Bộ không làm sách giáo khoa, ai lo cho học sinh dân tộc thiểu số?

13/06/2020 06:30
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình liên quan đến sách dân tộc thiểu số đã đăng đàn website, đang thực nghiệm và đồng thời với đó là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang triển khai.

Theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 thì Tiếng dân tộc thiểu số là một trong hai môn học tự chọn có ở cả tiểu học (70 tiết), trung học cơ sở (105 tiết) và trung học phổ thông (105 tiết).

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 định hướng, dạy học tiếng dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Nhà nước tập trung đầu tư, ưu tiên dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với các dân tộc thiểu số ít người; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phổ thông là người dân tộc thiểu số có nguyện vọng, nhu cầu được học và hoàn thành chương trình học tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết.

Môn học Tiếng dân tộc thiểu số được dạy từ tiểu học, sử dụng thời lượng tự chọn tương ứng của từng cấp học để tổ chức dạy học.

Nội dung dạy học tiếng dân tộc thiểu số được quy định trong từng chương trình tiếng dân tộc thiểu số do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Điều kiện tổ chức dạy học và quy trình đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy học ở cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Ảnh minh họa: Báo Tin tức/TTXVN

Ảnh minh họa: Báo Tin tức/TTXVN

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2011 đến 2020, việc dạy tiếng dân tộc được thực hiện chính thức trong trường phổ thông với 06 tiếng dân tộc (Mông, Ê đê, Jrai, Bahnar, Chăm, Khmer), triển khai thực hiện tại 22 tỉnh/ thành phố với quy mô 756 trường, 5.267 lớp, 174.562 học sinh được học tiếng dân tộc.

Dạy học tiếng dân tộc đã góp phần quan trọng trong việc huy động học sinh đến trường, hỗ trợ nâng cao năng lực ngôn ngữ, góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, ngôn ngữ dân tộc thiểu số. (1)

Năm học 2020-2021, Việt Nam có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được đưa vào sử dụng. Đến nay đã có 46 cuốn sách của 9 môn học và hoạt động đã được phê duyệt tuy nhiên đối với môn học Tiếng dân tộc thiểu số thì chưa có sách.

Trước thực tế này, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - hiện đang là Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ:

Giai đoạn khi ông còn là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ngoài bộ sách giáo khoa dùng cho vùng thuận lợi thì Bộ vẫn viết thêm một số sách cho vùng dân tộc thiểu số để địa phương kết hợp trong quá trình giảng dạy bởi trình độ nhận thức ban đầu ở vùng sâu, xa, miền núi còn nhiều khó khăn.

Dù tình hình kinh tế xã hội đã phát triển hơn tuy nhiên Việt Nam có tới 54 dân tộc anh em, số lượng người dân tộc thiểu số chiếm 20% tổng dân số do đó tỷ lệ trẻ đến trường cũng chiếm số lượng nhất định trong tổng số học sinh cả nước.

Chính vì vậy Bộ cần tính toán để có sách giáo khoa phù hợp với vùng dân tộc thiểu số và phải đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các em.

Như chúng ta đã biết kinh phí đầu tư cho dự án Đổi mới giáo dục phổ thông là 80 triệu USD. Trong đó, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng.

Trong số 80 triệu USD này, Bộ đã chủ trương dành 16 triệu USD để tổ chức biên soạn 1 bộ sách phổ thông như Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả, trong đó nguyên nhân chính là hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các Nhà xuất bản và triển khai biên soạn sách giáo khoa.

Đến nay Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và trường hợp đã có ít nhất 01 bộ sách bảo đảm chất lượng được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn một bộ sách (sử dụng ngân sách nhà nước) nữa.

Đối với khoản kinh phí 16 triệu USD (vốn vay Ngân hàng Thế giới và 1 triệu USD vốn đối ứng) dự kiến để biên soạn sách giáo khoa, hiện vẫn trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp cùng các Bộ có liên quan đề xuất phương án sử dụng đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Với khoản kinh phí này, thầy Nhĩ kiến nghị: “Khi Bộ không tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thì số kinh phí 16 triệu USD hoàn toàn có thể sử dụng để Bộ biên soạn sách dành cho vùng dân tộc thiểu số”.

Phóng viên Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và được ông cho biết, với chủ trương xã hội hóa thì các nhà xuất bản có quyền làm hoặc không tuy nhiên với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước thì Bộ đã giao Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) phải thực hiện việc biên soạn sách dành cho vùng dân tộc thiểu số.

Ông Thành thông tin thêm, chương trình liên quan đến sách dân tộc thiểu số đã đăng đàn website, đang thực nghiệm và đồng thời với đó là Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đang triển khai viết sách.

Tài liệu tham khảo: (1): https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=6695

Thùy Linh