, trong đó bám sát yêu cầu của Nghị quyết 33, đồng thời sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.

Theo ông Hà Ngọc Chiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần tiếp tục nghiên cứu để ban hành chính sách thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số. Trong đó, cập nhật số liệu, tình hình thực tế, kiến nghị giải pháp thực hiện liên quan đến từng Bộ, ngành, địa phương.

Thùy Linh